24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Khánh Huyền
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhà đầu tư sẽ ra sao khi cổ phiếu doanh nghiệp bị hủy niêm yết?

Dù cổ phiếu bị hủy niêm yết, nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch nếu doanh nghiệp đăng ký chuyển về thị trường UPCoM với các quy định khác biệt về biên độ giao dịch cũng như công bố thông tin so với HoSE.

Cổ phiếu bị hủy niêm yết có thể chuyển xuống giao dịch tại UPCoM. Tuy nhiên, không ngoại trừ khả năng cổ phiếu bị mất thanh khoán, dẫn đến tình trạng nhà đầu tư bị "giam vốn".

Sau khi chính thức công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với khoản lỗ sau thuế hơn 11.200 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu trên HoSE.

Hãng bay này đang thuộc trường hợp “kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.

Xử lý thế nào nếu cổ phiếu bị hủy niêm yết?

Theo quy định, một cổ phiếu có thể hủy niêm yết bằng hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện.

Diện bắt buộc xảy ra khi doanh nghiệp niêm yết nằm trong một số trường hợp cơ bản như có hoạt động kinh doanh bị ngừng 1 năm trở lên; thua lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất hoặc công ty bị thu hồi giấy phép hoạt động/đăng ký kinh doanh.

Trong khi đó, doanh nghiệp có thể tự nguyện hủy niêm yết cổ phiếu khi hoạt động kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm liên tiếp, vốn hóa thị trường giảm trầm trọng; quyết định của cổ đông, trong đó có trên 50% số phiếu biểu quyết (không phải là cổ đông lớn) chấp nhận hủy niêm yết. Tuy nhiên, doanh nghiệp không được đề nghị hủy niêm yết trong vòng 2 năm kể từ ngày niêm yết.

Dù cổ phiếu bị hủy niêm yết, nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch nếu doanh nghiệp đăng ký chuyển về thị trường UPCoM với các quy định khác biệt về biên độ giao dịch cũng như công bố thông tin so với HoSE.

Trường hợp doanh nghiệp không chuyển cổ phiếu xuống giao dịch tại UPCoM, nhà đầu tư phải tự tìm kiếm những người có nhu cầu mua cổ phiếu, hai bên sẽ tự quyết định mức giá giao dịch, khối lượng cổ phiếu. Thực tế, vẫn có một số nhà đầu tư lớn thu mua những cổ phiếu này với mục đích tái cấu trúc hoặc thâu tóm doanh nghiệp. Đây là cơ hội để bán cổ phiếu bị hủy niêm yết không chuyển sàn nhanh nhất.

Theo Công ty Chứng khoán Pinetree, khi cổ phiếu doanh nghiệp bị hủy niêm yết nhà đầu tư cần sớm liên hệ với phòng cổ đông của công ty để được cấp lại sổ, xem lại chính sách thu mua cổ phiếu của doanh nghiệp.

Cổ phiếu đang nắm giữ bị hủy niêm yết là điều không nhà đầu tư nào mong muốn. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, nhà đầu tư cẩn bình tĩnh xử lý, theo dõi thông tin để hạn chế thất thoát vốn. Khi đầu tư vào những cổ phiếu mang tính rủi ro cao, không nên “gồng lỗ” vượt quá mức chịu đựng rủi ro của tài khoản.

Công ty chứng khoán cũng đưa lời khuyên nên bán ngay cổ phiếu khi chuyển sang giao dịch tại UPCoM để thu hồi vốn. Độ rủi ro của cổ phiếu ở giai đoạn này rất cao nên không còn thời gian để chần chừ.

Với cổ phiếu có khả năng phục hồi, thanh khoản của những cổ phiếu này dù giảm nhưng vẫn có thể bán. Nếu không bán ra được, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ. Bởi không ít cổ phiếu đã lội ngược dòng nhờ các dự án đầu tư mới, tái cấu trúc doanh nghiệp hay định hướng kinh doanh đúng đắn.

Từng nhiều lần bị cảnh báo hủy niêm yết

Với trường hợp của HVN, đây không phải lần đầu tiên cổ phiếu này rơi vào cảnh báo động. Thực tế, trước khi công bố BCTC kiểm toán năm 2022, Vietnam Airlines đã bị cơ quan quản lý cảnh báo 3 lần.

Cụ thể, năm 2021, hãng đã báo cáo Chính phủ cho phép duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán và cam kết không âm vốn chủ sở hữu. Thời điểm đó, Vietnam Airlines cũng phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 7.961 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên hơn 22.143 tỷ đồng và thoát cảnh âm vốn. Công ty cũng ký hợp đồng tín dụng theo diện tái cấp vốn với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng.

Tháng 9/2022, HoSE lại lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN. Mã chứng khoán này cũng bị giữ nguyên diện kiểm soát do âm vốn chủ sở hữu.

Đại diện Vietnam Airlines nhiều lần nhấn mạnh đây là trường hợp đặc biệt. Trong đó, việc lỗ, âm vốn là do yếu tố khách quan. Cổ phiếu của hãng tốt, đang có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển, giá trị vốn hoá và tài sản lớn. Mặt khác việc hủy niêm yết chỉ thực hiện với các cổ phiếu xấu nhằm thanh lọc thị trường chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư.

Lần gần nhất là đầu tháng 2 năm nay, HoSE một lần nữa gửi thông báo lưu ý hủy niêm yết cổ phiếu HVN. Phía Sở giao dịch cho biết theo BCTC hợp nhất quý IV/2022, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lũy kế năm là âm 10.452 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm là âm 34.199 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỷ đồng.

Do đó, cổ phiếu Vietnam Airlines có thể bị hủy niêm yết nếu BCTC hợp nhất kiểm toán 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
27.45 +0.90 (+3.39%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả