Nhà thầu không lo thiếu tiền thi công, Bộ Giao thông vận tải sẽ đăng ký bổ sung vốn đầu tư công
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị tăng tốc thi công "3 ca, 4 kíp" và giải ngân vốn đầu tư công năm nay. Bộ sẽ tiếp tục đăng ký bổ sung thêm vốn để giảm áp lực giải ngân khoảng 150.000 tỷ đồng trong hai năm sắp tới...
Ngày 23/4, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án trọng điểm.
PHỐI HỢP NHỊP NHÀNG, DẪN ĐẦU GIẢI NGÂN CẢ NƯỚC
Báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đoạ Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết năm 2024, Bộ Giao thông vận tải được giao kế hoạch vốn 59.237 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 4/2024, Bộ Giao thông vận tải ước giải ngân đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 26% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, các tuyến cao tốc giải ngân hơn 10.600 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch năm, đáp ứng yêu cầu.
Về tình hình triển khai các dự án, theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, những tháng đầu năm, việc trình duyệt, thi công các dự án bám sát kế hoạch yêu cầu. Trong tháng 4/2024, Bộ Giao thông vận tải dự kiến khởi công 8 dự án, hoàn thành 4 dự án. Đến nay, 8 dự án đã được khởi công, 3 dự án được hoàn thành.
Đối với công tác chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công giải đoạn 2021 - 2025, tính đến nay, có 65/66 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Như vậy, hiện chỉ còn duy nhất 1 dự án chưa phê duyệt là dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ (53, 62, Nam Sông Hậu) tại Đồng bằng Sông Cửu Long, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, có 55/65 dự án phê duyệt dự án đầu tư. Dự kiến trong quý 2/2024, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án lập kế hoạch, hoàn thành phê duyệt 10 dự án.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư/ban quản lý dự án chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan, triển khai đồng thời các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng biểu dương các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, nhà thầu phối hợp nhịp nhàng đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, góp phần đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải tiếp tục duy trì cao hơn mức trung bình chung cả nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh theo kế hoạch được phân bổ, hai năm cuối của giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, tổng số vốn đầu tư công còn lại Bộ Giao thông vận tải cần phải giải ngân khoảng 150.000 tỷ đồng.
Theo tư lệnh ngành giao thông, nếu năm 2024 tích cực thi công để giải ngân, công tác giải ngân năm sau sẽ bớt nặng nề.
"Các nhà thầu không lo thiếu tiền để thi công "3 ca, 4 kíp". Việc thi công đến đâu, tiền sẽ được bố trí đủ đến đó", Bộ trưởng khẳng định.
Thúc tiến độ giải ngân, người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
"Trước mắt, các chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn thiết kế phối hợp hoàn chỉnh thủ tục trình phê duyệt hai dự án trong tháng 5 tới đây gồm: dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý Nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục phê duyệt 6 dự án sử dụng nguồn vượt thu ngân sách trung ương năm 2022 gồm: tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; dự án nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên quốc lộ 1 (các cầu Xương Giang, Gianh, Quán Hàu và hầm Đèo Ngang); nâng cấp Quốc lộ 24B đoạn Km23-Km29 qua Quảng Ngãi; dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; cầu đường sắt Cẩm Lý.
Song song là bảo đảm tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các dự án cao tốc trục ngang (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu) để tăng sản lượng giải ngân.
Bộ trưởng cũng đồng thời đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết vướng mắc trong chuyển đổi rừng, mặt bằng, vật liệu, tập trung giải quyết tại một số vị trí đường găng: đất yếu, cầu, hầm…
KHÔNG KÉO DÀI THỜI GIAN KHAI THÁC TẠM, SỚM ĐỒNG BỘ HẠ TẦNG CAO TỐC
Liên quan đến công tác đầu tư hệ thống quản lý và vận hành hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí không dừng (ETC), kiểm tra tải trọng xe, Bộ trưởng giao Ban quản lý dự án 6 tiếp tục phối hợp với tư vấn để hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Trong đó, hệ thống ITS phải nghiên cứu phần mềm dùng chung, bảo đảm hiệu quả đầu tư, đồng bộ trên toàn dự án với giá thành hợp lý. Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) phải hoàn thiện đồng bộ, toàn diện nhất, từ hạ tầng phần cứng, phần mềm, đặc biệt là trạm dừng nghỉ.
"Việc đầu tư phải đảm bảo khi các dự án thành phần được khánh thành, đưa vào khai thác là đủ điều kiện để bàn giao ngay cho Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, vận hành khai thác", Bộ trưởng lưu ý.
Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 hiện nay cơ bản hoàn thành, song Bộ trưởng cũng yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục còn lại, sớm bàn giao cho Cục Đường bộ Việt Nam.
"Không thể để việc khai thác tạm, vận hành thử dài như chạy thật. Tất cả các dự án phải hoàn thành đồng bộ và bàn giao nhanh nhất có thể", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Các chủ đầu tư/ban quản lý dự án phải đảm bảo công khai, minh bạch công tác đấu thầu dự án.
Các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ phải tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ việc thi công dự án của các nhà thầu theo hợp đồng, xử nghiêm các nhà thầu vi phạm, không để dự án chậm tiến độ do thiếu máy móc, nhân lực.
Tại cuộc họp, người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải cũng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần vào cuộc của các ban quản lý dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và nhà thầu tại hai dự án thành phần: Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt
"Với Cam Lâm - Vĩnh Hảo, có lúc tưởng chừng như không thể về đích nhưng nhà đầu tư, nhà thầu dồn toàn lực để đáp ứng, thậm chí là đưa các hạng mục về đích sớm.
Tại Diễn Châu - Bãi Vọt, cách đây khoảng 10 ngày, mọi thứ cũng còn rất ngổn ngang, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải, các nhà thầu trong liên danh có sự tương hỗ tích cực cho nhau.
Điển hình, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tập đoàn Cienco 4 cùng Hòa Hiệp hoàn thành khối lượng của các nhà thầu khác bị "đuối" năng lực. Thậm chí, có nhà thầu ở dự án khác đưa máy móc, công nhân, kỹ sư đến tư vấn các giải pháp để tăng tốc các hạng mục quan trọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận