Ngôi nhà ghi dấu mối tình nổi tiếng của công tử Nam kỳ và nữ văn sĩ Pháp
Ngôi nhà cổ trên trăm tuổi ở Sa Đéc (Đồng Tháp) không chỉ lưu giữ nét văn hóa, kiến trúc vượt thời gian; mà còn là chứng nhân cho sự tồn tại của mối tình nổi tiếng đã đi vào văn học thế giới giữa công tử xứ Nam kỳ và nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras.
Độc đáo kiến trúc ngoài Tây, trong Đông
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê do ông Huỳnh Cẩm Thuận, một thương gia người Hoa giàu có vùng Sa Đéc xây dựng năm 1895. Nhà tọa lạc tại vị trí thuận lợi “nhất cận thị, nhị cận giang”, nằm ven con sông Tiền và khu chợ đông đúc, sầm uất.
Theo nhiều nguồn tư liệu, lúc đầu ngôi nhà được xây dựng theo kiến thúc ba gian truyền thống của vùng ĐBSCL, hệ thống các cột và vách dựng bằng gỗ quý. Tuy nhiên, đến năm 1917, với sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa Pháp, chủ nhà quyết định trùng tu theo kiến trúc phương Tây, tường gạch bao lấy khung gỗ bên trong.
Do đó bên ngoài trông như một ngôi biệt thự kiểu Pháp, nhưng phía trong lại là kiến trúc mang đậm sắc thái truyền thống Việt Nam và lối thờ tự, bày trí theo phong cách người Hoa. Gian giữa thờ Quan Công, nội thất, cánh cửa, cột nhà, bàn thờ... sơn son thếp vàng, chạm trổ loan phượng rất sắc sảo tinh tế.
Ngoài việc kết hợp kiến trúc Hoa - Việt - Pháp, ngôi nhà cổ này còn ẩn chứa nhiều điều độc đáo “có một không hai”. Cửa chính có một khung cửa với các thanh gỗ tròn nằm ngang song song nhau có thể kéo qua lại thường dùng khi gia chủ nghỉ trưa. Khi kéo cửa ngang trong nhà vẫn thông thoáng, sáng sủa, gió thổi vào từ trước ra sau mát rượi. Người ngoài thấy kéo cửa cũng không đến làm phiền.
Ở gian giữa nhà, ông Huỳnh Cẩm Thuận lại cho thiết kế trũng xuống theo quan niệm “tụ tài”, tiền tài chảy về chỗ trũng. Đặc biệt, các họa tiết trên bao lam không được trang trí hình tứ linh “long, lân, quy, phụng” như bình thường mà sử dụng “long, lân, bức (dơi), phụng”.
Hình tượng con dơi thay thế cho con rùa trong tứ linh được xem là ví dụ biểu trưng về quá trình giao lưu văn hóa của người Hoa khi đến vùng sông nước miền Tây. Tay nắm cửa hình tiêu đồ, linh vật giữ nhà theo quan niệm truyền thống của người Trung Hoa.
Lối vào còn có những vòm cửa cong theo kiểu La Mã được chạm trổ nhiều phù điêu cây cỏ và chim muông, trong khi mái nhà mang hình thuyền miền Tây sông nước. Phía sau phòng thờ tự có hai phòng ngủ hai bên tạo thành một hành lang rộng dẫn xuống nhà dưới. Chính giữa hành lang là chiếc sập gỗ được khảm trai hình con dơi, biểu tượng cho hạnh phúc và may mắn, rất tinh xảo.
Bên trong nhà cổ còn giữ nhiều vật dụng quý giá như máy hát, tủ bếp, phản gỗ… đều có tuổi đời trên 130 năm. Với những dấu tích còn lại cùng thời gian, ngôi nhà cổ đã phản ánh phần nào cuộc sống xa hoa, sung túc của dòng họ Huỳnh thời đó.
Những ai yêu thích hoài cổ, muốn sống lại thời kỳ thịnh vượng, phú quý của một gia đình sang bậc nhất ở Sa Đéc lúc bấy giờ thì ngôi nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê chắc chắn là một địa điểm lý tưởng. Rảo bước dọc hành lang, đi ngang qua từng căn phòng, tâm hồn dễ dàng bị cuốn hút vào những món đồ cổ nhuốm màu thời gian.
Sau khi ông Thuận qua đời, ngôi nhà được giao lại cho con trai út là ông Huỳnh Thủy Lê. Hơn một thế kỷ đã trôi qua, chiến tranh và bom đạn cùng với những biến động lịch sử nhưng nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vẫn cơ bản vẹn nguyên kiến trúc cũ.
Mối tình đẹp đi vào văn học thế giới
Mặc dù ngôi nhà do ông Huỳnh Cẩm Thuận xây dựng và phía trước nhà cũng đề ba chữ Hán “Huỳnh Cẩm Thuận”, nhưng mọi người vẫn gọi là nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Vì vị công tử này gắn bó với mối tình nổi tiếng đi vào văn học thế giới với nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras.
Tiểu thuyết “Người tình” (tiếng Pháp là L’Amant) và bộ phim cùng tên kể về mối tình của cặp đôi “nam thanh, nữ tú” này đã làm nên giá trị và mang danh tiếng của ngôi nhà cổ này vươn ra thế giới. Đa phần nhiều du khách nước ngoài, thậm chí là người trong nước tìm đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê sau khi đã đọc hoặc xem qua bộ phim “Người tình”.
Câu chuyện tình, cuốn tiểu thuyết và những thước phim về mối tình lãng mạn nhưng buồn man mác này đã làm “sống lại” giá trị tưởng như bị bụi thời gian phủ mờ của nhà cổ Huỳnh Thủy Lê.
Sau nhiều năm du học ở Paris, công tử Huỳnh Thủy Lê trở về nước phụ giúp cha kinh doanh, buôn bán. Năm 1929, trong một lần từ Sài Gòn về Sa Đéc, ông tình cờ gặp Marguerite Duras, một cô gái người Pháp, sau này trở thành nữ văn sĩ nổi tiếng thế giới, khi đi cùng chuyến phà Mỹ Thuận. Cả hai nảy sinh tình cảm.
Huỳnh Thủy Lê đưa người yêu đến chung sống. Sau đó, ông xin gia đình cho kết hôn với Marguerite Duras, nhưng do khác biệt văn hóa Đông - Tây, sự chênh lệch về tuổi tác và không môn đăng hộ đối giữa hai gia đình, nên gia đình cấm cản và buộc ông lấy cô vợ trẻ người Hoa giàu có để chóng quên mối tình với Marguerite.
Marguerite đau khổ nên quyết định theo gia đình trở về Pháp, kết thúc mối tình đầu kéo dài 18 tháng. Ngày Marguerite lên tàu về Pháp, từ mạn tàu, nàng thấy thấp thoáng từ xa chiếc xe hơi sang trọng màu đen quen thuộc của Huỳnh Thủy Lê lặng lẽ đến tiễn biệt.
Cứ nghĩ mọi chuyện đã dừng lại ở đó nhưng tình cảm giữa hai người vẫn âm thầm cháy. Nhiều năm sau, mỗi khi sang Pháp thăm con, Huỳnh Thủy Lê thường tìm kiếm tin tức về bà Marguerite để được gặp bà cho thỏa niềm nhớ nhung nhưng đều bị bà từ chối.
Sau này, khi bà Marguerite có ý định quay về Sa Đéc thì hay tin ông Huỳnh Thủy Lê đã qua đời. Marguerite cảm thấy tiếc nuối và ân hận. Bằng nỗi niềm nhớ thương da diết dồn nén mấy mươi năm, bà Marguerite đã viết nên thiên tình sử nổi tiếng, kể lại câu chuyện tình của mình.
Năm 1984, tiểu thuyết “Người tình” được xuất bản, gây tiếng vang lớn, được dịch ra 43 thứ tiếng trên thế giới và đoạt được giải thưởng Goncourt (Giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp). Năm 1986, cuốn tiểu thuyết được dựng thành phim cùng tên và được công chiếu tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1991.
Sự nghiệp của tôi bắt đầu từ đó – Sa Đéc”
Sa Đéc không chỉ là nơi lưu dấu ấn mối tình đầu, mà theo nhà văn Marguerite Duras nơi đây còn khơi nguồn cho những cảm xúc và vun bồi cho sự nghiệp văn chương của bà. Năm 1996 (trước khi mất) bà Marguerite Duras xem phim xong đã nói: “Đôi khi tôi cũng nghĩ rằng sự nghiệp viết lách của tôi bắt đầu từ đó, giữa những cánh đồng, những khu rừng và trong sự hiu quạnh.
Có một đứa trẻ da trắng, gầy còm và lạc lõng mà người đó chính là tôi, giống người Việt hơn là Pháp, lúc nào cũng chân đất, không biết giờ giấc, không biết cách sống, thích ngắm chiều hoàng hôn trải dài trên sông, với khuôn mặt bị rám nắng”. Và thực tế trong phim đã có những hình ảnh rất quyến rũ, từ cảnh đồng quê mộc mạc miền Tây đến cảnh chộn rộn Chợ Lớn cuối thập niên 1930.
Theo lời của các thuyết minh viên tại nhà cổ, năm 2013, nơi đây đã tiếp đón một du khách rất đặc biệt là nhà văn Jean Mascolo, con trai của bà Marguerite Duras. Ông Jean Mascolo tìm đến Sa Đéc là để tìm hiểu thêm về nơi bà ngoại của mình từng sinh sống và làm việc (Trường nữ tiểu học Sa Đéc Marie Donnadieu) và đặc biệt là muốn tìm hiểu thêm những bí ẩn trong căn nhà của Huỳnh Thủy Lê - người tình của mẹ ông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận