menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Anh Tuấn

Ngành công nghiệp sản xuất ô tô Hoa Kỳ có bí mật gì?

Những cột trụ quyền lực làm nên "siêu cường" và vĩ thanh dành riêng cho start-up lĩnh vực ô tô hướng tới thị trường Mỹ.

(Bài 3 và là phần cuối của loạt bài viết -" Sản xuất xuất khẩu ô tô và tiếp cận thị trường tài chính Hoa Kỳ, phải chăng chỉ là chuyện kinh doanh và kinh tế vi mô ?)

Dẫn nhập và tóm lược ý chính trong các bài viết trước [bài 1 và 2].

Volkswagen, một hãng xe hơi của Đức, chiếm 70% thị phần thị trường động cơ diesel của Mỹ, vào năm 2015 có tham vọng trở thành hãng ô tô số 1 thế giới.

Sự kiện pháp lý chống lại Volkswagen, khởi đầu từ cáo buộc của EPA, một tên viết tắt của cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ,

đã nhanh chóng "leo thang" thành một vụ án nghiêm trọng với cáo trạng rằng Volkswagen đã cài đặt phần mềm hạn chế phát thải trên hơn nửa triệu xe dùng động cơ Diesel ở Hoa Kỳ. Tổng cộng rất nhiều án phạt được đưa ra cả hình sự và dân sự, trong đó các cơ quan pháp luật bắt giữ tới 6 giám đốc điều hành của V.W vì liên quan đến vụ việc này.

Trong một trường hợp khác so sánh: scandal của hãng ô tô khổng lồ General Motors, một hãng ô tô của Mỹ liên quan tới bộ phận đánh lửa (ignition switches) của động cơ. Vụ việc gây lên cái chết của ít nhất 124 và được che giấu suốt 10 năm.

Cơ quan luật pháp Hoa Kỳ đã không truy tố, mà cho hãng ô tô GM này "tự nguyện" để chính phủ thu 900 triệu đô la.

Năm 1981, đứng trước khả năng 3 hãng khổng lồ trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ Chrysler, Ford và có lẽ cả General Motors không thể chống đỡ được cạnh tranh ngay tại "sân nhà" trước các hãng xe hơi Nhật Bản, điển hình là 2 hãng Honda với model Honda Arcord và Toyota với dòng Camry.

Chính phủ Mỹ đã thành lập một ban chuyên trách [task force] cấp nội các (các thành viên tương đương bộ trưởng) để xử lý khủng hoảng. Kết quả là tổng thống Ronald Reagan yêu cầu chính phủ Nhật Bản bằng cách gì đó bắt buộc chính phủ Nhật Bản buộc các hãng xe hơi của họ phải tự nguyện cắt giảm và đó là một trong tác nhân gây lên trì trệ kinh tế kéo dài của Nhật Bản suốt thập niên 1990, saau này cả thế giới đều biết nó với tên gọi "thập kỷ mất mát".

_________

▮Câu hỏi đặt ra là

➣Tại sao chính phủ Mỹ lại can thiệp vào thị trường sản xuất ô tô mạnh mẽ như thế ?

Hay nói cách khác ngành công nghiệp sản xuất ô tô có bí mật gì ghê gớm đến độ chính phủ Mỹ sẵn sàng chính trị hóa cơ quan luật pháp để loại bỏ công ty cạnh tranh, đến thực thi chính sách đối đầu với chính đồng minh của mình ?

Ngành công nghiệp sản xuất ô tô Hoa Kỳ có bí mật gì?
Ảnh . Đạo luật sản xuất Quốc phòng (DPA) được kích hoạt cho chiến dịch Warp Speed ​​(OWS) huy động năng lực sản xuất của nền công nghiệp Mỹ để sản xuất thiết bị và sản phẩm y tế.

Để hiểu rõ ràng hơn, hãy bắt đầu "nhập môn" bằng sự kiện sống động, diễn ra ngay tại thời điểm bùng nổ của dịch corona virus.

Tháng 4/2020 số ca nhiễm tại Mỹ đạt khoảng 400.000, với gần 13.000 ca tử vong. Khi đó nhận định rằng cuộc khủng hoảng dịch có thể bước sang một giai đoạn có tính bước ngoặt và nguy cơ cạn kiệt máy thở, tổng thống Donald Trump đã cho thiết lập một sứ mệnh đặc biệt được biết dưới tên gọi Chiến dịch Warp Speed ​​(OWS), đồng thời kích hoạt một phần đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để cho phép chính phủ có thẩm quyền huy động tối đa nguồn lực để sản xuất thiết bị y tế trong thời gian ngắn nhất và đầy đủ nhất về đáp ứng nhu cầu cứu chữa cũng như dự trữ chiến lược.

Theo đó, như ta đã chứng kiến ​​các nhà sản xuất ô tô như Ford Motors, General Motors và Tesla đã sử dụng các nhà máy sản xuất để sản xuất máy thở, thiết bị trên cơ sở các quy trình thiết kế (blue print) của các công ty thiết bị y tế để sản xuất và ngược lại các công ty thiết bị y tế sử dụng năng lực của các hãng ô tô này để mở rộng quy mô sản xuất thiết bị y tế.

Kết quả chỉ 1 hãng ô tô Ford đã sản xuất 50.000 máy thở chỉ trong 100 ngày, giải quyết ngay toàn bộ thiếu hụt cho toàn bộ bệnh viện toàn nước Mỹ.

Ngành công nghiệp sản xuất ô tô Hoa Kỳ có bí mật gì?

Ảnh. Hãng ô tô Ford đã sản xuất 50.000 máy thở chỉ trong 100 ngày, giải quyết ngay toàn bộ thiếu hụt cho toàn bộ bệnh viện toàn nước Mỹ.

Đây là một thí dụ minh chứng cho tầm quan trọng của ngành công nghiệp ô tô nói riêng, cũng như giá trị cốt lõi của năng lực sản xuất của nền công nghiệp Mỹ trong việc sử lý khủng khoảng khi cần thiết.

Để có thể hiểu sâu sắc hơn đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA), nguồn gốc xuất xứ của nó và vai trò có tính sống còn của ngành công nghiệp ô tô đối với năng lực sản xuất, cũng như đối với tiến trình trở thành siêu cường thế giới của Hoa Kỳ, cần lần trở ngược lại lại năm 1941. Khi nước Mỹ bị buộc phải tham dự cả hai mặt trận Châu Âu và Châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 1941 Hoa Kỳ buộc phải chiến đấu trên 2 mặt trận - Châu Âu và Châu Á Thái Bình Dương Trước 2 kẻ thù mạnh nhất và cũng là 2 siêu cường lúc bấy giờ Nước Đức phát xít và Nhật Bản phát xít.

Tổng thống Franklin Roosevelt đã phát biểu với 2 viện Quốc hội và dân chúng: “Những kẻ thù hùng mạnh phải bị đánh bại”. Ông nói: “Chỉ thêm một vài máy bay, một vài xe tăng, một vài khẩu súng, một vài tàu nữa là chưa đủ để kẻ thù của chúng ta có thể đánh bật được”. “Chúng ta phải sản xuất chúng với số lượng lớn hơn, để không còn nghi ngờ gì nữa về khả năng cung cấp thiết bị vượt trội của chúng ta ở bất kỳ chiến trường nào trong Thế chiến.”

Bài phát biểu này đã mở đầu cho dự luật nổi tiếng, tiêu biểu cho nền kinh tế thời chiến - đạo luật Quyền lực Chiến tranh - War Powers Act thông qua luật năm 1941, mở rộng năm 1942 cho phép tổng thống có quyền lực rộng rãi để tổ chức lại chức năng của bất kỳ cơ quan hành pháp nào nhằm mục đích chiến đấu. Trong đó có quyền phân bổ nguồn lực từ đất đai, tài sản và tất cả doanh nghiệp phải thực hiện yêu cầu của chính phủ cho mục đích quốc phòng.

Đạo luật này đã làm thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp ô tô, khiến cho việc thiết kế, hạ tầng của nó từ nay về vĩnh viễn luôn mang mang mục tiêu kép: Ngành công nghiệp dân dụng và công nghiệp quốc phòng, cũng như cần thiết chuyển đổi hạ tầng sang phục vụ cho mục tiêu chống khủng khoảng đột ngột như thiên tai hoặc dịch bệnh quy mô lớn.

Ngành công nghiệp sản xuất ô tô Hoa Kỳ có bí mật gì?

Những số liệu thống kê trong Thế Chiến II đã cho thấy tầm quan trọng thế nào:

Trước khi Mỹ tuyên bố chính thức chiến tranh với Nhật Bản và Đức phát xít, năm 1941 ngành công nghiệp ô tô Mỹ sản xuất hơn ba triệu ô tô, trong toàn bộ thời chiến 1941 - 1945 tất cả năng lực này đã chuyển sang sản xuất vũ khí (Chỉ có 139 ô tô được sản xuất trong thời gian chiến tranh).

Thay vào đó, hãng xe hơi sản xuất Ford Motors sản xuất máy bay ném bom tầm xa B-24 Liberator, hãng Chrysler chế tạo thân máy bay, còn General Motors sản xuất động cơ máy bay, súng, xe tải và xe tăng.

Thay thế cho lượng ô tô xuất xưởng, bây giờ là số lượng kinh ngạc 60.000 máy bay 120.000 xe tăng, 55.000 súng phòng không

[riêng năm1942], cộng thêm 2 triệu xe vận tải quân sự trong 4 năm chiến tranh. Tất cả đã góp phần chủ yếu để sản xuất công nghiệp của Mỹ [vốn đã lớn nhất thế giới] tăng gấp đôi quy mô.

Năng lực sản xuất này đã hoàn thành vượt trội so với tất cả các nước: riêng năm 1944 Mỹ đã chế tạo nhiều máy bay hơn Nhật Bản trong toàn bộ 6 năm chiến tranh (1939 1945) và là 2/3 toàn bộ năng lực sản xuất của tất cả khối đồng minh.

Ngành công nghiệp sản xuất ô tô Hoa Kỳ có bí mật gì?

Ảnh. Tổng thống Franklin Roosevelt đã phát biểu với 2 viện Quốc hội và dân chúng: “Những kẻ thù hùng mạnh phải bị đánh bại”

▮Những cột trụ quyền lực làm nên Siêu Cường, bài học dành cho doanh nghiệp, kinh tế chính trị thực dụng và vĩ thanh dành riêng cho start-up lĩnh vực ô tô.

Các sự kiện tưởng như rời rạc, không có điểm chung liên quan với nhau như:

▪Chiến dịch pháp lý chống lại Volkswagen.

▪Mệnh lệnh hành pháp của tổng thống Ronald Reagan trong việc bảo vệ thị trường các hãng GM - Ford Motors -Chrysler.

▪Đạo luật Quyền lực Chiến tranh - War Powers Act yêu cầu tất cả doanh nghiệp phải thực hiện yêu cầu của chính phủ cho mục đích quốc phòng.

▪Hay đạo luật sản xuất Quốc phòng (DPA) được kích hoạt cho chiến dịch Warp Speed ​​(OWS) huy động năng lực sản xuất của nền công nghiệp Mỹ để sản xuất thiết bị và sản phẩm y tế.

Tất cả đều minh định rằng chính phủ Mỹ không chỉ can thiệp vào hoạt động kinh tế vi mô, mà còn trực tiếp điều hành nó [các doanh nghiệp sản xuất ô tô], thông qua chỉ định danh mục hành hóa, số lượng và tiến độ sản xuất.

Xét theo nội dung, nó chính xác là định nghĩa của lãnh tụ của giai cấp vô sản Vladimir Lenin về chính sách của mình trong lĩnh vực kinh tế (NEP) năm 1922, một hệ thống gọi tên là "hệ thống kinh tế mới" với mô tả là:

"thị trường tự do và chủ nghĩa tư bản, cả hai đều chịu sự kiểm soát của nhà nước".

Thật là một bức tranh siêu thực, khi lịch sử nước Mỹ lại chứng kiến sự áp dụng lý thuyết về thị trường tự do và chủ nghĩa tư bản của "cha đẻ của kinh tế học" Adam Smith, kết hợp uyển chuyển cùng với tư duy "kinh tế chỉ huy" của nhà kinh tế thực hành, lãnh tụ cộng sản Vladimir Lenin.

Nhìn khái quát trong điều kiện bình thường, có vẻ "bàn tay vô hình" về thị trường của Adam Smith là thuyết được áp dụng để điều tiết phân bổ nguồn lực.

Nhưng trong những bối cảnh cụ thể, khi quyền lực hay sinh tồn quốc gia bị thách thức thì thuyết của Lenin lại là triết lý "thống soái".

▬ Hoa Kỳ được thừa nhận là “siêu cường” bởi nhận diện từ 4 trụ cột quyền lực: kinh tế, quân sự, chính trị và văn hóa.

Ngoài văn hóa là quyền lực mềm, thì quyền lực kinh tế là nền tảng cho cả hai quyền lực còn lại là quân sự và chính trị. Nếu duy trì quyền lực kinh tế đủ lâu thì một góc độ nào đó quyền lực kinh tế cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền lực văn hóa.

Sức mạnh kinh tế có thể được lượng hóa qua con số thông kê như quy mô GDP ở bề mặt, còn thực chất nằm ở các năng lực cụ thể mang tính cốt lõi, hai trong số đó là nền công nghiệp tài chính và năng lực sản xuất.

Công nghiệp sản xuất ô tô chính là xương sống của năng lực sản xuất như khảo sát qua những sự kiện lịch sử với Hoa Kỳ từ thế chiến lần 2 đến chiến dịch Warp chống dịch Corona virus vừa qua.

Trong đó việc thực thi đạo luật Quyền lực Chiến tranh - War Powers Act năm 1941 đã biến đổi sâu sắc thiết kế, hạ tầng ngành công nghiệp ô tô thành ngành mang mục tiêu kép: dân dụng và công nghiệp quốc phòng.

Năng lực sản xuất này là một trong thành tố cốt lõi đã giúp Hoa Kỳ chiến thắng trong cuộc chiến sinh tồn như một quốc gia và của cả thế giới. Và như một hệ quả ngọt ngào dành cho nước Mỹ, sau thế chiến 2, hơn một nửa tổng sản lượng công nghiệp trên thế giới sau đó được sản xuất tại Hoa Kỳ.

Và chính năng lực sản xuất này là một trong những những nguyên do cốt lõi biến Hoa Kỳ thành siêu cường thế giới.

Đó cũng là logic đằng sau và câu trả lời cho 2 vấn đề:

Tại saochính phủ Mỹ lại can thiệp vào thị trường sản xuất ô tô mạnh mẽ như thế.

Sản xuất xuất khẩu ô tô không còn là chuyện kinh doanh hay thuộc [chỉ] kinh tế vi mô. Nó chính xác là kinh tế - chính trị vĩ mô, rất liên quan đến quan hệ quốc tế và địa chính trị thế giới, cũng như cấu trúc quyền lực kinh tế - chính trị tại Hoa Kỳ.

▮Vĩ thanh 1.

Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc từng có tuyên bố nổi tiếng rất thực dụng “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là nó bắt được chuột", được diễn giải về triết lý trị quốc trong lĩnh vực kinh tế, nhằm cải cách. Sau giới nghiên cứu lý luận Trung Quốc đã khái quát nhận định này thành “thuyết con mèo”.

"Thuyết con mèo" của Đặng Tiểu Bình, đi vào bản chất cũng chính là học thuyết "chính sách kinh tế mới" của lãnh tụ vô sản Vladimir Lenin hay những người đứng đầu nước Mỹ như Ronald Reagan áp dụng trong khủng khoảng ngành công nghiệp ô tô với Nhật Bản, Donald Trump trong chiến dịch Wrap và Franklin Roosevelt với đạo luật Quyền lực Chiến tranh.

Tất cả khi cần thiết, đều cố tình "quên" rằng nền kinh tế của mình là thị trường tự do và chủ nghĩa tư bản hay nền kinh tế chỉ huy với kế hoạch hóa tập trung.

Thị trường tự do và sự can thiệp tối thiểu theo trường phái kinh tế học cổ điển như Milton Friedman hay trường phái tân cổ điển như Maynard Keynes ủng hộ can thiệp chính phủ miễn là hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội đều có thể áp dụng tùy bối cảnh.

Cuối cùng chỉ có Niccolo Machiavelli là tư tưởng và triết lý của giới tinh hoa.

Chủ thuyết nào, tất cả chỉ có ý nghĩa phương tiện được sử dụng để đạt được mục đích. Hóa ra "Thuyết con mèo" cũng rất liên quan đến siêu cường số 1 thế giới, trớ trêu thay lại theo hướng ngược lại.

Ngành công nghiệp sản xuất ô tô Hoa Kỳ có bí mật gì?
Ngành công nghiệp sản xuất ô tô Hoa Kỳ có bí mật gì?

Ảnh . Hai nhà kinh tế học nổi tiếng của thế kỷ 20, nhưng quan điểm về thị trường kinh tế khác biệt lớn: Thị trường tự do và sự can thiệp tối thiểu theo trường phái kinh tế học cổ điển Milton Friedman và trường phái tân cổ điển Maynard Keynes ủng hộ can thiệp chính phủ.

▮Vĩ thanh 2.

Start up doanh nghiệp sản xuất ô tô hướng tới thị trường Mỹ, cũng như tận dụng đòn bẩy từ thị trường tài chính ở tại đó, sẽ không giống như các ngành nghề khác.

Dẫu biết mỗi ngành đều có sự khó khăn và thách thức nhất định - nhất là với business khởi nghiệp.

Nó là chuyện lớn !

Thấy được thị trường, làm chủ những kỹ năng vận hành doanh nghiệp, có kế hoạch tài chính và dòng tiền bảo thủ và cả những chiến lược khởi nghiệp khoa học và cẩn trọng nhất có thể vẫn chưa đủ nếu thiếu sự hiểu sâu sắc về quan hệ quốc tế, về địa chính trị và cấu trúc vận hành quyền lực chính trị - kinh tế đan xen phức tạp bậc nhất trên thế giới tại Hoa Kỳ.

▮ Hanoi, 11.6.2024

© Hoàng Anh Tuấn.

Ngành công nghiệp sản xuất ô tô Hoa Kỳ có bí mật gì?

Ảnh. Tổng thống Donald Trump đã cho thiết lập một sứ mệnh đặc biệt được biết dưới tên gọi Chiến dịch Warp Speed ​​(OWS), đồng thời kích hoạt một phần đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để cho phép chính phủ có thẩm quyền huy động tối đa nguồn lực để sản xuất thiết bị y tế

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Hoàng Anh Tuấn

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả