Ngân hàng tư nhân đang bứt tốc
Một số ngân hàng tư nhân như Techcombank, MB, VPBank dần vượt mặt 2 ngân hàng còn lại trong nhóm Big 4.
Các ngân hàng thương mại (NHTM) đang lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý I. Bất ngờ có ngân hàng (NH) tư nhân lần đầu tiên vượt mặt NH có vốn nhà nước về lợi nhuận hợp nhất. Đồng thời, trong kế hoạch kinh doanh dài hạn, các NH tư nhân hiện cũng có nhiều kế hoạch đột phá, vượt các NH trong nhóm Big 4.
Đua lợi nhuận
Vietcombank vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý I với lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt hơn 9.950 tỷ đồng, tăng 15,3%. Tuy nhiên, trong quý này, Vietcombank đã mất đi ngôi quán quân lợi nhuận. NHTMCP tư nhân là VPBank đã chiếm vị trí này, đẩy Vietcombank xuống vị trí thứ 2.
Cụ thể, theo BCTC hợp nhất quý I, VPBank đạt LNTT 11.146 tỷ đồng, tăng 178% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở vị trí số 3 và số 4 lần lượt là Techcombank (6.800 tỷ đồng) và MB (5.909 tỷ đồng). Các vị trí tiếp theo VietinBank (5.822 tỷ đồng) và BIDV (4.513 tỷ đồng). Năm 2020 và 2021, LNTT của BIDV cũng thấp hơn các NH tư nhân như Techcombank, MB và VPBank.
Trước đây, 3 NH trong nhóm Big 4 gồm Vietcombank, BIDV và VietinBank thường xuyên thay phiên nhau dẫn đầu lợi nhuận và trong các năm 2014, 2015, 2016, nhóm này thường bám sát nhau với khoảng cách chỉ vài trăm tỷ đồng. Nhưng từ năm 2018, Vietcombank đã bứt tốc, bỏ xa các NH còn lại.
Cùng lúc, một số NH tư nhân như Techcombank, MB, VPBank dần vượt mặt 2 NH còn lại trong nhóm Big 4. Trở lại với vị trí VPBank, lợi nhuận NH tăng đột biến trong quý I có khoản lãi thuần từ hoạt động khác lên đến 7.110 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc hợp tác nâng tầm với đối tác bảo hiểm. Diễn biến nói trên cho thấy những kết quả do sự nỗ lực để tạo vị thế của các NH tư nhân trên thị trường.
Trong kế hoạch cả năm 2022, nhóm NH tư nhân nói trên đều đặt mục tiêu lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng. Cụ thể, VPBank dự kiến tăng trưởng tín dụng cao tại NH mẹ, ở mức 35% (nếu được NHNN cho phép và tùy thuộc diễn biến thị trường). NH cũng kỳ vọng lợi nhuận đạt trên 23.000 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với cùng kỳ. Tại Vietcombank, kế hoạch lợi nhuận trước thuế (LNTT) năm nay sẽ tăng tối thiểu 12% (tương ứng vượt 30.675 tỷ đồng).
Theo sát là Techcombank với mục tiêu LNTT hợp nhất 27.000 tỷ đồng. Kế hoạch cả năm của BIDV 20.600 tỷ đồng, VietinBank dự kiến đạt trên 19.300 tỷ đồng. Trong khi đó, MB đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức 20.300 tỷ đồng, đồng thời đang xây dựng các chỉ tiêu chiến lược về tài chính tăng trưởng cao hơn bình quân ngành, với doanh thu và lợi nhuận kỳ vọng năm 2026 gấp 2,5-3 lần so với 2021...
Cạnh tranh vị thế
Tại ĐHCĐ vừa qua, VPBank đã trình cổ đông kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ (VĐL) lên gần 80.000 tỷ đồng, thông qua 2 phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và trả cổ tức/cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu. Hiện VPBank đang có VĐL 44.455 tỷ đồng, xếp thứ 4 sau Vietcombank (47.325 tỷ đồng), VietinBank (48.058 tỷ đồng), BIDV (50.585 tỷ đồng), và là NH tư nhân có VĐL cao nhất.
Dự kiến, Vietcombank sẽ phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%, nâng VĐL lên 55.891 tỷ đồng. BIDV cũng có kế hoạch tăng VĐL thêm 10.623 tỷ đồng, lên mức 61.208 tỷ đồng (tăng 21%) trong năm nay. VietinBank đã được cổ đông thông qua phương án tăng vốn từ 48.057 tỷ đồng lên 53.751 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.
Với kế hoạch như trên, nếu thành công VPBank sẽ là nhà băng tư nhân vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng VĐL trên hệ thống NH. Techcombank không chạy đua tăng VĐL, nên năm nay NH chỉ dự kiến phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho người lao động. Sau khi phát hành thành công, VĐL của NH sẽ tăng lên trên 35.172 tỷ đồng.
Quan điểm của lãnh đạo Techcombank là hiện nay NHNN hay các tổ chức quốc tế đều đánh giá dựa trên vốn chủ sở hữu của NH, không phải VĐL. Tuy nhiên, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của NH này cũng ở mức cao, 15% so với yêu cầu 8%. Ngoài ra, Techcombank cũng có mục tiêu lọt top 10 NH tốt nhất ASEAN năm 2025 và đã bắt đầu khởi động chiến lược 5 năm từ năm 2021.
Khi so sánh giữa nhóm NHTM có vốn nhà nước và nhóm NHTM tư nhân hàng đầu, tăng trưởng tín dụng của nhóm tư nhân cho thấy sự vượt trội hơn nhờ bộ đệm vốn mạnh hơn, tức hệ số CAR cao. Cụ thể, ngoài Techcombank, MBB có hệ số CAR 11,2% hay VIB 11,7% giúp các NH này liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng tín dụng cao.
Ở đây cũng cần nhắc đến sự nhạy bén trong kinh doanh của nhóm NH tư nhân. Từ nhiều năm trước, họ cạnh tranh khốc liệt trên mảng NH số, kết quả tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền của nhóm đầu không ngừng tăng lên. Tại thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của Techcombank đã ở mức 50,5%, MB 49%.
Như vậy, tối đa hóa hiệu quả hoạt động trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và số hóa là chìa khóa để nhóm NH tư nhân hoàn thiện quá trình này. Với chiến lược số hóa, các NH có thể làm giảm đáng kể chi phí hoạt động, chi phí huy động, tăng thu dịch vụ. Hiện tại, ưu điểm của việc duy trì tỷ lệ CASA cao đã được các NH có vốn nhà nước ghi nhận.
Do đó, trừ Vietcombank nằm trong nhóm liên tục mở rộng CASA, gần đây các NH có vốn nhà nước đã bắt đầu thực hiện các chiến dịch khuyến mại nhằm thu hút khách hàng cá nhân, cũng như gia tăng khối lượng giao dịch trực tuyến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận