Nghề môi giới BĐS giai đoạn thị trường trầm lắng: Công ty đóng cửa
Không phải ai làm trong lĩnh vực môi giới, kinh doanh bất động sản cũng thành công, không ít những nhân viên môi giới phải chật vật, nghỉ việc, chạy cơm từng bữa...
Nhiều sàn môi giới đóng cửa
Từ đầu năm 2023, việc kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp môi giới không có nguồn hàng để bán, không tìm được khách hàng… Điều này đã khiến hàng loạt các công ty trong lĩnh vực phải đóng cửa hay hoạt động cầm chừng chờ thời.
Theo đó, trên địa bàn Tp.HCM, vào tháng 10/2023 Sở Xây dựng Tp.HCM từng công bố có 17 sàn giao dịch bất động sản chấm dứt hoạt động, gồm: Sàn giao dịch bất động sản Cao Phú Thịnh (Quốc lộ 1A, quận 12); Sàn giao dịch bất động sản Goland (số 47 Điện Biên Phủ, quận 1); Sàn giao dịch bất động sản VietLan (số 90A Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3); Sàn giao dịch Quốc Vương (Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân); Sàn giao dịch bất động sản Winning Access (số 384 Hoàng Diệu, quận 4); Sàn giao dịch bất động sản Milestone Land (Tp.Thủ Đức); Sàn giao dịch bất động sản Khánh Hội (191 Trần Não, phường An Khánh, Tp.Thủ Đức); Sàn giao dịch bất động sản Kim Cúc Land (số 720A Điện Biên Phủ, Bình Thạnh; Sàn giao dịch bất động sản Công ty TNHH Thịnh Vượng Chung (37 Hoa Mai, quận Phú Nhuận)...
Các sàn giao dịch bất động sản này chủ yếu được thành lập từ 2017 - 2022. Các sàn có thời gian hoạt động từ 1-2 năm. Đáng chú ý, sàn giao dịch bất động sản Hoàng Anh (quận 10) được thành lập từ năm 2009 cũng phải chấm dứt hoạt động từ tháng 9/2019.
Ông Phạm Thanh Đức, Giám đốc Công ty môi giới ở Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cho hay: “Từ đầu những năm 2017, thị trường bất động sản rất thịnh vượng, phải nói là người người nhà nhà đi buôn đất. Trong đó, rất nhiều các môi giới, sale bất động sản kiếm được nhiều tiền qua kênh đầu tư, tư vấn mua bán nhà đất. Từ đây, để hoạt động chuyên nghiệp hơn họ mở công ty, tham gia góp vốn và liên kết với các sàn F1, F2 để được làm sàn nhỏ bán hàng cho chủ đầu tư. Thế nhưng khi thị trường chững lại, không bán được hàng, không có tiền duy trì bộ máy hoạt động, trả lương… Từ đó, các công ty dần tan rã, những môi giới cũng tự tìm cho mình lối đi riêng”.
Chật vật tìm kế sinh nhai
Khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhiều công ty môi giới đóng cửa cũng là lúc các nhân viên môi giới, nhân viên kinh doanh buộc phải nghỉ việc. Một số người tìm cho mình công ty bất động sản mới để làm việc, nhưng cũng không ít người buộc phải bỏ nghề tìm hướng đi mới.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Hoàng Thị Bích Hạnh (nhân viên môi giới của Công ty U.N.) có địa chỉ tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cho biết: “Tôi làm nhân viên môi giới được 4 năm, bén duyên với nghề nhờ mấy người bạn rủ rê đi học buôn đất, bán nhà rồi xin vào công ty môi giới làm việc. Năm ngoái công ty còn là sàn f2, được giao sản phẩm để bán, nhưng từ đầu năm chẳng có giỏ hàng nào để chào khách, lương thì thấp. Bán căn hộ chủ yếu là ăn hoa hồng, nhưng giờ thị trường không có, khách cũng không mặn mà nên tôi phải xin nghỉ việc và cùng với đứa bạn mua quần áo từ chợ Tân Bình về bán, chứ làm bất động sản giờ không nuôi nổi thân”.
Anh Thanh Tâm (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Từ năm 2020 tôi làm sale bán xe ô tô, sau thời điểm dịch, đầu năm 2022 thấy thị trường bất động sản có nhiều tiềm năm nên chuyển qua tập đoàn N.V.L. làm nhân viên môi giới. Thời điểm đầu thị trường tốt bán được 1 vài căn, có hoa hồng lớn đủ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay thì nhóm môi giới chung một đội với tôi hơn 10 người đều nghỉ hết. Riêng tôi phải tìm hướng đi mới, xin vào ngân hàng làm tư vấn tài chính để kiếm thu nhập nuôi vợ con”.
Trong khi đó, anh Võ Minh Cự, 35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh cho biết, làm môi giới bất động sản đã được 7 năm, trải qua bao thăng trầm của nghề.
Thời điểm thị trường sôi động, anh tự kiếm được tiền bằng nghề nhân viên môi giới và mua được căn hộ ở Tp.Thủ Đức để gia đình sinh sống. Nhưng trải qua dịch, rồi đến thời điểm hiện tại kinh tế khó khăn, trong nhóm kinh doanh lần lượt nghỉ hết. Anh Cự cũng phải nghỉ việc để đi giao hàng và ở nhà phụ vợ bán bún bò kiếm thu nhập.
Khi được hỏi có quay trở lại với nghề môi giới, anh Cự cho hay “Nghề môi giới thực ra rất là hay và phong phú, bạn sẽ học được rất nhiều từ nghề nhưng do áp lực cuộc sống, thị trường không có khách, không thanh khoản nên tôi tìm hướng đi mới. Nhưng tôi vẫn đăng, hỗ trợ khách hàng cũ bán sản phẩm, chờ thị trường ổn định tôi cũng sẽ quay trở lại”.
Thực tế thời gian qua tại Tp.HCM và vùng lân cận, làn sóng môi giới nghỉ việc trở nên ồ ạt. Nhiều công ty, sàn giao dịch từ 70 - 80% nhân viên môi giới đã chuyển sang công việc mới. Nhiều người thử sức với lĩnh vực mới (đa số là các công việc không cần chuyên môn cao) như bán hàng online, kinh doanh mỹ phẩm, tiếp thị sản phẩm... để mưu sinh.
Dù là vậy, nhưng đa số các nhân viên môi giới vẫn hy vọng thị trường bất động sản sẽ phục hồi, nền kinh tế sẽ bền vững hơn, tạo ra những giá trị thực. Nhu cầu nhà ở sẽ song hành cùng các hoạt động kinh tế thị trường, kích cầu mọi thứ trở lại.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện tượng sụt giảm số lượng nhân viên môi giới bất động sản trở nên phổ biến. Thị trường ghi nhận một số lượng lớn môi giới bất động sản nghỉ việc. Số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022.
Các chuyên gia của VARS đánh giá, làn sóng này đã diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần, giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Những môi giới bám trụ lại với nghề phải vận dụng linh hoạt đủ mọi hình thức để có thể tồn tại, như đa dạng hóa lĩnh vực, tìm kiếm việc làm thêm…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận