24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Trà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngành dược đang nỗ lực vượt khó để đạt được mục tiêu lớn

Giải pháp về đầu tư gồm nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc; quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Quyết định 1165/TTg về phát triển ngành dược đã đặt ra các mục tiêu cho ngành này đến năm 2030 và 2045. Quyết định này với các giải pháp tổng hợp, toàn diện và liên ngành đang được kỳ vọng mở ra cơ hội lớn cho ngành này tăng tốc trong thời gian tới. Tuy nhiên trao đổi với KTSG Online, PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, ngành dược cũng phải vượt qua nhiều thách thức để tận dụng cơ hội này một cách tối ưu.

Quyết định 1165/QĐ-TTg về chiến lược phát triển ngành dược của Việt Nam đã được Chính phủ thông qua vào năm 2023, theo ông đâu là cơ hội của Việt Nam khi thực hiện những mục tiêu này?

TS Lê Văn Truyền: Quyết định 1165/QĐ-TTg do Thủ tướng ban hành năm 2023 đã xác định rõ quan điểm và các mục tiêu ngành dược phải đạt được đến năm 2030 là phát triển ngành dược bền vững, từng bước tiến tới hiện đại, chú trọng việc đảm bảo an ninh thuốc; phát triển công nghiệp dược, công nghiệp hóa dược, dược liệu sản xuất trong nước, gia tăng giá trị xuất khẩu và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu.

Quyết định đặt ra mục tiêu đến 2030, thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá cả thị trường toàn cầu; chủ động sản xuất được các thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc; có biệt dược gốc từ nguồn dược liệu trong nước được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền; phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỉ đô la Mỹ.

Chính phủ cũng đã đề ra các nhóm giải pháp lớn, tạo điều kiện cho ngành dược phấn đấu thực hiện các mục tiêu đã đề ra như ưu đãi về thuế, tín dụng, chính sách sử dụng đất (giá thuê đất, thời hạn thuê đất) đối với các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư nuôi trồng, chế biến, chiết xuất dược liệu, phát triển thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Giải pháp về đầu tư gồm nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc; quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Quyết định 1165/TTg đặt ra các mục tiêu trung hạn (đến 2030) và dài hạn (đến 2045) cùng các giải pháp tổng hợp, toàn diện và liên ngành đã tạo cơ hội lớn cho ngành dược phát huy các kết quả đạt được trong thời gian vừa qua. Từ đó tạo nền tảng để từng bước đạt đến các mục tiêu cho hai thập kỷ tới.

Đặc biệt, ngày 4-7-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 705/QĐ/TTg thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ cũng đang trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật Dược 105/2016 để xem xét thông qua trong kỳ họp cuối năm 2024.

Đây là những cơ hội lớn cho việc phát triển ngành dược Việt Nam từ nay cho đến giữa kỷ 21.

Vậy xin ông cho biết đâu là những thách thức của ngành dược cần vượt qua để đạt được các mục tiêu trên?

TS Lê Văn Truyền: Để có thể đạt được các mục tiêu nêu trên, ngành dược phải vượt qua không ít các thách thức.

Thứ nhất là quy mô các doanh nghiệp dược trong nước quá nhỏ, nguồn vốn đầu tư thấp, kể cả đầu tư cho công tác nghiên cứu – phát triển thuốc mới.

Thứ hai là các doanh nghiệp dược trong nước chủ yếu sản xuất thuốc hóa dược dưới dạng generic. Trong khi đó, dự kiến thị phần các thuốc sinh học, thuốc sinh học tương tự (biomedicine/biosimilar) sẽ tăng trưởng mạnh trong các thập kỷ tới, chiếm khoảng 40% thị trường dược phẩm toàn cầu và khối ASEAN. Cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, năng lực tài chính của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế mà vốn đầu tư các nhà máy dược sinh học đòi hỏi vốn lớn hơn rất nhiều khiến việc chuyển đổi khó khăn.

Thách thức cuối cùng là quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong toàn bộ nền kinh tế. Song, theo một số đánh giá, hiện nay chỉ có chưa đến 10% doanh nghiệp dược Việt Nam triển khai quá trình chuyển đổi số. Trong khi đó, nguồn dữ liệu và thông tin về thuốc từ các bệnh viện rất lớn, do đó doanh nghiệp cần có năng lực kỹ thuật số để xử lý được nguồn dữ liệu này.

Nếu các mục tiêu của quyết định trên thực hiện được, thì theo ông lúc đó ngành dược Việt Nam sẽ đứng ở đâu trên bảng xếp hạng thế giới và thứ hạng đó có thay đổi nhiều so với hiện tại không, thưa ông?

PGS.TS Lê Văn Truyền: Nếu thực hiện được tất cả các giải pháp Chính phủ đã đề ra, ngành Dược Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu mà QĐ 1165/TTg xác định: “Ngành dược đóng góp 20 tỉ đô la Mỹ vào GDP của đất nước”. Hay Nghị quyết số 36/NQ-TW xác định: “Nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học”.
Theo ông, để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư trong ngành dược, Việt Nam cần chuẩn bị gì? Để sản phẩm dược “made in Vietnam” xuất hiện trên thế giới thì Việt Nam cần có sự chuẩn bị ra sao?
TS Lê Văn Truyền: Các chính sách trong QĐ1165/TTg đã nêu rõ Nhà nước khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài, chuyển giao công nghệ, sản xuất nhượng quyền và sản xuất gia công từ các tập đoàn dược phẩm trên thế giới. Tuy nhiên, để đón được cơ hội từ các “đại bàng dược phẩm” cần phải có cơ sở hạ tầng, các nhà máy và nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nghiên cứu – phát triển, sản xuất, cung ứng…

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để đáp ứng những quy chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất lẫn nguồn nhân lực – cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam ra sao, họ cần chuẩn bị thế nào, thưa ông?

TS Lê Văn Truyền: Các doanh nghiệp dược trong nước cần nâng cao năng lực tuân thủ hệ thống quy chế dược ngày càng chặt chẽ của các cơ quan quản lý dược tiên tiến trên thế giới như Cơ quan quản lý dược phẩm – thực phẩm Hoa Kỳ (US FDA), Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA), Nhật Bản (PMDA) hoặc của Hệ thống thanh tra dược quốc tế (PIC/S)…

Nếu các doanh nghiệp dược Việt Nam trong tương lai không sản xuất thuốc sinh học thì thị phần thuốc hóa dược sẽ nhỏ dần, cạnh tranh rất khốc liệt, không có lợi nhuận để tái đầu tư. Nếu muốn chuyển đổi, đáp ứng nhu cầu của thị trường và xu hướng của thế giới, cần chuẩn bị nguồn lực tài chính và nhân lực về công nghệ sinh học.

Các công ty cần soát xét, thay đổi chiến lược trung – dài hạn phù hợp với chiến lược phát triển ngành dược mà Chính phủ đã đề ra. Chiến lược này đã đặt ra nhiều mục tiêu, tạo cơ hội lớn cho ngành dược và các doanh nghiệp. Tất nhiên các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực vượt qua các thách thức để có được các cơ hội này.

Xin cảm ơn PGS. TS Lê Văn Truyền!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả