'Ngân hàng xác thực tài khoản lừa đảo thay vì bắt khách hàng nhận diện khuôn mặt'
'Kiểm soát SIM rác và tài khoản ngân hàng ảo là xác định được tội phạm lừa đảo, đâu cần bắt khách hàng xác thực bằng khuôn mặt, vân tay'.
Theo quy định của ngân hàng về việc triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7 khách hàng chuyển khoản qua tài khoản trực tuyến trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay. Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định này lại khiến quy trình trở nên cồng kềnh hơn. Tại sao chúng ta phải phức tạp hóa mọi thứ lên như vậy?
Thay vào đó, tại sao không thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao trình độ dân trí để đảm bảo mọi người dùng ngân hàng điện tử đều hiểu và tránh các rủi ro.
Thứ hai, nâng cao bảo mật của ngân hàng, tuyệt đối không chạy đua mở thẻ, mở tài khoản bằng mọi cách dễ dàng. Vì càng dễ mở dĩ nhiên càng nhanh, nhưng càng có nguy cơ thẻ không chính chủ. Nhiều ngân hàng cho mở thẻ online rất qua loa, dễ dàng dùng thông tin người khác để đăng ký. Chữ ký cũng chẳng cần xác minh. Cái này là lỗi hoàn toàn của ngân hàng.
Thứ ba, kiểm soát SIM điện thoại, các nhà mạng phải ngừng chạy đua mở thuê bao, tạo ra hàng loạt SIM rác rồi không kiếm soát được. SIM phải là chính chủ thì mới được phép kết nối.
Làm chặt như vậy thử xem tội phạm lừa đảo có còn đất tự tung tự tác được nữa hay không? Bởi khi đó, các cơ quan quản lý có thể dễ dàng truy xuất rõ ràng đầu mối các giao dịch để tìm ra tội phạm lừa đảo".
Đó là quan điểm của độc giả Hải Yến xung quanh thông báo của một số ngân hàng tại Việt Nam về việc bổ sung thông tin sinh trắc học. Yêu cầu này mang tính bắt buộc nhằm đáp ứng Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước đối với các giao dịch từ 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng về mặt bảo mật thông tin cá nhân cũng như quyền lợi kinh tế.
Đồng quan điểm, bạn đọc Phú Dũng chỉ ra những bất cập trong việc ngân hàng yêu cầu khách hàng bổ sung thông tin sinh trắc học: "Để thực hiện được điều này, tôi đã vào cài đặt theo hướng dẫn của ngân hàng. Đến khi chụp khuôn mặt và căn cước công dân để up lên thì tôi lại nhận được thông báo từ phía ngân hàng: 'Thiết bị của khách hàng không hợp lệ để thu thập khuôn mặt. Quý khách vui lòng đổi thiết bị hoặc liên hệ với Chi nhánh ngân hàng gần nhất để được hỗ trợ'.
Tôi đã liên hệ qua tổng đài của ngân hàng thì được biết, để cập nhật được khuôn mặt, khách hàng phải cần ít nhất điện thoại iPhone 7 trở lên, trong khi tôi đang dùng iPhone 6 Plus. Tôi thấy việc đặt ra quy định này đang gây khó khăn cho những khách hàng chưa có đủ điều kiện để nâng cấp điện thoại như tôi".
Nói về quy định xác thực sinh trắc học với các giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày, độc giả Tò lo ngại:
"Chỉ vì để bảo vệ một số ít người nhẹ dạ, dễ bị lừa mà đặt toàn bộ hàng chục triệu người khác vào rủi ro bị lộ thông tin cá nhân, quả thật không hề đáng. Dữ liệu sinh trắc học một khi bị thu thập thì sẽ không thể thay đổi như mật khẩu, mất là mất mãi mãi mà không thể có cách nào ngăn chặn kẻ xấu sử dụng".
Trong khi đó, bạn đọc Lê Duy Hoàng nếu giải pháp thay vì thu thập dữ liệu sinh trắc học của người dùng: "Có hai nút thắt rất cần giải quyết, đó là việc siết chặt quản lý SIM số điện thoại và quản lý tài khoản ngân hàng. Biết rằng, chuyện lợi ích của SIM rác và tài khoản ngân hàng ảo ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, nhà mạng và ngân hàng. Nhưng nếu chỉ vì lợi ích doanh nghiệp mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của xã hội, trở thành vấn nạn rất nhức nhối hiện nay thì liệu có đáng không?".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận