Nhà đầu tư lạc quan trong tâm bão
“Tôi thấy đa phần mọi người bảo chờ đến đáy hẵng mua. Nhưng ai mà biết được đâu là đáy chứ?”.
H, một nhà đầu tư chọn cổ phiếu làm kênh tiết kiệm được 2 năm, tin rằng doanh nghiệp sẽ trở lại guồng quay khi dịch bệnh kết thúc. Theo những gì anh thường đọc được từ những nhà đầu tư nổi tiếng thế giới như Warren Buffett, Ray Dalio,… cứ khi nào thị trường khủng hoảng thì sẽ luôn có cổ phiếu bị định giá thấp để mua vào.
Suy nghĩ của H có thể đúng phần nào. P/E của VN-Index hiện đã giảm về mức 10.8 còn HNX-Index thì đã về mức 7.3.
(dữ liệu chốt ngày 25/03/2020)
H cho biết sẽ đầu tư thêm, chủ yếu là vào những cổ phiếu anh đã có thời gian tìm hiểu trước đây. “Có nhiều cổ phiếu giảm và trông rẻ thật, nhưng nếu mua chỉ vì giá giảm, đến khi nó giảm nữa thì mình chẳng biết làm thế nào cho phải.”
Thị trường lao dốc tạo cho nhiều nhà đầu tư, trong đó có H, tình huống mà họ chẳng nghĩ sẽ xảy đến. Gửi gắm tiền của vào những cái tên đầu ngành có thể hấp dẫn ở thời điểm này, khi không ít cổ phiếu lớn đổ nhào chỉ trong thời gian ngắn.
Các doanh nghiệp lớn vốn dĩ đã có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp nhỏ, họ có khả năng tiếp cận nguồn vốn tốt hơn, có nhiều lợi thế hơn về nhân sự, kinh doanh và giờ đây có thể có khả năng sống sót cao hơn nếu nền kinh tế bị tác động mạnh. Chính phủ cũng không ngồi yên để mọi thứ tự vận hành. Ngân hàng Nhà nước đã hạ các lãi suất điều hành từ 0.5-1%, một gói tín dụng 285 ngàn tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch virus corona cũng được lên kế hoạch.
Cổ phiếu giảm về vùng định giá P/E < 10 (giá cổ phiếu chốt phiên 25/03; lợi nhuận 2019)
Đối với bản thân H, tình hình dịch bệnh đáng lo không chỉ với danh mục đầu tư mà còn với cả công việc mà anh đang theo đuổi. H làm việc tại một doanh nghiệp đa quốc gia với nhiều nhân viên ngoại quốc. Những đồng nghiệp của anh trở về Việt Nam sau chuyến công tác đã được đưa đến nơi cách ly 14 ngày, điều này ảnh hưởng đến các kế hoạch được đề ra cả năm trời. Công ty cũng đang xem xét khả năng tạm cho nhân viên làm việc tại nhà.
Đấy là tình cảnh chung của không ít doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Samsung là ví dụ điển hình. Theo Nikkei Asian Review, Samsung Electronics sẽ bị tác động nặng nề khi Việt Nam thực thi lệnh hạn chế nhập cảnh, cách ly đối với các kỹ sư Hàn Quốc. Hoạt động sản xuất dòng điện thoại thông minh Galaxy Note mới nhất có thể không kịp tiến độ. Cơ sở sản xuất tại Việt Nam làm ra gần một nửa lượng điện thoại Galaxy của Samsung.
Về phần H, anh làm cho một công ty chuyên cung ứng thiết bị và thi công nhà máy trong ngành công nghiệp kim loại. Công việc ở đây cho anh một vị trí tốt để quan sát tình hình. Một khách hàng (của công ty H đang làm việc) là doanh nghiệp sản xuất niêm yết cổ phiếu tại sàn HOSE cũng đang bị chậm tiến độ dự án nhà máy, bởi lẽ các chuyên viên nước ngoài của công ty H không thể sang Việt Nam vì lệnh đóng cửa hàng không đối với các quốc gia vùng dịch. Theo dõi tin tức, H được biết người nội bộ của doanh nghiệp sản xuất này đang muốn mua lượng lớn cổ phiếu. “Các cổ phiếu vẫn đang giảm nhưng những người hiểu về doanh nghiệp nhất có vẻ tin tưởng vào việc làm ăn trong dài hạn.” – H nói.
Làn sóng mua cổ phiếu từ người nội bộ doanh nghiệp bắt đầu diễn ra, nổi bật như tại REE, VNM, NVL, MWG,… Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp cũng lên kế hoạch triển khai các đợt mua cổ phiếu quỹ hàng chục triệu đơn vị. Khuyến khích cho những hoạt động này, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - Chủ tịch Trần Văn Dũng cho biết sẽ xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ chỉ trong 1 ngày thay vì 7 ngày như trước. Theo một báo cáo công bố ngày 20/03 của CTCK VNDirect (VNDS), tổng giá trị cổ phiếu mà doanh nghiệp và các cổ đông nội bộ muốn mua ước đạt lần lượt 2,290 tỷ đồng và 1,210 tỷ đồng; các con số vẫn không ngừng tăng lên.
Biến cố dịch bệnh toàn cầu đã khiến các thị trường tài chính “xích lại” gần nhau hơn khi chúng bắt đầu tăng giảm đồng pha.Trong khoảng thời gian mà cổ phiếu đổ dốc, H tìm đến các diễn đàn chứng khoán để xem ý kiến của mọi người. “Tôi thấy đa phần người ta bảo chờ đến đáy hẵng mua. Nhưng ai mà biết được đâu là đáy chứ?”.
Những ngày này, câu chuyện mà H và đồng nghiệp trao đổi với nhau cũng loanh quanh tình hình dịch bệnh, số ca nhiễm, khi nào thì mọi việc trở lại bình thường,… Khi về nhà, đấy tiếp tục là chủ đề chính trong cuộc trò chuyện với gia đình. Lướt xem tin tức trên điện thoại, virus corona cũng là tất cả những gì anh thấy.
Không như nhiều nhà đầu tư khác, H cho biết không muốn dự đoán gì về thị trường chứng khoán cả,bởi anh hiểurằng mình không có chuyên môn. “Tôi là kỹ sư chứ đâu phải chuyên gia chứng khoán”. Nhưng nói rồi, anh nghĩ một vài giây và tiếp lời: “Thị trường cũng không khởi sắc sớm đâu”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận