menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phương Tùng

Ngân hàng vượt khó hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế

Thời gian qua, trước bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, ngành Ngân hàng đã triển khai các giải pháp chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng vay vốn. Qua đó, giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, cũng như tiếp tục hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới.

Ngành Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong việc tham mưu ban hành cũng như triển khai các giải pháp chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng vay vốn.

Các giải pháp quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước hướng tới mục tiêu kép vừa hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục hoạt động ổn định, đồng thời tạo điều kiện để TCTD hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, qua đó tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ kể cả khoản gốc và lãi đối với khoản vay đến hạn trả nợ.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), đến thời điểm này các TCTD đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 166.544 khách hàng với dư nợ 62.835 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 14.368 khách hàng với dư nợ 12.319 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu 948.407 tỷ đồng cho 289.204 khách hàng với số lãi dự kiến giảm là 3.530 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã có 146.571 khách hàng được cho vay mới lãi suất ưu đãi với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỷ đồng.

Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu (trên dư nợ cho vay khách hàng) tăng trong quý I/2020 như sau: BacABank tăng từ 0,69% lên 0,79%; SeABank tăng từ 2,31% lên 2,34%; VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%, Saigonbank từ 1,96% lên 2,65%...

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD sử dụng tối đa việc tiết giảm chi phí để hỗ trợ giảm lãi suất cho nền kinh tế, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay vốn.

Bên cạnh đó, cần chủ động cân đối nguồn vốn xem xét cho vay mới những dự án khả thi hỗ trợ phục hồi sau dịch, bởi đây là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay.

Bên cạnh đó, các TCTD không nới lỏng điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng; duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng không chỉ trong năm nay mà nhiều năm tới đây. Thực tế cho thấy, nếu theo báo cáo tài chính quý I/2020 mà các ngân hàng gần đây công bố, nợ xấu của nhiều ngân hàng có xu hướng tăng, dù chưa phải là tăng mạnh.

Cụ thể, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu (trên dư nợ cho vay khách hàng) tăng trong quý I/2020 như sau: BacABank tăng từ 0,69% lên 0,79%; SeABank tăng từ 2,31% lên 2,34%; VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%, Saigonbank từ 1,96% lên 2,65%...

Bức tranh của nợ xấu ngân hàng trong quý I cũng có những nhiều màu sắc. Nếu như nợ xấu của ngân hàng Kienlongbank bất ngờ tăng vọt từ 342 tỷ đồng lên 2.240 tỷ đồng, tức tăng tới 6,6 lần, khiến ngân hàng này từ một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất hệ thống vọt lên nhóm cao nhất thì VPBank là ngân hàng hiếm hoi có nợ xấu giảm trong 3 tháng đầu năm, từ mức 8.798 tỷ đồng xuống còn 7.984 tỷ đồng (tức giảm 9,3%). Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ mức 3,42% xuống còn 3,03%.

Nguy cơ nợ xấu tăng cao trong năm nay là điều đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Và trên thực tế, ước tính gần đây nhất của Ngân hàng Nhà nước thì đã có đến 2 triệu dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm đến 23% tổng tín dụng của toàn hệ thống.

Cơ quan này cũng đánh giá tiềm ẩn nợ xấu tăng trong năm nay, và đưa ra 2 kịch bản, gồm: Thứ nhất, trong trường hợp dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý II và từ 2,6-3% đến cuối năm 2020; và thứ hai, trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp và được kiểm soát trong quý II, nợ xấu sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% vào cuối năm 2020 và có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD và khả năng phục hồi của các TCTD.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, hậu dịch Covid-19 chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi: Môi trường hoạt động thay đổi, điều kiện kinh doanh thay đổi... Để vượt qua khó khăn, thách thức, các TCTD phải thích ứng vì cơ cấu thị trường, phương thức sản xuất của doanh nghiệp sử dụng dịch vụ từ xa, yêu cầu đầu tư cho tự động hóa, thay đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả