Ngoại trưởng Nga nói về mục đích vụ phóng tên lửa siêu thanh Oreshnik
Mátxcơva sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ lợi ích quốc gia, và hy vọng Washington hiểu điều này sau vụ phóng tên lửa siêu thanh Oreshnik, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (Ảnh: Tass)
Nhà báo Carlson - từng phỏng vấn Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu năm nay - đã trở lại Mátxcơva để phỏng vấn Ngoại trưởng Lavrov sau khi nỗ lực phỏng vấn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhưng không thành.
“Chúng tôi không muốn làm trầm trọng thêm tình hình, nhưng vì ATACMS và các vũ khí tầm xa khác đang được sử dụng chống lại đại lục Nga, nên chúng tôi đang gửi tín hiệu”, ông Lavrov nói. “Chúng tôi hy vọng, rằng tín hiệu về hệ thống vũ khí mới có tên gọi Oreshnik cách đây vài tuần đã được coi trọng”.
Ngày 21/11, quân đội Nga đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung siêu thanh vào một cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine ở Dnepropetrovsk. Nửa giờ trước khi phóng, Nga đã gửi thông báo tới Mỹ bằng đường dây nóng để “họ không nhầm lẫn tên lửa Oreshnik với bất kỳ thứ gì lớn hơn, nguy hiểm hơn”, theo ông Lavrov.
“Thông điệp của chúng tôi là Mỹ và các đồng minh của Mỹ, những bên cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev, cần hiểu rằng chúng tôi sẽ sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để ngăn họ thành công trong việc áp đặt thất bại chiến lược cho Nga”, ông Lavrov nói. “Mátxcơva sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ lợi ích hợp pháp của chúng tôi”.
Đề cập đến những bình luận gần đây của một đô đốc Mỹ về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, ông Lavrov cho biết điều này “thực sự đáng lo ngại”, xuất phát từ việc “dường như họ cho rằng Nga không có lằn ranh đỏ hoặc không muốn áp dụng lằn ranh này”.
“Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng”, nhà ngoại giao Nga cho biết.
Khi được hỏi liệu Mỹ và Nga có đang trong tình trạng chiến tranh hay không, ông Lavrov nói rằng đây là một “cuộc chiến hỗn hợp” - dù không được tuyên bố chính thức - nhưng Mátxcơva đang cho Washington biết rằng họ không nên leo thang.
Vì một cuộc chiến thực sự với Mỹ “sẽ mang tính chất hạt nhân”, nhà ngoại giao giải thích, “nên chúng tôi chắc chắn muốn tránh mọi hiểu lầm”.
“Và vì một số người ở Washington, ở London, ở Brussels, dường như không có khả năng thấu hiểu, chúng tôi sẽ gửi thêm thông điệp nếu họ không hành động phù hợp”.
Ông Lavrov trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Tucker Carlson. (Ảnh: Tass)
Điều khoản đàm phán hoà bình
Được hỏi về các điều khoản đàm phán mà Nga coi là chấp nhận được, ông Lavrov viện dẫn bài phát biểu hồi tháng 6 của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong đó, lãnh đạo Nga nêu rõ lập trường của Mátxcơva: Ukraine sẽ phải rút quân khỏi lãnh thổ Nga, đảm bảo quyền của cộng đồng nói tiếng Nga và trở thành một quốc gia trung lập, không có vũ khí hạt nhân.
“Điều quan trọng là tính trung lập của Ukraine,” ông Lavrov nói. “Không có Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Không có căn cứ quân sự, không có cuộc tập trận quân sự nào trên lãnh thổ Ukraine có sự tham gia của quân đội nước ngoài.”
Mátxcơva cũng sẽ không đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào mà theo đó, Ukraine có thể tiếp tục phân biệt đối xử với ngôn ngữ, phương tiện truyền thông và văn hóa Nga, Ngoại trưởng Lavrov nói thêm.
Ông chỉ ra rằng, phương Tây nhiều lần nhấn mạnh “sẽ không đàm phán về Ukraine nếu không có sự tham gia của Ukraine”. Nhưng họ đã “phá vỡ lời cam kết bằng các kênh giao tiếp ở hậu trường, và cố gắng thảo luận về tương lai của Nga mà không có sự tham gia của Nga”.
“Đó là điều mà Mátxcơva không thể và sẽ không chấp nhận”, ông Lavrov nhấn mạnh.
Lệnh trừng phạt của phương Tây
Trong cuộc phỏng vấn, nhà báo Carlson đặt câu hỏi liệu việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt có nằm trong số các điều khoản đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine hay không.
"Tôi cho rằng có lẽ nhiều người ở Nga muốn đưa ra điều kiện này. Nhưng chúng ta càng sống dưới lệnh trừng phạt, chúng ta càng hiểu rằng tốt hơn là nên tự lực cánh sinh, và phát triển các cơ chế, nền tảng hợp tác với các quốc gia 'bình thường' không thù địch với chúng ta”, ông Lavrov giải thích.
“Các lệnh trừng phạt bắt đầu từ thời Tổng thống Barack Obama, tiếp tục diễn ra rất mạnh mẽ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump. Và các lệnh trừng phạt dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden là hoàn toàn chưa từng có”, ông nói.
Cuối cùng, các hạn chế chỉ khiến Nga kiên cường và tự chủ hơn, Ngoại trưởng Lavrov giải thích. "Nhưng những gì không hạ gục được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường