Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) khẳng định: Việc ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) không phải động thái thắt chặt mà làm rõ việc giám sát thị trường.
Chiều 19/9 tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo giới thiệu các điểm mới cần lưu ý về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153 về chào bán, giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết: Nghị định mới đã bổ sung một số yêu cầu đối với doanh nghiệp phát hành để tăng tính minh bạch cho thị trường.
Cụ thể: Nghị định yêu cầu trong hồ sơ phát hành trái phiếu riêng lẻ (TPRL) của một số doanh nghiệp phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm và lộ trình phát hành, sử dụng vốn... như chào bán trái phiếu ra công chúng. “Nghị định căn cứ trong Khoản 2 Điều 19 Luật Chứng khoán quy định trường hợp cụ thể trường hợp doanh nghiệp phải xếp hạng tín nhiệm như: Có tổng giá trị trái phiếu phát hành tính theo mệnh giá mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính kỳ gần nhất; có tổng dư nợ trái phiếu tính theo mệnh giá lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu theo báo cáo kỳ gần nhất”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Điều kiện phát hành trái phiếu tuân thủ quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp. Nghị định bổ sung quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm kết quả xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng (từ ngày 1/1/2023); hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu trong trường hợp chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản nhận tiền mua trái phiếu.
Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết: Nghị định mới đã bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật; trước và sau khi phát hành phải có công bố thông tin về khả năng bảo đảm thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố; bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm. Nội dung Chuyên trang thông tin về TPDN tại Sở Giao dịch chứng khoán sẽ bổ sung công bố một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp phát hành, thông tin về các doanh nghiệp không thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu, sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích để nhà đầu tư và thị trường biết được thông tin của doanh nghiệp phát hành.
Theo ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước - UBCK), Uỷ ban đã triển khai 30 đoàn thanh, kiểm tra hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động của đơn vị tư vấn. Qua kiểm tra 21 công ty chứng khoán tư vấn phát hành thì có 6 trường hợp vi phạm quy định khi tư vấn phát hành TPRL. Một số công ty chứng khoán đã bị xử phạt là: Chứng khoán Quốc tế, Thành Công, Tiên Phong. Còn với doanh nghiệp phát hành, qua kiểm tra 9 doanh nghiệp, phát hiện 8 công ty vi phạm quy định như: Không đảm bảo thông tin hồ sơ chào bán, thông tin không chính xác và công bố thông tin sai lệch, thông tin không đúng thời hạn…Trong thời gian tới, UBCK sẽ tiếp tục phối hợp tăng cường quản lý, giám sát, thanh kiểm tra các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, phát hành để phát hiện các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm.
Trong những năm qua, thị trường TPDN từng bước phát triển theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo Bộ Tài chính, từ năm 2019 đến nay, khối lượng phát hành TPDN tăng nhanh, bình quân khoảng 467.000 tỷ đồng/năm. Từ năm 2021, khi triển khai Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, tuy có giảm trong các tháng đầu sau khi triển khai quy định mới nhưng thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà phát triển với khối lượng phát hành năm 2021 đạt mức 637.000 tỷ đồng. Quy mô thị trường đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP. Mặc dù đạt được những kết quả tích cực về quy mô huy động vốn nhưng sự phát triển nhanh của thị trường cũng đã phát sinh các rủi ro mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận