Nhà đầu tư không còn tin tưởng vào cổ phiếu doanh nghiệp "đầu ngành"
Đối với các nhà đầu tư có tâm lý "ăn chắc, mặc bền" thì các cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành luôn là lựa chọn số 1. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều mã cổ phiếu trong danh mục này lại đang khiến các cổ đông của mình đi hết từ thất vọng này đến thất vọng khác.
Từng là cổ phiếu "kim cương" của thị trường chứng khoán Việt Nam, với thị giá luôn nằm trong nhóm cao nhất, nhưng đến nay cổ phiếu VNM (Vinamilk) lại đang là bluechip gây thất vọng nhất cho giới đầu tư khi liên tiếp giảm trong thời gian gần đây.
Tính đến phiên giao dịch ngày 7/5, thị giá của VNM đã giảm khoảng 25% so với mức giá 116.000 đồng/cp hồi đầu năm, xuống còn 87.000 đồng/cp, bất chấp những diễn biến tích cực vủa Vn-Index. May mắn thay, kết thúc phiên 10/5, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam đã hồi phục và tăng trần lên mức 93.000 đồng/cp, tăng 6.000 đồng/cp so với giá đóng cửa phiên giao dịch trước đó, tổng khối lượng giao dịch hơn 8 triệu đơn vị.
Vốn hoá thị trường của VNM hiện còn 181.826 tỷ đồng và chính thức bị HPG của Hoà Phát “vượt mặt”, đánh mất vị trí là cổ phiếu có vốn hoá lớn thứ 4 trên thị trường.
Đáng chú ý, VNM cũng đang dần "thất sủng" trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài khi trong 4 tháng qua, khối này đã bán ròng 5.500 tỷ đồng (tương đương 240 triệu USD). Điều này đã kéo giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk xuống còn khoảng 2,2% - đây là đợt bán ròng lớn nhất trong lịch sử của VNM và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tuy nhiên, VNM không phải là bluechip duy nhất trên sàn mang lại nỗi niềm cho nhà đầu tư, bộ đôi SAB (Sabeco) và BHN (Habeco) cũng có diễn biến không mấy tích cực, khi liên tiếp giảm trong thời gian qua.
Cụ thể, tại mức giá 153.000 đồng/cp của phiên giao dịch ngày 7/5, thị giá của SAB đã "bốc hơi" 22,3% so với đầu năm. Đáng chú ý, trong suốt 1 tháng giao dịch vừa qua, số phiên giao dịch đóng cửa với sắc xanh của SAB chỉ ghi nhận 3 phiên, với mức tăng trung bình chưa đến 1% mỗi phiên, trong khi sắc đỏ chiếm áp đảo tới 13 phiên.
Tương tự, thị giá của BHN cũng đã giảm tới 16,6% so với vùng giá 80.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi đầu năm.
Đà giảm của bộ đôi "ông lớn' ngành bia này diễn ra trong bối cảnh cả hai đều ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2021. Theo đó, Sabeco đạt 986 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 37,5% so với cùng kỳ. Habeco cũng ghi nhận lãi sau thuế 47,6 tỷ đồng trong khi quý 1/2020 lỗ hơn 98 tỷ đồng.
Một tên tuổi khác cũng có hiệu suất kém tích cực từ đầu năm tới nay là BVH (Tập đoàn Bảo Việt) với mức giảm gần 18%. Bất chấp lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 1.597 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với năm trước.
Ngoài ra, các bluechip khác như PLX (Petrolimex), GAS (PVGas) cũng khiến các nhà đầu tư thất vọng khi giảm lần lượt 7,8% và 9,7%, trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tiếp tăng trong những tháng đầu năm 2021.
Thực tế, có rất nhiều yếu tố có thể tác động đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, nhưng cần phải nhắc lại đây là một kênh đầu tư khó đoán định, bởi nguyên tắc cung-cầu, thuận mua vừa bán.
Do đó, diễn biến thăng hoa hay thoái trào của một cổ phiếu nào đó là điều đương nhiên, dù đó là penny hay bluechip. Nếu có đủ niềm tin với doanh nghiệp, các nhà đầu tư sẽ bỏ qua được nỗi thất vọng trong ngắn hạn để tiếp tục kỳ vọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường