Nhà đầu tư ngoại rót gần nửa tỉ đô la thâu tóm doanh nghiệp Việt trong tháng 1
Tháng khởi đầu của năm 2022, dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài đổ vào mua cổ phần và thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tín hiệu này cho thấy dòng vốn ngoại qua các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) năm 2022 sẽ tăng cao.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng đầu tiên của năm 2022, có 206 lượt góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt 443,5 triệu đô la Mỹ, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam đang tăng lên sau khi dịch do Covid-19 dần được kiểm soát.
Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc dẫn đầu về lượng giao dịch
Theo cơ quan nói trên, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc dẫn đầu số lượng giao dịch M&A ở Việt Nam trong tháng 1-2022 với 73 lượt, tổng giá trị góp vốn mua cổ phần là gần 30 triệu đô la.
Trong khi đó, nhà đầu tư đến từ Singapore dù chỉ có 27 lượt giao dịch nhưng vốn đầu tư lên đến hơn 357 triệu đô la, tiếp tục dẫn đầu về số vốn rót qua giao dịch M&A ở Việt Nam trong tháng vừa qua. Các giao dịch của doanh nghiệp đến từ Singapore có quy mô vốn rất lớn.
Đáng chú ý là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc trong cùng thời gian nêu trên có 18 lượt giao dịch mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam, vốn rót đạt hơn 11 triệu đô la; nhà đầu tư từ Nhật Bản có 8 lượt giao dịch.
Một điểm nổi bật của giao dịch M&A ở Việt Nam lần này là doanh nghiệp đến từ Mỹ có đến 13 lượt giao dịch, cao hơn gấp đôi số lượng giao dịch mua cổ phần và thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam của cùng kỳ năm ngoái. Các nhà đầu tư đến từ Pháp và Úc trong tháng qua mỗi quốc gia này cũng có 7 lượt giao dịch góp vốn và mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam.
Hứa hẹn một năm “bội thu”
Năm 2022 được các chuyên gia dự báo sự phục hồi nhanh của thị trường thế giới, nhất là các nền kinh tế đối tác của Việt Nam, dòng tiền đổ vào Việt Nam thông qua hình thức mua bán, sáp nhập (M&A) được dự báo sẽ sôi động hơn khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Các ngân hàng, công ty tư vấn M&A dự đoán sẽ có một “vụ mùa bội thu” trong mảng M&A vào năm nay.
Công ty TNHH Chứng khoán Maybank Investment Bank nhận định, Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn vào năm 2022 nhờ được bảo vệ từ miễn dịch cộng đồng, việc di chuyển khả năng sẽ trở lại bình thường. Do đó các kế hoạch M&A, mua bán cổ phần chiến lược và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ được tiếp tục và thậm chí còn được đẩy nhanh. Điều này sẽ giúp thu hút các quỹ nước ngoài vào Việt Nam và về cơ bản sẽ giúp khai phá giá trị của các công ty Việt Nam.
Đưa ra nhận định này tại Diễn đàn M&A vào tháng 12-2021, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, cho rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã xem M&A như một chiến lược quan trọng trong sự phát triển của họ.
Trong năm 2021, dù gặp nhiều trở ngại nhưng thị trường M&A của Việt Nam vẫn tăng trưởng 17,9% so với năm ngoái, tính đến tháng 10-2021, đạt 8,8 tỉ đô la. Ngành tiêu dùng thiết yếu, tài chính và bất động sản tiếp tục thu hút nhiều M&A, hưởng lợi từ nhu cầu cao về nhà ở, dịch vụ tài chính và hàng hóa tiện lợi.
Xu hướng tăng trưởng trong hoạt đông M&A chưa có dấu hiệu giảm tốc, khi các công ty và giới đầu tư đang chạy đua để chốt đơn giao dịch.
Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán – sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, cũng cho biết dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn lọt top 3 cùng Singapore về giá trị giao dịch M&A của nhà đầu tư Nhật Bản. Các lĩnh vực mà Nhật Bản muốn rót vốn vào Việt Nam gồm xây dựng hạ tầng, logistics, bán lẻ tiêu dùng và năng lượng sạch.
Theo ông Yoshida, làn sóng các công ty Nhật Bản tiến hành thủ tục đầu tư tại Việt Nam dự báo tăng mạnh, thậm chí có nhiều thương vụ sẵn sàng ký kết online.
Năm 2022 cũng trông đợi sự phục hồi nhanh của thị trường thế giới, nhất là các nền kinh tế đối tác của Việt Nam, sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Á mà ở đó, Việt Nam luôn là một địa chỉ được nhấn mạnh. Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, UVFTA… sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng.
Hầu hết các lĩnh vực đều có thể tăng giao dịch qua M&A. Tuy nhiên theo giới phân tích M&A, trong các ngành thương mại điện tử, dịch vụ tài chính và đặc biệt là lĩnh vực công nghệ số trong năm qua ở Việt Nam được ghi nhận có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Làn sóng này được dự báo còn nhiều triển vọng và hứa hẹn sẽ bùng nổ trong tương lai gần…
Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục dẫn dắt thị trường, trong đó các quốc gia tập trung chủ yếu là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị M&A mà trong đó các doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua lại có xu hướng gia tăng.
Theo số liệu từ nền tảng dịch vụ tài chính Dealogic, tính đến ngày 16-12-2021, tổng giá trị các thương vụ M&A trên toàn thế giới đạt 5,63 nghìn tỉ đô la, tăng 63% so với mức kỷ lục trước đó là 4,42 nghìn tỉ đô la, được thiết lập trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2007.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận