Nhà đầu tư thiệt hại nặng do tin đồn
Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng áp đảo nên yếu tố cảm xúc ảnh hưởng lớn tới quyết định giao dịch.
Lợi dụng mạng xã hội, một số đối tượng đã tung tin đồn bắt lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết, các công ty đang bị thanh tra liên quan tới phát hành trái phiếu. Việc này đã làm tăng thêm sự hoài nghi, lo sợ và kích hoạt hành động bán tháo trên sàn chứng khoán.
Từ ngày 1-12/4/2022, vốn hóa sàn HoSE đã bị sụt giảm 238.800 tỷ đồng. Tính chung cả 3 sàn thì vốn hóa đã bị thổi bay 318.200 tỷ đồng, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, dẫn tới nhiều người mất niềm tin vào thị trường, vào doanh nghiệp khi chậm trễ trong việc bác tin đồn và trấn an nhà đầu tư.
Thực tế, NĐT cá nhân là những người dễ bị tổn thương nhất do luôn bị chi phối bởi cảm xúc trong đầu tư giữa nỗi sợ hãi và sự hưng phấn quá đà.
Tính tới cuối tháng 3/2022, thị trường có hơn 4,9 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước, chiếm khoảng 5% dân số, theo dữ liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng áp đảo nên yếu tố cảm xúc ảnh hưởng lớn tới quyết định giao dịch.
Có những đối tượng nhận thấy tâm lý thiếu ổn định của nhóm nhà đầu tư này sau khi lãnh đạo một số doanh nghiệp bị bắt nên liên tục tung ra các thuyết âm mưu, gieo rắc nỗi sợ hãi và đưa ra các bằng chứng thiếu cơ sở để lôi kéo, dụ dỗ một bộ phận nhà đầu tư hành động theo bản năng và bán ra cổ phiếu.
Hiệu ứng domino xuất hiện khi nhiều nhà đầu tư thấy cổ phiếu giảm giá, lo sợ có tin xấu chưa ra nên thực hiện bán trước. Vòng lặp này liên tục diễn ra, tạo nên sự hỗn loạn trên thị trường, một loạt cổ phiếu dư bán giá sàn.
Trong đó, phiên ngày 8/4, trên HOSE có 370 mã giảm giá, gồm 25 mã dư bán giá sàn với khối lượng lớn; phiên ngày 12/4, sàn HOSE có 409 mã giảm giá, gồm 64 mã dư bán giá sàn, chỉ có 67 mã tăng giá và 27 mã đứng giá.
Chiêu trò thường được các đối tượng lợi dụng là dùng văn bản sai thời điểm, hoặc thông tin không kiểm chứng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận