Nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản “bắt đáy” khi TTCK chứng kiến những phiên giảm điểm lịch sử
Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 3 vừa qua chỉ xếp sau con số kỷ lục 40.651 tài khoản được thiết lập vào tháng 3/2018 khi VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.200 điểm.
Số liệu mới được công bố tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết Nhà đầu tư trong nước đã mở mới 31.949 tài khoản chứng khoán trong tháng 3/2020, con số cao nhất trong vòng 2 năm qua. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 31.832 tài khoản và nhà đầu tư tổ chức mở mới 117 tài khoản.
Như vậy, số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 3 vừa qua chỉ xếp sau con số kỷ lục 40.651 tài khoản được thiết lập vào tháng 3/2018 khi VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.200 điểm.
Việc thị trường giảm sâu trong tháng 3 vừa qua đã thu hút nhiều người chưa từng đầu tư chứng khoán mở tài khoản cũng như những tài khoản đã từng “đóng băng” cũng tham gia lại thị trường để “bắt đáy”. Điều này đã giúp thị trường có thêm dòng tiền mới để "cân" lại lực bán mạnh mẽ của khối ngoại trong thời gian vừa qua.
Khối ngoại đã từng có 33 phiên bán ra liên tục trên thị trường trong khoảng thời gian vừa qua với giá trị bán ròng xấp xỉ 8.000 tỷ đồng riêng trong tháng 3, theo dữ liệu của HoSE. Nếu như không có nhà đầu tư mới tham gia “bắt đáy” thị trường có thể chứng kiến mức giảm điểm mạnh hơn những gì đã diễn ra.Cũng theo số liệu từ VSD, trong tháng 3 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mở mới 191 tài khoản, con số thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Thống kê từ năm 2017 tới nay cho thấy xu hướng mở mới tài khoản của nhà đầu tư nội và ngoại khá đồng pha nhau, từ việc "ồ ạt" mở tài khoản khi VN-Index đạt 1.200 điểm vào tháng 3, tháng 4/2018 cho tới việc ít quan tâm tới thị trường vào đầu năm 2019.
Tuy vậy, trong bối cảnh VN-Index sụt giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19 như trong tháng 3 vừa qua, nhà đầu tư nội và ngoại đang có quan điểm trái chiều nhau. Điều này có thể đến từ việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia bởi dịch Covid-19 khiến nhà đầu tư ít có cơ hội mở tài khoản tại Việt Nam.
Trong khi tại Việt Nam, nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng về việc kiềm chế dịch bệnh Covid-19 khi số liệu những ca mới đang có xu hướng tăng chậm lại và quyết tâm của lãnh đạo Chính phủ “chống dịch như chống giặc” và các biện pháp của Chính phủ về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ
Khi thực hiện cách ly toàn xã hội, chứng khoán cũng được coi là “dịch vụ thiết yếu”, điều này cũng được một số chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán ví như “liều doping” khiến thị trường tăng điểm trở lại trong những phiên đầu tháng 4/2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận