24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Xuân Hòa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhà ở cho công nhân: Chờ đến bao giờ?

Nhiều địa phương ở khu vực Miền Trung đang đầu tư nhiều dự án khu công nghiệp mới, mở rộng các dự án khu công nghiệp sẵn có. Đó là tín hiệu đáng mừng, song nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.

Ồ ạt làm khu công nghiệp

Trong suốt nhiều tháng qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, đảm bảo các điều kiện thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào Khu công nghiệp Becamex Bình Định.

Theo báo cáo của chủ đầu tư và các ngành chức năng của tỉnh, tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Becamex Bình Định đạt kết quả tích cực, đã sẵn sàng các điều kiện để giao đất cho Tập đoàn Kurz và một số nhà đầu tư thứ cấp trong thời gian tới.

Trong khi đó tại tỉnh Quảng Ngãi, trong 10 tháng đầu năm 2021, tỉnh này nổi lên là địa phương thu hút vốn đầu tư trong nước ấn tượng với tổng vốn đăng ký là 85.499 tỉ đồng, vượt xa cả Bình Định, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất việc cấp quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với vốn đầu tư 85.000 tỉ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết phát triển công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025. Việc cho phép Hòa Phát mở rộng đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn/năm là bước đi đúng hướng.

Không thu hút được nguồn vốn đầu tư trong nước ấn tượng như Quảng Ngãi, Quảng Nam hiện đang xúc tiến hồ sơ, thủ tục để đầu tư hàng loạt khu công nghiệp mới, mở rộng các khu công nghiệp hiện hữu trên địa bàn tỉnh.

Nhà ở cho công nhân: Chờ đến bao giờ?
Quảng Nam đang xúc tiến nhiều dự án khu công nghiệp quy mô lớn tại Khu kinh tế mở Chu Lai

Đơn cử như, dự án mở rộng Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải quy mô 115 ha; Khu công nghiệp Cơ khí Ô tô Chu Lai Trường Hải quy mô 243 ha; Khu công nghiệp chuyên nông lâm nghiệp Thaco Chu Lai (KCN Thaco Chu Lai 451 ha); Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng,…

Mới đây, vì nôn nóng tiến độ triển khai thi công, Công ty Cổ phần khu công nghiệp và Đô thị An An Hòa đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam cho phép tổ chức thi công trước phần công tác san nền, tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp.

Doanh nghiệp này cho biết đã làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước. Theo đó, nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp là rất bức thiết. Các nhà đầu tư làm việc với yêu cầu cần mặt bằng sạch với diện tích quy mô lớn trên 100 ha, trong giai đoạn từ quý 2-2022.

Từ thực tiễn tiến độ dự án và công tác xúc tiến đầu tư, doanh nghiệp này cho rằng, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tam Anh – An An Hòa cần được quan tâm hơn nữa để đẩy nhanh các thủ tục pháp lý và tiến đến khởi công xây dựng dự án sẵn sàng cho nhà đầu tư.

Tương tự, Đà Nẵng cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều dự án khu công nghiệp.

Có thể kể đến như Khu công nghiệp Liên Chiểu hiện có 29 doanh nghiệp thuê đất. Diện tích đất Khu công nghiệp đang san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn năm 2022-2023 để đưa vào khai thác là 62ha. Còn dự án Khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 1) được dự kiến sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vào cuối tháng 12 năm 2021,…

Thúc tiến độ dự án

Trước thực tiễn quy hoạch, đầu tư nhiều dự án khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo một số giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nhà ở cho công nhân: Chờ đến bao giờ?
Tuyến đường bê tông dẫn vào khu nhà trọ dành cho công nhân Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc hễ mưa xuống là bị ngập úng

Theo đó, đối với các khu công nghiệp đã cơ bản được đầu tư hoàn thiện hạ tầng thiết yếu (Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa), Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với các ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch (nếu có) để bổ sung quỹ đất phù hợp phát triển nhà ở xã hội (nhà ở cho công nhân), làm cơ sở thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được lựa chọn theo quy định.

Đối với các khu công nghiệp đã và đang lập quy hoạch chi tiết, đang triển khai công tác bồi thường GPMB, kêu gọi chủ đầu tư xây dựng hạ tầng (Hòa Hội, Cát Trinh, Bình Nghi, Bồng Sơn, Long Mỹ 2), Chủ tịch tỉnh giao Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh phối hợp với các ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp để dành phần diện tích đất phát triển nhà ở xã hội (nhà ở cho công nhân), thiết chế của công đoàn cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Đặc biệt, đối với các dự án tại các khu đất ngoài trung tâm thành phố Quy Nhơn, lãnh đạo tỉnh Bình Định đề nghị nghiên cứu xây dựng nhà ở xã hội chung cư thấp tầng, nhà ở xã hội liền kề với giá trị không quá 400 triệu đồng/căn hoặc có đơn giá cho thuê không quá 50.000 đồng/1m2 /tháng.

Còn tại Quảng Nam, câu chuyện về nhà ở cho công nhân luôn là vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của không chỉ người lao động, các cấp chính quyền ở tỉnh mà còn cả Bộ ngành Trung ương.

Ngày 9-11 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 7737/BKHĐT-QLKKT gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc làm rõ một số vấn đề liên quan đến hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam rà soát và báo cáo tình hình triển khai, thực hiện nhà ở và các công trình hạ tầng xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp đối với các khu công nghiệp đã thành lập và đi vào hoạt động trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh.

Tại cuộc họp ngày 12-11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cho biết việc phát triển nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp còn một số hạn chế. Hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn.

Nhà ở cho công nhân: Chờ đến bao giờ?
Quảng Nam xúc tiến đầu tư nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại thành phố Tam Kỳ

Theo ông Tuấn, việc thực hiện tốt chính sách phát triển nhà ở cho công nhân cùng với các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hoàn chỉnh sẽ góp phần giải quyết nơi ở ổn định cho công nhân, thuận lợi trong việc quản lý lao động lưu trú, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đồng thời, việc thực hiện chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp có nơi ở ổn định, an toàn, nhất là trong mùa mưa bão, lũ lụt.

Từ thực tiễn nêu trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu sớm hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để thẩm định, tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (đầu tư công và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư) đối với các dự án đã đảm bảo điều kiện triển khai thực hiện theo quy định.

Trước mắt, tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn hỗ trợ UBND thành phố Tam Kỳ thực hiện dự án nhà ở xã hội tại quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư An Phú, phường An Phú được chủ đầu tư bàn giao lại.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ UBND thành phố Hội An thực hiện dự án đầu tư nhà ở xã hội tại khối phố An Bàng (khoảng 0,35 ha quỹ đất sạch do UBND thành phố Hội An đang quản lý) để các địa phương thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Đồng thời tỉnh này cũng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp phường Hòa Thuận (An Hòa 1), thành phố Tam Kỳ để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Chưa hết, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam còn yêu cầu rà soát tình hình thực hiện dự án Khu nhà ở công nhân của Công ty Panko Tam Thăng đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn 1, đánh giá hiệu quả đầu tư, các khó khăn vướng mắc (nếu có) để rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện đối với các dự án khác trên địa bàn tỉnh.

Song song với đó, đôn đốc chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 của dự án để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân của Công ty tại Khu công nghiệp Tam Thăng, phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Tại Quảng Nam và Bình Định là như vậy, còn tại Quảng Ngãi thì sao?

Báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh này cho biết, trong quý 3-2021, toàn tỉnh không có dự án nhà ở xã hội nào được cấp phép mới và chỉ có một dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng với quy mô 532 căn. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi hiện không có dự án nhà ở công nhân nào đang triển khai xây dựng,…

Người lao động nói gì?

Trao đổi với chúng tôi, nhiều công nhân lao động tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho rằng công nhân lao động, đặc biệt là người có thu nhập thấp hiện đang rất mong muốn sớm có được một nơi an cư lập nghiệp ổn định. Nhiều người trong số họ hiện đang trông chờ vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thu nhập thấp.

Nhà ở cho công nhân: Chờ đến bao giờ?
Người lao động tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc phải sinh sống trong những khu nhà trọ tối tăm, nhếch nhác

Có trường hợp vì đợi chờ việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nên đã bỏ lỡ cơ hội mua nhà đất, trước thời điểm sốt đất diễn ra khắp nơi trên địa bàn thị xã Điện Bàn những năm qua.

Có người đã mạnh dạn vay tiền ngân hàng mua nhà đất để ở vì lo lắng tình trạng sốt đất sẽ lại tái diễn. Đơn cử như trường hợp anh Tuấn (thị xã Điện Bàn).

Anh Tuấn chia sẻ, vì lo lắng giá đất sẽ tiếp tục tăng cao, đồng thời sợ rằng tiêu chí lựa chọn đối tượng mua nhà ở xã hội sẽ khắt khe nên vợ chồng anh đã chạy vay khắp nơi để mua một lô đất gần 1 tỉ đồng tại khu vực Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc.

Tại Báo cáo số 69/BC-LĐLĐ ngày 30-9-2021, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam cho biết đợt dịch Covid-19 bùng phát từ ngày 18-7 đến ngày 30-9-2021 đã ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của công nhân viên lao động và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cũng tại báo cáo này, Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Nam cho biết, qua thống kê chưa đầy đủ đã có nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp khác phải thực hiện phương án “3 tại chỗ”, hàng ngàn công nhân lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.

Trong khi dịch bệnh Covid-19 không biết đến bao giờ mới kết thúc, giá nhà đất vẫn đang neo ở mức cao và nhà ở xã hội, nhà ở công nhân không biết bao giờ mới đến tay người lao động, thì ước mơ an cư lập nghiệp của người lao động nơi đây vẫn chỉ mơ ước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả