Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng hơn 20% trong tháng 3
Các nhà phân tích chỉ ra rằng xuất khẩu sản phẩm nhiên liệu tinh chế tăng mạnh là nguyên nhân chính thúc đẩy nhập khẩu dầu thô tăng vọt.
Bể chứa dầu tại kho dự trữ gần thành phố Benghazi, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Số liệu thống kê chính thức công bố ngày 13/4 cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 3/2023 đã tăng 22,5% so với cùng kỳ một năm trước đó lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2020, khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nhiên liệu và đón đầu đà phục hồi của nền kinh tế trong nước.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô trong tháng Ba của nước này đạt tổng cộng 52,3 triệu tấn, tương đương 12,3 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn đáng kể so với mức nhập khẩu 10,1 triệu thùng dầu/ngày vào tháng Ba năm ngoái.
Tính chung trong quý 1 năm 2023, tổng lượng dầu thô nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ở mức 136,6 triệu tấn, tăng 6,7% so với 127,9 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu trên phù hợp với kỳ vọng các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động và tồn kho sản phẩm giảm do nhu cầu được cải thiện, sau khi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch vào cuối năm ngoái.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng xuất khẩu sản phẩm nhiên liệu tinh chế tăng mạnh là nguyên nhân chính thúc đẩy nhập khẩu dầu thô tăng vọt. Tháng trước, xuất khẩu sản phẩm tinh chế của Trung Quốc tăng 35,1% - từ 4,1 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2022 lên 5,5 triệu tấn.
Theo nhà phân tích Xu Peng thuộc công ty tư vấn JLC, xuất khẩu nhiên liệu tinh chế của Trung Quốc sẽ tăng do biên lợi nhuận của mặt hàng xăng xuất khẩu hiện tại khá khả quan. Nhà phân tích cho biết thêm mức tăng trưởng nhu cầu dầu diesel thấp hơn dự kiến, trong khi tiêu thụ xăng nội địa tương đối ổn định.
Giới quan sát cũng dự kiến nhu cầu tiêu thụ dầu hỏa sẽ tăng tới sau tháng Ba, khi ngành hàng không Trung Quốc phục hồi với các hạn chế đi lại được dỡ bỏ.
Ngoài ra, các nhà phân tích từ ngân hàng ANZ cũng viện dẫn giá dầu thô mua từ Nga thấp hơn là một yếu tố thúc đẩy nhập khẩu của Trung Quốc.
Nhu cầu dầu thô cũng được dự kiến sẽ tăng tại các nhà máy lọc dầu tư nhân lớn như Zhejiang Petrochemical (ZPC) và Hengli Petrochemical. Những nhà máy này được cho là đang hoạt động ở mức hoặc cao hơn công suất chính thức để thu lợi nhuận cao hơn từ mảng lọc dầu.
Tính chung ZPC và Hengli hiện chiếm 6,5% trong tổng công suất lọc dầu của Trung Quốc.
Về khí đốt, Trung Quốc cũng nhập khẩu 8,9 triệu tấn khí đốt tự nhiên trong tháng Ba, tăng 11,2% so với 8,0 triệu tấn của cùng kỳ một năm trước. Tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu trong quý đầu tiên ở mức 26,7 triệu tấn, giảm 3,6% so với năm ngoái.
Nhà phân tích Tina Teng thuộc trung tâm CMC Markets nhận định rằng chỉ số CPI tháng 3/2023 của Trung Quốc thấp hơn dự kiến, điều có thể thúc đẩy chính phủ Trung Quốc kích thích nền kinh tế hơn nữa.
Trước đó, các chuyên gia đã dự báo nhu cầu năng lượng của Trung Quốc có thể tăng mạnh khi nền kinh tế hồi phục và các chính sách phòng dịch được dỡ bỏ hoàn toàn.
Nhiều nhà quan sát lo ngại khi Trung Quốc gia tăng nhập khẩu dầu thô và các tài nguyên năng lượng khác, giá cả các mặt hàng này sẽ tăng lên và thúc đẩy lạm phát trên toàn thế giới.
Nhiều ý kiến lo ngại "cơn khát" năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc có thể góp phần làm tăng lạm phát ở Mỹ và các nền kinh tế khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận