Ngóng cổ tức mùa đại hội
Mùa đại hội cổ đông năm nay, bên cạnh việc ngóng chờ nhận cổ tức bằng tiền thì cổ phiếu của các doanh nghiệp có kế hoạch chia cổ tức cao được nhiều nhà đầu tư ưu tiên đưa vào danh mục.
Đầu tư hưởng cổ tức: Ăn chắc mặc bền
Nhà đầu tư Nguyễn Văn Hoàng (Hà Nội) chia sẻ, từ cuối năm 2022 đến nay, mặt bằng giá cổ phiếu ở mức thấp so với vài năm trước, nhưng thị trường chứng khoán có diễn biến đi ngang, cơ hội đầu tư ngắn hạn không nhiều. Nhìn nhận cơ hội đầu tư an toàn trong trung và dài hạn, nhất là cổ phiếu của những doanh nghiệp có lịch sử chi trả cổ tức ở mức cao, chiến lược của anh dần chuyển sang mua các cổ phiếu này để hưởng cổ tức.
“Mua cổ phiếu để hưởng cổ tức là kiểu đầu tư ăn chắc mặc bền được nhiều nhà đầu tư trung và dài hạn lựa chọn. Tình hình kinh doanh năm 2023 dự kiến khó khăn, nhưng tôi kỳ vọng, các doanh nghiệp sẽ hồi phục kể từ năm 2024. Thực tế, năm nay, vẫn có những doanh nghiệp lên kế hoạch chia cổ tức cao như Công ty cổ phần Phốt pho Apatit Việt Nam (mã chứng khoán PAT)”, anh Hoàng cho biết.
Tương tự, nhà đầu tư Mạnh Hùng cho hay, anh dành một nửa tài khoản thực hiện chiến lược đầu tư hưởng cổ tức, trong đó có cổ phiếu VNM, FPT, NT2, DHG, BMP.
“Một số cổ phiếu có tỷ suất cổ tức thấp do thị giá cao, nhưng giá cổ phiếu tăng giúp lợi suất đầu tư cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm ngân hàng. Tôi đang tìm kiếm thêm doanh nghiệp để mở rộng danh mục đầu tư hưởng cổ tức”, anh Hùng nói.
Có những nhà đầu tư trước đây không coi trọng yếu tố cổ tức, mà quan tâm đến khả năng tăng giá ngắn hạn của cổ phiếu, nhưng giờ đây đã thay đổi quan điểm.
Một nhà đầu tư khác chia sẻ, trước đây, anh không coi trọng yếu tố cổ tức, mà quan tâm đến khả năng tăng giá ngắn hạn của cổ phiếu. Tuy nhiên, kết quả đầu tư thua lỗ năm 2022 đã lấy đi phần lớn thành quả của 2 năm trước đó, khiến anh thay đổi quan điểm và hạn chế giao dịch “lướt sóng”. Mặc dù đã thực hiện vài đợt cắt lỗ và mua bình quân giá, nhưng không ít cổ phiếu hiện vẫn chưa “về bờ”. Do đó, mùa đại hội cổ đông 2023, anh mong chờ doanh nghiệp chia cổ tức tiền mặt để bù đắp vào tài khoản, đồng thời lọc tìm các doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt dự kiến chia cổ tức cao, đưa vào danh mục đầu tư.
“Giá tham chiếu của cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức sẽ bị điều chỉnh giảm tương ứng, nhưng kỳ vọng giá cổ phiếu sau đó có xu hướng đi lên, mang lại lợi nhuận kép (cổ tức và chênh lệch giá)”, nhà đầu tư trên nói.
Kế hoạch cổ tức của một số doanh nghiệp
Theo nhà đầu tư Nguyễn Văn Hoàng, cổ tức bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu đều hấp dẫn, miễn là thời điểm mua cổ phiếu có định giá thấp, doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh khả quan, giúp tăng khả năng thị giá hồi phục, đồng nghĩa với tỷ suất cổ tức gia tăng. Nhà đầu tư này đang chọn thêm doanh nghiệp để đưa vào danh sách đầu tư hưởng cổ tức, trong đó có Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán TLG), Nhựa Bình Minh, Dược Hậu Giang, với mức chi trả cổ tức bằng tiền từ 35% trở lên.
Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX) cho rằng, các doanh nghiệp có chính sách chi trả cổ tức ở mức cao, ví dụ 30%/năm và giá cổ phiếu 30.000 đồng/cổ phiếu thì không tính thị giá cổ phiếu biến động, nhà đầu tư nhận cổ tức đạt lợi suất 10%/năm, cao hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng hiện nay khoảng 8%/năm.
Ngày 22/4 vừa qua, đại hội cổ đông Haxaco đã thông qua tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, tỷ lệ chi trả cổ tức là 30%, trong đó 5% bằng tiền mặt và 25% bằng cổ phiếu. Năm 2023, Haxaco dự kiến tiếp tục chi trả cổ tức với tỷ lệ 30%, mục tiêu lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 310 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức thực hiện năm 2022.
Ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (Sơn Hà, mã chứng khoán SHE) cho hay, đại hội cổ đông vừa qua đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức tỷ lệ 20%. Đây là mức tốt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Công ty đối mặt với không ít thách thức. Năm 2023, Sơn Hà phấn đấu đạt doanh thu 300 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng, tăng 2% so với mức thực hiện năm 2022.
Một doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt rất cao là Phốt pho Apatit Việt Nam, tỷ lệ chia năm 2022 lên tới 306,55% (đã tạm ứng 200%). Trong năm qua, Công ty đạt doanh thu 3.149 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 963 tỷ đồng, lần lượt vượt 35,9% và 60,5% kế hoạch, do nhu cầu phốt pho của thị trường thế giới tăng.
Năm 2023, kế hoạch kinh doanh của Phốt pho Apatit Việt Nam là đạt 416 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chia cổ tức 140% bằng tiền mặt. Quý I năm nay, Công ty ghi nhận 72,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 79,2% so với cùng kỳ năm ngoái, do sản lượng tiêu thụ và giá bán sản phẩm giảm.
Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán DGC) chia cổ tức năm 2022 ở mức 40% bằng tiền mặt và dự kiến năm 2023 chia 30%. Công ty đặt mục tiêu năm 2023 đạt doanh thu 11.075 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 50% so với mức thực hiện năm 2022. Trong quý đầu năm nay, doanh nghiệp ghi nhận 822,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 45,4% so với cùng kỳ.
Dược phẩm Trung ương 3 (mã chứng khoán DP3) chia cổ tức năm 2022 ở mức 80% bằng tiền mặt, gấp đôi kế hoạch. Năm 2023, Công ty đặt kế hoạch đạt doanh thu 450 tỷ đồng, lợi nhuận 86 tỷ đồng, lần lượt giảm 7% và 37% so với mức thực hiện năm 2022; tỷ lệ cổ tức là 40%.
Lưu ý khi “săn” cổ tức
Mùa đại hội cổ đông cũng là mùa chia cổ tức, nhà đầu tư vui mừng khi nhận được khoản tiền lớn, nhưng không phải cứ “đi săn” là đạt mục đích. Không ít nhà đầu tư từng mắc kẹt do mua phải cổ phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính không ổn định, kết quả kinh doanh sa sút, không đủ khả năng trả cổ tức như kế hoạch, khiến giá cổ phiếu giảm.
Kinh nghiệm “săn” cổ tức của nhà đầu tư Mạnh Hùng là tập trung vào cổ phiếu của các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh ổn định hoặc có tiềm năng tăng trưởng, có vị thế trong ngành, mang lại dòng tiền lớn, vay nợ thấp.
Theo khuyến nghị của giới phân tích, nhà đầu tư nên chọn những doanh nghiệp có lịch sử thường xuyên chi trả cổ tức cao, cơ cấu dòng tiền tốt, lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh chính. Thông thường, những doanh nghiệp ít chịu tác động bởi các yếu tố vĩ mô như điện, nước, dược phẩm, hóa chất, bất động sản khu công nghiệp… sẽ có bức tranh kinh doanh và mức chi trả cổ tức ổn định. Một số nhóm ngành khác đáng quan tâm là nhựa, cảng biển, bán lẻ, ngân hàng.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, có những doanh nghiệp quyết định không chi trả cổ tức để có vốn phòng thủ, thì các thông tin chi trả cổ tức cao đang trở thành điểm sáng ở mùa đại hội cổ đông năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường