'Ngày tàn' của giới khởi nghiệp Trung Quốc
Tờ Financial Times (FT) cho hay hàng chục doanh nghiệp tại Bio Bay đã rời đi hoặc đóng cửa khi một cuộc khủng hoảng toàn diện trong ngành đang diễn ra, khiến vô số văn phòng tại trung tâm khởi nghiệp này bị bỏ hoang.
Nguồn vốn đầu tư khởi nghiệp (tỷ USD) và số startup thành lập tại Trung Quốc giảm mạnh
Ngày ngày, vô số những lái buôn đến để mua lại các thiết bị văn phòng, dụng cụ thí nghiệm, máy tính giá rẻ bán lại của các doanh nghiệp dọn đi này để chuyển về Malaysia hay Indonesia. Vô số danh thiếp, tờ rơi về dịch vụ thanh lý thiết bị văn phòng được dán khắp nơi tại các tòa nhà phủ đầy bụi.
Ban quản lý Bio Bay cho biết họ hy vọng sẽ cho thuê lại được những văn phòng trống, nhưng tình hình ảm đạm của giới khởi nghiệp Trung Quốc khiến niềm tin này ngày càng xa vời.
"Trung Quốc từng là điểm đến tốt nhất cho giới khởi nghiệp chỉ sau Mỹ", một giám đốc điều hành tại Bắc Kinh ngậm ngùi nói với FT khi ám chỉ ngành khởi nghiệp tại đây hiện rủi ro quá cao cho nhà đầu tư.
Vào thời hoàng kim, tăng trưởng của những công ty như Alibaba hay Tencent đã thúc đẩy toàn ngành, nhưng sự siết chặt kiểm soát của chính phủ cũng như đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả.
"Toàn bộ ngành khởi nghiệp đang chết trước mắt chúng ta. Tinh thần khởi nghiệp cũng đã chết. Thật đáng buồn khi chứng kiến cảnh này", vị giám đốc tại Bắc Kinh thừa nhận với FT.
Chỉ còn 1.000
Số liệu của IT Juzi cho thấy vào thời đỉnh cao năm 2018, Trung Quốc có đến 51.302 công ty khởi nghiệp được thành lập, thế nhưng con số này đã giảm xuống còn 1.202 năm 2023 và vẫn tiếp tục giảm xuống trong năm nay.
Phó giáo sư Keyu Jin bày tỏ sự lo ngại khi ngành khởi nghiệp là "động lực đổi mới công nghệ tại Trung Quốc". Việc dòng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi mảng khởi nghiệp sẽ khiến động lực đổi mới tại nền kinh tế này chịu ảnh hưởng.
Theo FT, cuộc khủng hoảng ngành khởi nghiệp Trung Quốc là do tăng trưởng kinh tế giảm tốc, tác động từ lệnh giãn cách đại dịch Covid-19 kéo dài, thị trường bất động sản xì hơi còn chứng khoán thì trì trệ. Đó là chưa kể căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng với các lệnh cấm vận công nghệ như chip bán dẫn hay xe điện.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, tác động lớn nhất vẫn đến từ việc Bắc Kinh siết chặt quản lý ngành công nghệ vì lo ngại tình trạng độc quyền của một số tập đoàn lớn.
Tác giả Desmond Shum của "Red Roulette" cho hay các startup đã bị giám sát chặt chẽ, khó chuyển tiền ra nước ngoài và các giao dịch đầu tư, gọi vốn của họ cũng bị giám sát chặt chẽ.
Tương tự, FT đã trao đổi với 11 CEO của các công ty khởi nghiệp, từ những quỹ của nhà nước cho đến các hãng tư nhân và tất cả đều vẽ nên một bức tranh ảm đạm toàn ngành.
"Chỉ 5 năm trước, những nhà đầu tư mạo hiểm hay nhà khởi nghiệp là những người lạc quan nhất ở Trung Quốc. Thế nhưng giờ đây họ đều chán nản. Chẳng còn ai thấy họ nữa", một người trong ngành nói với FT.
Trước đây những cái tên như Jack Ma tại Alibaba hay Pony Ma tại Tencent đều nổi tiếng trong giới công nghệ khi truyền cảm hứng cho các nhà khởi nghiệp kiếm bộn tiền bằng startup khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đến quý IV/2020, tổng giá trị của 2 tập đoàn trên lên đến 1,5 nghìn tỷ USD.
Thế nhưng mọi giấc mơ đều sụp đổ khi Trung Quốc hủy bỏ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group, vốn là một công ty con của Alibaba, vào tháng 11/2020, tức chỉ 2 ngày trước khi mã này được chính thức giao dịch.
Bản thân nhà sáng lập Jack Ma cũng biến mất khỏi truyền thông, mở đầu cho hàng loạt cuộc điều tra và chấn chỉnh ngành công nghệ sau đó trên toàn Trung Quốc.
Kể từ đó, niềm tin của giới khởi nghiệp dần xói mòn.
"Không có lý do gì để khởi nghiệp nữa. Tại sao chúng tôi lại phải chấp nhận rủi ro khi có đến 5 năm thua lỗ vì khởi nghiệp?", một nhà khởi nghiệp tại Thượng Hải nói với FT.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận