menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Tuấn

Ngành gạo kỳ vọng thắng lớn

Giá gạo dự báo có thể xác lập đỉnh 10 năm qua và mang về giá trị xuất khẩu kỷ lục cho ngành gạo Việt Nam

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 đến nay, thị trường lúa gạo tại ĐBSCL đã sôi động hẳn. Trong khi doanh nghiệp (DN) có nhiều đơn hàng xuất khẩu thì nông dân phấn khởi nhờ giá lúa gạo biến động theo chiều hướng tăng.

Doanh nghiệp vui, nông dân phấn khởi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, ngành gạo lập kỷ lục với sản lượng xuất khẩu 7,11 triệu tấn, mang về giá trị 3,46 tỉ USD, tăng 13,8% về khối lượng và 5,1% về giá trị so với năm trước.

Tin vui là nếu giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2022 đạt 486,2 USD/tấn nhưng ngay trong tháng 1-2023 đã đạt 507,5 USD/tấn, đánh dấu sự khởi sắc ngay từ đầu năm.

Ông Phan Thành Bắc, Giám đốc HTX Sơn Hòa (tỉnh An Giang), cho biết vụ đông xuân năm nay, HTX Sơn Hòa có 630 ha lúa, dự kiến thu hoạch vào đầu tháng 3, dự báo thắng lớn nếu giá cả ổn định, tình hình xuất khẩu như hiện nay.

"Giá lúa tươi đang ở mức 6.800 - 7.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ ở mức 5.700 - 5.800 đồng/kg. Nếu giữ được mức giá này, nông dân có thể thu lợi nhuận tối thiểu 30 triệu đồng/ha" - ông Bắc bày tỏ lạc quan.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), cho biết giá gạo hiện tại đang cao nhất 2 năm qua và có thể vượt đỉnh năm 2019.

"Năm 2019, giá gạo đã từng đạt mức 520 - 530 USD/tấn và năm nay dự báo kỷ lục này sẽ được phá vỡ. Nguyên nhân là nhu cầu nhập khẩu của các nước trên thế giới đang tăng vì sản xuất nội địa của họ mất mùa. Hơn nữa, trong 10 năm qua, giá lúa gạo tương đối ổn định trong khi các nông sản khác và vật tư đầu vào lại tăng nhiều nên việc tăng giá là hợp lý. Tại Việt Nam, dù sản xuất lúa thuận lợi nhưng so với một số cây trồng khác vẫn không bằng nên nguồn cung không tăng" - ông Nguyễn Văn Thành nhận định.

Ở các địa phương khu vực miền Đông Nam Bộ như Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, kể cả các huyện ngoại thành của TP HCM, giá lúa tươi phổ biến quanh mức 6.500 đồng/kg, bảo đảm cho nông dân có lãi. Ông Phạm Văn Minh (ngụ TP HCM), nói ông đang canh tác lúa hàng chục hecta tại Tây Ninh và huyện Củ Chi (TP HCM), dự kiến tiếp tục thuê đất để canh tác.

"So với trước Tết, giá phân bón cũng đã hạ. Nếu có diện tích lớn để canh tác lúa thì vẫn có hiệu quả kinh tế nhờ cây trồng này đã được cơ giới hóa cao, không cần nhiều lao động và đầu ra thuận lợi. Nông dân đang rất vui, đặt nhiều kỳ vọng được mùa trúng giá" - ông Minh nói.

Thận trọng "hợp đồng giao xa"

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, đánh giá gạo Việt Nam đang có lợi thế trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Theo ông Nam, Trung Quốc vừa mở cửa nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 và có nhu cầu nhập khẩu gạo cao. Những năm trước, hạn ngạch nhập khẩu của Trung Quốc dành cho Việt Nam chỉ khoảng 400.000 tấn nhưng năm nay có thể tăng lên 1 triệu tấn. Họ rất chuộng các loại gạo hạt dài giống ST dù giá cao và Việt Nam hiện chưa cung cấp đủ nhu cầu.

"Ngoài ra, các nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Indonesia… cũng tăng mua dự trữ do bị mất mùa. Những thị trường giá cao, không cần hạn ngạch như Mỹ nhu cầu nhập khẩu cũng khá tốt" - ông Nam thông tin thêm.

Dù vậy, dưới góc độ kinh doanh, ông Nam cảnh báo các DN xuất khẩu gạo cần thận trọng với những đơn hàng ký trước, bởi có thể trong thời gian tới, giá nội địa sẽ còn cao hơn xuất khẩu như ở hiện tại.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (tỉnh Long An), cũng cho rằng năm 2023, DN xuất khẩu gạo không lo thiếu đơn hàng mà chỉ cần tính toán làm sao để có hiệu quả kinh doanh tốt nhất.

Ông Hòa cảnh báo: "Những DN không có kinh nghiệm rất dễ mắc bẫy đối tác - nhà nhập khẩu của nước ngoài - nếu ký đơn hàng số lượng nhiều mà chưa có hàng sẵn trong kho. Thời gian qua, đã có những DN gạo tuy xuất khẩu sản lượng lớn nhưng lỗ vì buộc phải gom hàng giá cao để giao hàng theo hợp đồng ký trước để không bị phạt hợp đồng".

Doanh nhân Nguyễn Văn Thành cũng cho rằng Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV đang rất dè dặt với những hợp đồng năm 2023 vì sợ bị hớ về giá. "Nhà nhập khẩu mong muốn vào chính vụ đông xuân giá gạo sẽ giảm nhưng bên xuất khẩu lại nhận định khó có khả năng này. Do không gặp áp lực về tồn kho nên các DN chờ giá tốt mới bán hàng" - ông Thành nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại