Nghị quyết 01 - Đột phá hỗ trợ doanh nghiệp
Tại tọa đàm “Nghị quyết 01 - Đột phá hỗ trợ doanh nghiệp”, các ý kiến cho rằng, cần tăng thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp bởi họ đang đối mặt nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn
Tại tọa đàm “Nghị quyết 01 - Đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” do báo Người lao động tổ chức chiều 6/2, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đánh giá: Dù đang trên đà hồi phục song doanh nghiệp Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế vẫn đối mặt nhiều nguy cơ, thách thức. Trong lúc tình hình chưa thật sự ổn định, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó đại đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất dễ bị tổn thương.
Theo Chuyên gia kinh tế, PGS - TS Trần Đình Thiên, từ nửa sau của năm 2022, tình hình kinh tế khó khăn với việc cạn nguồn vốn tín dụng và nhất là lĩnh vực bất động sản. Đáng chú ý là khó khăn của một bộ phận quan trọng bất nhất của nền kinh tế là khu vực nội địa... Nếu không tìm ra đúng nguyên nhân sẽ rất khó tháo gỡ bởi thay vì tự hào nền kinh tế ổn định nhất thế giới, tính ứng biến cao, mà chúng ta quên khả năng ứng phó rất khó khăn… Và trong điều kiện lạm phát tăng lên, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa của nền kinh tế. Nếu lãi suất cao 15 - 16%/năm như hiện nay doanh nghiệp thật sự khó khăn. Trong khi đó, những cái trói buộc, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất được, ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn này, một điều rất then chốt là việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công quá chậm sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Giải ngân vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng quá chậm.
Với ngành hàng không, ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng Ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines chia sẻ, đặc thù của ngành hàng không dân dụng là chịu tác động rất lớn từ những yếu tố khách quan với rất nhiều rủi ro tiềm ẩn. Tại Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 giai đoạn 2021 - 2025, hãng đã kiến nghị một số nhóm giải pháp lớn như nhóm chính sách hỗ trợ thanh khoản, nhóm chính sách tài khóa như miễn - giảm thuế, thay đổi chính sách khấu hao; nhóm chính sách bảo đảm vai trò của hãng hàng không quốc gia...
Bên cạnh đó, một vấn đề nóng nhất hiện nay là thị trường bất động sản đang gặp khó khăn. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh nhận định: Năm 2022 là năm khắc nghiệt nhất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng bất động sản. Khó khăn pháp lý chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản. Thị trường bất động sản là ngành quan trọng nhất trong nhóm 21 ngành của kinh tế, liên quan tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Sự phát triển ổn định của ngành sẽ có lợi cho các ngành khác.
Cần tạo đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khôi phục thị trường bất động sản là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, thu hút dòng tiền trở lại thị trường bất động sản trước hết phải giải quyết các vấn đề về thể chế và pháp lý, thủ tục hành chánh.
"Theo phản ánh của các doanh nghiệp bất động sản 70% vướng mắc hiện nay của các doanh nghiệp đến từ thủ tục hành chính. Nếu đúng như vậy thì quan trọng hàng đầu phải là giải quyết vướng mắc thủ tục và thể chế"- ông Châu nói.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới, nhiều Hiệp hội Doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực này. Cụ thể cần đẩy mạnh việc triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên hai phương diện là ban hành chính sách và thực thi; cần thiết triển khai việc cấp bù lãi suất để thúc đẩy ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gia hạn chính sách hỗ trợ về tài khóa đến hết năm 2023...
Nhiều doanh nghiệp cho biết vấn đề quan trọng không kém là cải cách thủ tục thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ mua bán trực tuyến dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ đối tượng này thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ của hoạt động giao thương. Bên cạnh đó, cần chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích nhà đầu tư tư nhân trong nước mạnh dạn thành lập các khu, cụm vườn ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Cần tăng thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp bởi doanh nghiệp hiện đối mặt rất nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, không có đơn hàng sản xuất dự trữ lẫn đơn hàng mới, dẫn đến phải nợ lương, cắt giảm nhân lực... Bên cạnh đó, lãi suất cho vay quá cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp không đủ sức gồng gánh chi phí vốn vay.
Dưới góc độ ngành ngân hàng, ông Trương Đình Long - Phó Tổng giám Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho hay, trong năm nay, OCB mục tiêu triển khai vốn tín dụng hướng đến những nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo đó, ngân hàng sẽ giảm lãi suất ưu đãi hơn so với thông thường từ 1,5 - 2 điểm % và ngay từ đầu năm gói tín dụng ưu đãi này sẽ được triển khai với quy mô khoảng 25.000 tỉ đồng. Và mục tiêu là khách hàng phải tiếp cận được vốn. Về lãi suất, hiện có 2 nhóm lãi suất cho vay ngắn hạn với doanh nghiệp từ 8 - 12%/năm và khách hàng cá nhân tối đa khoảng 12%, giảm từ 1,5 - 2%/năm so với biểu lãi suất thông thường. Các gói lãi suất sẽ triển khai trên toàn hệ thống, có giám sát, điều chỉnh để hiệu quả, tới được tay khách hàng.
Về lĩnh vực bất động sản, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, dự báo thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn. Để cung ứng vốn cho thị trường bất động sản, OCB xác định ngay từ đầu năm đánh vào nhu cầu thực của khách hàng, tìm hiểu nhu cầu thực của khách hàng. Đối với những dự án chưa bàn giao hoặc các dự án không có liên kết với OCB, chúng tôi quan điểm cần phải kiểm soát rủi ro chặt chẽ để bảo đảm an toàn tín dụng.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), điều đầu tiên doanh nghiệp muốn kiến nghị là sự đột phá. Ý nghĩa tiêu đề của Nghị quyết 01 phải được thực hiện một cách quyết liệt. Ví dụ, trong hệ thống văn bản có độ vênh thì Chính phủ và các bộ ngành có thể ra văn bản hướng dẫn cho doanh nghiệp vận dụng theo cách nào có lợi nhất.
Về giải pháp tiếp cận nguồn vốn, ông Hòa đề xuất: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa. Nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư nên cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư. "TP. Hồ Chí Minh có chương trình cho vay kích cầu đầu tư hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, từ 2021 đến nay chương trình bị dừng. Cộng đồng doanh nghiệp rất mong TP. Hồ Chí Minh nối lại chương trình này để hỗ trợ vốn kích cầu đầu tư cho các ngành công nghiệp trọng điểm và các lĩnh vực giáo dục, môi trường..."- ông Hòa cho biết.
Cũng theo ông Hòa, chúng ta đang kỳ vọng vào sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam vì thế cần phải tạo sự thông thoáng thuận lợi nhất từ môi trường kinh doanh, hạ tầng hoàn chỉnh, các khu công nghiệp phải đạt chuẩn sinh thái, đạt chuẩn xanh - bền vững để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Vì vậy, HUBA kiến nghị Nhà nước có những chính sách thúc đẩy cơ chế ưu đãi và đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực phát triển bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận