menu
Nghịch lý nền kinh tế quy mô trên 400 tỷ USD nhưng chỉ có 10 công ty cho thuê tài chính?
Hoàng Hảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nghịch lý nền kinh tế quy mô trên 400 tỷ USD nhưng chỉ có 10 công ty cho thuê tài chính?

Tại Việt Nam hiện có khoảng 10 công ty cho thuê tài chính đăng ký còn hoạt động với dư nợ cung cấp cho khách hàng đạt gần 40 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 0,33% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế…

Chia sẻ tại Hội thảo “Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển cho thuê tài chính ở Việt Nam” do Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam phối hợp Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức sáng 17/7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, cho biết tiềm năng phát triển đối với ngành cho thuê tài chính tại Việt Nam rất lớn.

“Chúng ta có một nền kinh tế năng động với quy mô đạt hơn 400 tỷ USD; có hơn 800 nghìn doanh nghiệp, hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh với nhu cầu về vốn, nhất là vốn trung dài hạn rất cao”, ông Tuấn Anh nói.

DƯ NỢ CHO THUÊ TÀI CHÍNH CHIẾM TỶ LỆ NHỎ

Tuy nhiên đến nay, thị trường Việt Nam mới có khoảng 10 công ty cho thuê tài chính đăng ký còn hoạt động, dư nợ cung cấp cho khách hàng trong nền kinh tế đạt gần 40 nghìn tỷ đồng (theo con số tổng hợp của 8 công ty thành viên và liên kết trong Hiệp hội Cho thuê tài chính), chiếm 0,33% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Dù dư nợ cho thuê tài chính chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ song những năm qua cho thuê tài chính đã trở thành kênh cung ứng vốn trung dài hạn rất nhiều ưu điểm cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Khi đi thuê tài chính, các doanh nghiệp, hộ dân không phải thế chấp tài sản, giá trị đi thuê có thể lên tới 100% giá trị tài sản.

Nhờ đó, hàng ngàn khách hàng được hỗ trợ vốn để đầu tư tài sản là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, một số công ty cho thuê tài chính còn cho vay bổ sung vốn lưu động đối với khách hàng thuê tài chính…

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư kỳ Hiệp hội Cho thuê tài chính, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bình quân 5 năm gần nhất đạt khoảng trên 1 ngàn tỷ đồng/năm; chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, nợ xấu các công ty hầu hết dưới 1%.

Tuy nhiên, hoạt động cho thuê tài chính còn có những khó khăn hạn chế mà ở đó nguyên nhân quan trọng là từ hành lang pháp lý quy định về hoạt động của cho thuê tài chính cũng như chính sách về thuế, phí đối loại hình hoạt động cấp tín dụng bằng tài sản đặc thù này.

Ông Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng cho thuê tài chính là hình thức khá phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam – vốn có quy mô nhỏ, khó đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng.

Do vậy, ông Lạng cho rằng cần kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển mô hình này nhằm đưa cho thuê tài chính trở thành kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế.

CẦN THÁO GỠ VƯỚNG MẮC

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực đề xuất nâng dư nợ cho thuê tài chính lên 3-5% tổng dư nợ nền kinh tế đến năm 2025. Theo đó, vị chuyên gia cho rằng cần có một mục riêng liên quan tới cho thuê tài chính trong Luật các Tổ chức tín dụng dự kiến sẽ thông qua vào tháng 10 năm nay với 3 điểm chính.

Thứ nhất, cần mở rộng hơn cho các công ty cho thuê tài chính, cho họ đi vay các tổ chức tín dụng khác kể cả trung dài hạn.
Thứ hai, bản thân các công ty phải công khai, minh bạch để phát hành trái phiếu doanh nghiệp như các tổ chức tín dụng, còn không thể có câu chuyện chỉ hút tiền gửi từ cá nhân theo thông lệ quốc tế.
Thứ ba, cơ chế ưu đãi phải được cơi nới, rõ ràng về thuế, phí. Các doanh nghiệp phải được mở rộng hoạt động tư vấn, điều này hoàn toàn nằm trong năng lực các công ty, không chỉ các đơn vị đi thuê mà bất kỳ đơn vị nào cũng có thể được tư vấn.

Từ góc độ quốc tế, ông Jinchang Lai, chuyên gia trưởng, Nhóm tư vấn các định chế tài chính khu vực châu Á và Thái Bình Dương, IFC cho biết công ty cho thuê tài chính thực chất là các tổ chức cho vay không nhận tiền gửi và ngành này cần được quản lý và thúc đẩy phát triển khác với các định chế tài chính nhận tiền gửi, chính là các ngân hàng hiện nay.

“Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu Việt Nam đã có nhìn nhận đúng đắn về vai trò của ngành này trong nền kinh tế chưa?”, chuyên gia IFC đặt câu hỏi.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, vấn đề ở đây vẫn là câu chuyện về thể chế, tức là chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Trong khi đó, quy định của các văn bản luật còn chưa rõ ràng, chồng chéo, nên dễ có sai sót, không ai dám làm, khiến thị trường hầu như không thể phát triển.

Do vậy, để lĩnh vực cho thuê tài chính phát triển đúng tiềm năng, TS. Cung cho rằng cần một tư duy mới hoàn toàn, một cách tiếp cận khác biệt.

“Theo đó, không nên gắn với Luật Các tổ chức tín dụng vốn có rất nhiều quy định ràng buộc, mà nên tạo ra một cơ sở pháp lý riêng, một loại nghị định chỉ cho thị trường cho thuê tài chính”, ông Cung nêu quan điểm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả