“Ngôi sao hy vọng” của nền kinh tế Việt Nam 2022
Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội vừa thông qua được giới chuyên gia đánh giá sẽ là “ngôi sao hy vọng” tạo ra sức bật cho nền kinh tế năm 2022. Tư tưởng đã thông và thống nhất ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, điều quan trọng bây giờ chính là kế hoạch hành động cụ thể để thực thi hiệu quả.
Gói hỗ trợ toàn diện mang tới nhiều kỳ vọng
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn thường niên kịch bản kinh tế Việt Nam 2022, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định, bước sang năm thứ ba của đại dịch trăm năm mới có một lần, bên cạnh mất mát về kinh tế, xã hội và người dân, chúng ta đang ở thời điểm rất phù hợp để “nghĩ lớn, làm lớn, nghĩ khác, làm khác”, đưa ra các quyết định táo bạo phù hợp cho doanh nghiệp.
Điều đó xuất phát từ những thuận lợi rất căn bản khi nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc trở lại với việc Chính phủ triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP, cùng với đó là một loạt nghị quyết, chính sách tạo động lực, định hướng và nguồn lực cho sự phục hồi và bứt phá của nền kinh tế, đó là Nghị quyết số 01 và số 02 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết của Quốc hội về hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết, mới đây nhất, tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước tới nay, gần 350 nghìn tỷ đồng. “Có thể nói, tư tưởng đã thông và thống nhất ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương; quyết tâm chính trị đã cao, điều cần thiết bây giờ chính là kế hoạch hành động cụ thể để thực thi hiệu quả, hiện thực hóa các mục tiêu đề ra; tăng cường công tác quản trị và theo dõi, giám sát quá trình thực thi, bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để trục lợi chính sách”, ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Điểm lại các Nghị quyết về chính sách tài khoá tiền tệ hỗ trợ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nội dung cơ bản của chương trình gồm năm nhóm trọng tâm: Đầu tư nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch bệnh khoảng 60.000 tỷ đồng; đảm bảo an sinh xã hội hỗ trợ việc làm 48.500 tỷ đồng; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp 110.000 tỷ đồng; phát triển kết cấu hạ tầng 113.550 tỷ đồng và giải pháp khác 10.000 tỷ đồng.
Theo ông Hiếu, chính sách tài khoá tiền tệ và chương trình của Chính phủ có hai tác động đến doanh nghiệp, một là trực tiếp những doanh nghiệp được “chỉ mặt điểm tên” như hỗ trợ giảm lãi suất, VAT hay hỗ trợ cho người lao động một số khu kinh tế lớn để thuê nhà, nhưng lớn hơn là gián tiếp tạo ra cơ hội kinh doanh cho toàn bộ doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, quan tâm nhiều nhất tới liên quan gói hỗ trợ lãi suất, bởi cho vay vốn giá rẻ là nguồn hỗ trợ rất quý giá cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc giảm thuế VAT cũng sẽ có tác động tích cực khi một năm doanh nghiệp thực hiện mua bán rất nhiều, số tiền được hoàn thuế không nhỏ. Gói hỗ trợ lần này được đánh giá rất sát sườn với các doanh nghiệp.
GS.TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất trị giá 40.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 2%/năm, nếu giải ngân được trọn vẹn thì đưa được khoản “vốn mồi” 2 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế. Đây là yếu tố lan tỏa mạnh cho nền kinh tế. Vì vậy, gói hỗ trợ lãi suất này cần được thực thi nhanh nhất, để các doanh nghiệp tiếp cận được.
Kiểm soát tốt “tứ giác đen”
TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhắc tới hình ảnh “tứ giác đen” rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế trong thời gian tới. Đó là sự lệch hướng của dòng tiền khi đưa ra những biện pháp giảm lãi suất tín dụng, tạo điều kiện về thủ tục cho vay thuận lợi nhất, vì vậy cần tránh cho vay dưới chuẩn, vai trò của ngân hàng là vô cùng quan trọng.
Thứ hai là trục lợi chính sách, đây là nỗi đau đớn trong bối cảnh người dân khó khăn, phải đảm bảo minh bạch, có trách nhiệm giải trình, nâng cao trách nhiệm công chức, doanh nghiệp. Cần hiểu rằng, khó khăn, khủng hoảng của dịch bệnh Covid-19 là cuộc sàng lọc đau đớn, nền kinh tế chỉ có thể giữ lại những lĩnh vực có khả năng phục hồi nhanh nhất, bộ phận doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh chứ không thể giải cứu tất cả.
Hai điểm tối còn lại là nợ xấu và lạm phát. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang lỡ nhịp phục hồi, chúng ta đang có dư địa về chính sách tài khoá, tiền tệ nhưng dư địa thời gian không còn vì vậy cần nhanh chóng vươn lên trong thời gian tới.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB cũng lưu ý một số rủi ro mà Việt Nam cần quan tâm, trong đó có rủi ro về kiểm soát lạm phát, tín dụng. Nguy cơ bất ổn vĩ mô có thể xuất hiện từ hệ thống tài chính do nợ xấu tăng, bong bóng tài sản. Những biểu hiện gần đây cho thấy đó mới chính là những rủi ro đặc trưng Việt Nam cần lưu ý. Về dài hạn, cần chuyển quản lý nền kinh tế dựa trên cơ sở sở hữu sang kiểm soát các hành vi lạm dụng sức mạnh vị thế thị trường trong bối cảnh bắt đầu xuất hiện các biểu hiện hành vi can thiệp thị trường gần đây.
Về rủi ro nợ xấu, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, nguy cơ này trong tương lai rất tiềm ẩn, làm cho ngân hàng khó khăn trong việc giải ngân thêm.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trong thời gian tới, một số điểm mà Bộ Tài chính cần lưu ý đó là phối hợp tốt giữa chính sách tài khoá và tiền tệ để có thể kiểm soát rủi ro lạm phát, trục lợi chính sách. Thứ hai là làm thế nào để tăng khả năng hấp thụ thông qua cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước cần cơ cấu để hoạt động tốt hơn. Áp lực ngân sách trong năm nay và năm tới cũng là một điều cần quan tâm. Còn về vấn đề nợ xấu, vị chuyên gia này cho rằng có tiềm ẩn rủi ro nhưng không quá lo như giai đoạn trước, chúng ta có thể kiểm soát được.
Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính thông tin hiện đang phối hợp với các cơ quan để khởi thảo việc cụ thể hóa Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mới được Quốc hội thông qua, cố gắng hoàn tất trong tháng một. Cùng với đó là tăng cường cải cách thủ tục hành chính để giúp chính sách hỗ trợ vào cuộc sống đảm bảo “trúng, đúng và hiệu quả” như Quốc hội nêu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận