Chờ đợi gì từ 'sóng' cổ phiếu ngân hàng?
Thời gian vừa qua, nhiều cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức tăng phi mã.
Cụ thể, thống kê đến đầu phiên giao dịch 22/3 cho thấy trong 3 tháng gần đây, chỉ số VN-Index đã tăng gần 12%. Trong số 23 cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán, có tới 16 cổ phiếu ghi nhận mức tăng mạnh hơn chỉ số VN-Index, 4 cổ phiếu ghi nhận mức tăng thấp hơn VN-Index và 3 cổ phiếu ghi nhận thị giá giảm.
BAB của ngân hàng BacABank niêm yết sàn HoSE từ ngày 3/3, sau chưa đầy 3 tuần, thị giá đã tăng tới hơn 82%. Cổ phiếu NVB của Ngân hàng NCB cũng tăng tới hơn 73% chỉ trong 3 tháng qua.
Xếp sau là cổ phiếu MSB của ngân hàng MSB, TCB của ngân hàng Techcombank và VPB của ngân hàng VPBank, đều ghi nhận mức tăng trên 40%, lần lượt có thêm 50%, 44% và 43% giá trị trong vòng 3 tháng.
Các cổ phiếu khác ghi nhận mức tăng cao hơn chỉ số VN-Index có thể kể đến là VIB, LPB, MBB, NAB, ACB, CTG, TPB, STB, HDB, EIB và SHB.
4 cổ phiếu ghi nhận mức tăng thấp hơn VN-Index trong 3 tháng qua là KLB, OCB, SGB và PGB.
Nguyên nhân đầu tiên giúp các cổ phiếu ngân hàng này tăng mạnh trong 3 tháng qua là câu chuyện bán vốn, điển hình tại VPBank và LienVietPostBank.
Thứ hai là câu chuyện cổ tức. Cổ tức vượt trội so với mặt bằng chung của thị trường, trong bối cảnh lãi suất thấp khiến dòng tiền ào ạt đổ vào kênh chứng khoán, khiến cổ phiếu ngân hàng trở nên "hot" hơn so với đa số các ngành khác.
Thứ tư là câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận.
Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI nêu nhận định rất đáng chú ý: quý I/2021 sẽ là đỉnh cao của tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng so với cùng kỳ năm trước đó.
Bên cạnh các câu chuyện trên, thị trường cũng râm ran nhiều tin đồn về việc ngân hàng "đổi chủ", có chủ trương sáp nhập... cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho cổ phiếu ngân hàng. Cùng với đó, cũng không thể không nhắc đến thông tin tích cực gần đây là việc 15 ngân hàng thương mại Việt Nam được hãng xếp hạng Moody's nâng triển vọng tín nhiệm.
Đấu giá bất thành, DATC đăng ký bán hơn 4 triệu cổ phiếu MSB qua sàn chứng khoán
Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đăng ký bán ra hơn 4 triệu cổ phiếu MSB, tương đương 0,34% vốn điều lệ, theo phương thức khớp lệnh qua sàn giao dịch chứng khoán. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 6/4 đến ngày 5/5.
Mục đích thực hiện giao dịch là để thoái vốn theo quy định và kế hoạch kinh doanh năm 2021 của DATC.
Sau giao dịch, DATC sẽ hạ số cổ phiếu MSB sở hữu xuống còn 309.651 đơn vị. Đây là số cổ phiếu mua thêm theo quyền được mua chưa được lưu ký.
Vào cuối năm 2020, phía DATC đã tiến hành bán đấu giá trọn lô hơn 4 triệu cổ phần MSB với giá khởi điểm của cả lô là hơn 52,4 tỷ đồng, tương đương 13.000 đồng/cổ phần. Ở thời điểm đó, phía Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết buổi đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 23/12/2020.
Tuy nhiên, phiên đấu giá bị dừng tổ chức theo đề nghị của DATC để thực hiện điều chính phương án thoái vốn tại doanh nghiệp niêm yết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cùng thời điểm phiên đấu giá dự kiến diễn ra, MSB tiến hành niêm yết 1,175 tỷ cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) với giá chào sàn là 15.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, mức giá khởi điểm mà DATC công bố là 13.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá chào sàn của MSB khoảng 13,3%.
Trước đó, vào tháng 5/2019, DATC đã từng bán đấu giá 4 triệu cổ phần của MSB với mức giá 11.800 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, chỉ có 2 nhà đầu tư mua tổng cộng 1.800 cổ phần với mức giá bình quân là 11.894 đồng/cổ phần.
Lãnh đạo MSB phủ nhận tin đồn sáp nhập PGBank
Trong giai đoạn nửa cuối năm 2020, liên tiếp 2 nhân sự của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) là ông Hoàng Xuân Hiệp và ông Nguyễn Phi Hùng được bổ nhiệm vào các vị trí điều hành ở Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, UPCoM: PGB) dẫn đến tin đồn sáp nhập giữa 2 ngân hàng này.
Tại ĐHCĐ của MSB diễn ra ngày 24/3 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Linh, tổng giám đốc MSB, thừa nhận vấn đề trên, nhưng ông cho biết các nhân sự này khi chuyển sang PGBank thi đã chấm dứt hợp đồng lao động với MSB và không còn liên quan đến ngân hàng này.
Tổng giám đốc MSB cũng phủ nhận tin đồn sáp nhập với PGBank trước những câu hỏi của các cổ đông tham dự đại hội.
Ông Linh cũng đề cập đến kế hoạch thoái vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng Đồng (FCCOM), trong bối cảnh nền kinh tế nói chung chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và mảng cho vay tiêu dùng nói riêng trong thời gian qua cũng gặp nhiều rủi ro.
Theo tiết lộ của ban lãnh đạo MSB thì kế hoạch thoái vốn này dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm nay, ngân hàng này cũng đã làm việc với một số đối tác nước ngoài về việc bán vốn FCCOM.
Chia sẻ tại đại hội, ban lãnh đạo MSB cho biết tổng doanh thu quý I ước tăng trưởng ở mức 65% so với cùng kỳ năm 2020. Thu nhập lãi thuần tăng 38%, lợi nhuận trước thuế ước thu về 1.200 tỷ đồng trong quý I, cao gấp 4 lần mức thực hiện ở quý I/2020.
SeABank muốn khóa room ngoại ở mức 0%, cổ phiếu tăng kịch trần 20% trong phiên chào sàn HoSE
Sáng 24/3/2021, hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) chính thức được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). Giá tham chiếu 16.800 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa hơn 20.306 tỷ đồng.
Phát biểu tại sự kiện, Bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch thường trực HĐQT SeABank, cho biết: Việc cổ phiếu SeABank niêm yết và giao dịch trên HoSE là sự kiện quan trọng nằm trong lộ trình phát triển ngân hàng, ghi nhận dấu ấn mới trong hoạt động của SeABank. Khi SeABank chính thức trở thành doanh nghiệp niêm yết và giao dịch trên sàn HoSE, với sự tham gia của hơn 1,2 tỷ cổ phiếu tiềm năng như SSB sẽ góp phần đa dạng hóa thị trường và giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thêm một mã cổ phiếu đầu tư hấp dẫn.
Đến 11 giờ trưa 24/3, cổ phiếu SSB của SeABank đã tăng kịch trần 20%, lên 20.150 đồng/cổ phiếu, gấp đôi mệnh giá.
Trong một diễn biến mới đây, SeABank vừa có thông báo lấy ý kiến cổ đông thông qua tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa và sửa đổi, bổ sung điều lệ.
Được biết, Điều 30 Điều lệ của SeABank về tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện chưa có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa. Phía SeABank đề xuất bổ sung thêm khoản 5, quy định tỷ lệ sở hữu tối đa nước ngoài là 0%, đồng thời giao và ủy quyền cho HĐQT quyết định thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa để đảm bảo phù hợp với diễn biến của thị trường và không vượt quá tỷ lệ theo quy định của pháp luật.
Thời gian lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản sẽ kéo dài đến ngày 30/3/2021.
Ngân hàng Nhà nước 'chia nhóm' các ngân hàng thương mại
Ngân hàng Nhà nước gần đây đã ban hành quyết định phê duyệt Nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống năm 2021.
Theo đó, 17 ngân hàng được xếp vào nhóm "quan trọng" này gồm: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank); Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank); Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB); Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank).
Bên cạnh đó là các ngân hàng: Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank); Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB); Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Quyết định trên căn cứ theo Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng, Nghị định số 26/2014/NĐ-CP, Thông tư số 08/2017/TT-NHNN và theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Chia sẻ thông tin hữu ích