Nhà thi đấu 2.000 tỷ đồng lãng phí:Tp.HCM sẽ tổ chức đánh giá
Đối với dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng 4 mặt tiền tại trung tâm Tp.HCM bị bỏ hoang, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi đã trả lời trước HĐND Tp.HCM.
Đẩy nhanh các dự án ở "đất vàng"
Chiều 7/12, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND Tp.HCM tại kỳ họp 13 HĐND Tp.HCM khoá X.
Đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND Tp.HCM, đại biểu Phạm Đăng Khoa nêu thực tế dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng ở quận 3 cả chục năm qua đang bỏ hoang. Ông Khoa đặt câu hỏi dự án có thực hiện theo hình thức đối tác công tư hay không, vì sao lại lãng phí như vậy?
Trả lời việc này, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi cho biết, người dân Thành phố đi qua nhìn thấy dự án để hoang thì "ai cũng nhức mắt", bản thân ông "cũng rất khó chịu về thực trạng này".
Theo ông Phan Văn Mãi, qua rà soát dự án có thể áp dụng điều khoản chuyển tiếp của dự án BT (xây dựng - chuyển giao) để triển khai tiếp. Tuy nhiên, Thành phố này đang đánh giá ngược lại rằng, với quy hoạch hiện tại, chỗ này tổ chức một trung tâm thể dục thể thao có còn phù hợp.
“Thành phố sẽ tổ chức đánh giá và đề xuất phương án cho dự án, sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy Tp.HCM cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 năm sau. Nếu chúng ta trả lời chỗ này tiếp tục làm trung tâm thể dục thể thao được thì về mặt pháp lý sẽ áp dụng các thủ tục theo hình thức BT để triển khai”, ông Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, Thành phố này mong muốn triển khai sớm dự án và hoàn thành để có cơ sở vật chất phục vụ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, các sự kiện trong tương lai, cũng như có công trình chào mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước".
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, không chỉ dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng mà trên địa bàn quận 1, quận 3 còn rất nhiều vị trí “đất vàng” đang để trống. Ví dụ, thương xá Tax và một số vị trí trên đường Lê Duẩn. Các khu đất này vướng tới một số vụ việc, vụ án nên về mặt pháp lý phải rà soát lại.
Về việc đại biểu đặt vấn đề Tp.HCM nên tạm sử dụng các khu "đất vàng" bỏ trống này để tránh lãng phí, ông Phan Văn Mãi cho hay, Thành phố vận dụng theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị để lập phương án sử dụng tạm ở một số vị trí, như làm nhà vệ sinh công cộng.
Dù vậy, khi thực hiện thì có người nói thành phố "chơi sang", lấy đất vàng làm nhà vệ sinh. Nhưng ông Mãi khẳng định, "đây chỉ là sử dụng, khai thác tạm thời".
Tp.HCM đang tiếp tục vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội cộng với Kết luận 14 để đề xuất một giải pháp có thể tạm thời khai thác các nhà đất công chưa sử dụng.
“Khi xây dựng Nghị quyết 98, Tp.HCM đã đề xuất được sử dụng tạm thời nhà đất công chưa sử dụng, thu vào ngân sách sau khi trừ các chi phí hợp lý. Tuy nhiên, đề xuất này của thành phố không được chấp thuận. Cho nên Thành phố sẽ tiếp tục vận dụng Nghị quyết 98 và Kết luận 14 để có đề án. Song song đó, rà soát giải quyết các vấn đề pháp lý để làm sao các vị trí "đất vàng" phải được khai thác đúng mức, thực sự hiệu quả”, ông Phan Văn Mãi nói.
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm ở 4 mặt tiền đường Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần được chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008, triển khai sau đó hai năm. Chủ đầu tư là Liên doanh Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa và Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (Địa ốc Phát Đạt).
Trước đó, ở vị trí này là nhà thi đấu cũ xây từ năm 1977, sửa sang nâng cấp vào năm 1985. Nơi đây từng diễn ra nhiều sự kiện thể thao quan trọng của Tp.HCM. Năm 2017, nhà thi đấu cũ được tháo dỡ để bàn giao mặt bằng.
Nằm ở vị trí "vàng" trung tâm thành phố nhưng sau 6 năm tháo dỡ, dự án chỉ là bãi đất trống, cỏ cây mọc um tùm. Dự án có mức đầu tư ban đầu là 988 tỷ đồng. Đến năm 2013, công trình đội giá lên 1.352 tỷ đồng, ba năm sau tăng lên 1.953 tỷ đồng, gấp đôi so với ban đầu. Công trình chậm trễ do thành phố chưa chọn được vị trí đất để thanh toán cho nhà đầu tư.
Kịch bản phát triển kinh tế năm 2024
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi nhận định, tình hình khó khăn chung của thế giới và cả nước đã tác động trực diện đến phát triển kinh tế, xã hội của Tp.HCM. Dự đoán, tình hình này tiếp tục tác động đến kinh tế Tp.HCM trong năm 2024.
Trong bối cảnh đó, dù Thành phố này chưa đạt được một số chỉ tiêu đặt ra, người đứng đầu Tp.HCM nhìn nhận, các kết quả như hiện nay là rất đáng trân trọng.
Điều này thể hiện ở mức tăng trưởng, thu ngân sách. Hay như khối lượng công việc mà đội ngũ cán bộ đã tham mưu về Nghị quyết 98, tập trung tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp, tái khởi động các dự án quan trọng, đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển về sau.
Về giải ngân đầu tư công, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi thông tin, tính đến ngày 6/12, địa phương giải ngân 35.157 tỷ đồng, đạt 51,2%. Chính quyền Tp.HCM đã nhận ra được các hạn chế còn tồn tại khiến tám chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt.
"Chúng tôi sẽ điều hành các chỉ tiêu về thu ngân sách đạt cao nhất. Đến hết tháng 1/2024, phấn đấu với công tác xây lắp đạt 95% với các dự án thuận lợi và cơ bản không dưới 80%, không thấp hơn năm 2022", ông Mãi cho hay.
Về nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay, Tp.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP là 7,5-8%. Đây là chỉ tiêu "rất cao và rất thách thức với Tp.HCM ở thời điểm này". Do đó, Tp.HCM đưa ra mục tiêu này là "tự thách thức mình, đặt ra mức tăng trưởng này để tự phấn đấu".
Tp.HCM tập trung vào đề án xây dựng Tp.HCM thành trung tâm dịch vụ lớn về du lịch; hoàn thiện chủ trương phát triển trung tâm tài chính quốc tế, kỳ vọng kịp trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2024.
Chính quyền địa phương cũng tập trung chi cho khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động xã hội. Cùng với đó là hoàn thiện đề án phát triển logistic, triển khai khung chiến lược; xây dựng đề án phát triển công nghiệp trên địa bàn; xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp dẫn đầu, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận