Nhật Cường đã được Hà Nội “chọn mặt gửi vàng” ra sao?
Nhiều người bất ngờ bởi doanh nghiệp Nhật Cường được biết đến với những bước phát triển thần tốc, dù 'tuổi đời' non trẻ nhưng thường xuyên được lãnh đạo Hà Nội tín nhiệm giao dự án.
Thông tin Bộ Công an đồng loạt khám xét chuỗi cửa hàng điện thoại Nhật Cường thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (TP.Hà Nội) khiến nhiều người bất ngờ bởi doanh nghiệp này được biết đến với những bước phát triển thần tốc, dù “tuổi đời” non trẻ nhưng thường xuyên được lãnh đạo Hà Nội tín nhiệm giao dự án.
Theo ghi nhận của PV, trong hôm qua, các lực lượng thuộc Bộ Công an khám xét chuỗi cửa hàng điện thoại Nhật Cường thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (TP.Hà Nội). Việc khám xét diễn ra từ sáng với sự tham gia của hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều lực lượng.
Đến đầu giờ chiều cùng ngày, tại cửa hàng điện thoại Nhật Cường (33 Lý Quốc Sư, Q.Hoàn Kiếm và C4 Giảng Võ, Q.Ba Đình), cảnh sát đã thu giữ nhiều thùng tài liệu, đồ vật có liên quan. Vào thời điểm lực lượng chức năng khám xét, nhiều cửa hàng điện thoại Nhật Cường trên các phố: Xuân Thủy, Láng Hạ, Chùa Bộc... (Hà Nội) bất ngờ đóng cửa.
Nhật Cường Software trúng thầu và được chỉ định thầu nhiều dự án công trực tuyến của Hà Nội
Đến khoảng 22 giờ 30, lực lượng chức năng mới hoàn tất việc khám xét tại trụ sở chính của Công ty Nhật Cường ở số 7 Trần Phú, Q.Ba Đình, Hà Nội.
Theo nguồn tin của PV, việc công an khám xét tại Công ty Nhật Cường có liên quan đến hành vi buôn lậu và trốn thuế. Tuy nhiên, một lãnh đạo Bộ Công an cho biết sẽ tập hợp thông tin vụ việc để cung cấp cho báo chí trong thời gian sớm nhất.
Cũng trong sáng qua, lực lượng thuộc Bộ Công an đã khám xét nhà riêng một lãnh đạo Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường tại đường Hoàng Hoa Thám, Q.Ba Đình.
Phát triển “thần tốc”
Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường được biết đến là doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại di động và thiết bị công nghệ. Được thành lập năm 2001 với tiền thân là một cửa hàng sửa chữa điện thoại ở 33 Lý Quốc Sư, chỉ trong một thời gian, Nhật Cường nổi lên với chuỗi 9 cửa hàng bán lẻ điện thoại mang thương hiệu “Nhật Cường Mobile” tọa lạc tại các vị trí đắc địa của Hà Nội.
Ngoài ra còn có một trung tâm bảo hành được cho là lớn nhất khu vực phía bắc và một trung tâm ERP (viết tắt của cụm từ: Enterprise Resource Planning; tạm dịch: Hệ thống hoạch định tài nguyên DN tổng thể) tại TP.HCM.
Cửa hàng của Nhật Cường ở Hà Nội đóng cửa ngày 9/5
Theo nội dung công bố thay đổi thông tin đăng ký DN mới nhất, tính đến ngày 4.5, công ty này có vốn điều lệ 38 tỷ đồng. Trong đó có hai cổ đông chính là ông Bùi Quang Huy (góp 90%) và 10% còn lại do ông Trần Ngọc Ánh góp vốn. Buôn bán, sửa chữa điện thoại chỉ là một mảng nhỏ của công ty.
Còn theo thông tin từ Tổng cục Thuế, ông Huy cũng là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software).
Thông tin giới thiệu trên website “Nhật Cường Software” cho biết tiền thân là một trung tâm công nghệ thông tin của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Được thành lập và hoạt động chính thức từ 2016 nhưng Nhật Cường Software đã trúng thầu nhiều dự án lớn về công nghệ của Hà Nội như: cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, đặc biệt là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp...
“Ông trùm” các dự án công trực tuyến Hà Nội
Theo tìm hiểu của PV, Hà Nội đặt mục tiêu đến 2020 trở thành thủ đô thông minh, đứng đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin. Số vốn dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2015 - 2020 lên tới chục nghìn tỷ đồng. Bộ mặt tương lai của chính quyền điện tử thủ đô được định hình gồm: trung tâm dữ liệu nhà nước, mạng diện rộng (WAN), cổng giao tiếp điện tử TP… Dù chưa có kinh nghiệm lâu năm trên “bản đồ” các DN ngành công nghệ, nhưng Nhật Cường Software đã trúng thầu và được chỉ định thầu nhiều dự án quan trọng.
Cụ thể, ngày 6/12/2016, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định 6699/QĐ-UBND với nội dung “Thuê dịch vụ cung cấp phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng điều hành, phục vụ công dân, DN”, thuộc chương trình Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP.Hà Nội năm 2016 (đợt 2). Theo đó, tổng giá trị phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm 1 gói thầu trị giá 10,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, hình thức lựa chọn nhà thầu cho hạng mục này là “chỉ định thầu”. Và theo Văn bản số 2847/UBND-KGVX, ngày 12/6/2017 của Hà Nội, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường chính là đơn vị được Hà Nội “chọn mặt gửi vàng”.
Tương tự, từ tháng 3/2017, Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm lắp đặt hệ thống camera an ninh ở 2 phường: Bồ Đề và Gia Thụy của Q.Long Biên. Đến nay, quận đã lắp đặt hàng trăm camera phủ khắp các tuyến đường, khu dân cư trên trên địa bàn 14 phường; mỗi camera trị giá khoảng 5 triệu đồng; tổng số tiền đầu tư tương đương khoảng 1,1 tỷ đồng. Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường cũng được chỉ định thầu để thực hiện dự án thí điểm này.
Chưa hết, Nhật Cường còn cung cấp những phần mềm cực kỳ quan trọng liên quan đến bảo mật, an ninh của lực lượng Công an Hà Nội. Có thể kể như: Phần mềm quản lý tội phạm (cho phép quản lý tiền án, tiền sự của từng cá nhân; xuất báo cáo thống kê theo từng địa bàn; tăng hiệu quả quản lý và độ chính xác cho nguồn nhân lực phụ trách quản lý tội phạm); Phần mềm lưu trú nhằm giải quyết bài toán đăng ký và quản lý lưu trú cho công an, thay thế phương thức đăng ký lưu trú truyền thống; Cơ sở dữ liệu dân cư cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu gồm hơn 7 triệu người cho Công an Hà Nội dễ dàng tìm kiếm, theo dõi và thêm mới; tích hợp với các giải pháp của Nhật Cường Software (sức khỏe, hộ tịch...) cho phép chiết xuất dữ liệu.
Sản phẩm liên tục bị lỗi
Bên cạnh đó, Nhật Cường Software cũng triển khai phần mềm Dịch vụ công trực tuyến (eSAM). Đây là dịch vụ hành chính công của Hà Nội được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân khắp các xã, phường trên môi trường mạng và được chia thành 4 cấp độ. Tuy nhiên, các phần mềm này khi triển khai từng dính nhiều lỗi.
Theo báo cáo của Q.Bắc Từ Liêm, từ cuối tháng 8.2017 đến hết tháng 9/2017, phần mềm eSAM của công ty này thường xuyên dính lỗi load form (tải mẫu văn bản), lỗi xác nhận bảo mật, cán bộ thường xuyên phải khởi động lại phần mềm mới tiếp tục thực hiện được. Trong lĩnh vực tư pháp, vốn đã được “trực tuyến” hóa 100%, thì số cấp bản sao trích lục hộ tịch trong sổ in không theo thứ tự; trong sổ cấp trích lục có dữ liệu nhưng khi in bản sao trích lục chỉ cập nhật được ngày hiện tại, không cập nhật được số mới...
Liên quan đến phần mềm Quản lý bệnh viện toàn diện, trong đó có hồ sơ sức khỏe cá nhân, dự án này khi thí điểm chưa được nghiệm thu phải tạm dừng. Chi phí vận hành tại một số địa phương quá tốn kém khi mỗi quận, huyện phải cần hàng trăm máy tính nhập dữ liệu. Điều đáng nói, chất lượng phần mềm này quá thấp; được viết ra chỉ để lưu giữ thông tin cá nhân (họ tên, chỉ số kết quả các xét nghiệm chụp chiếu cơ bản, cân nặng chiều cao...). Trong khi đó, những thông số này thì hầu như ai cũng đã có sẵn và đã lưu giữ trong các phần mềm máy tính tại các cơ sở y tế mà họ từng đến khám.
Trong lĩnh vực giáo dục, từ tháng 8.2016, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phối hợp với Công ty giải pháp phần mềm Nhật Cường xây dựng hệ thống phần mềm quản lý thông tin giáo dục và sổ điểm điện tử. Song thời gian đầu khi đưa vào sử dụng, rất nhiều giáo viên, nhân viên được giao phụ trách phần mềm học bạ điện tử ở các trường đã lên tiếng phàn nàn về lỗi hệ thống của phần mềm này. Không ít người cho biết họ cảm thấy ức chế vì liên tục gặp rắc rối khi xử lý thông tin của học sinh trên hệ thống. Đáng nói hơn, những lỗi này lặp đi lặp lại trong khi phía cung cấp phần mềm thường rất chậm khắc phục. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận