Ngân hàng thương mại chịu áp lực lớn trước phát triển tăng tốc của hàng loạt dịch vụ công nghệ
Với sự phát triển tăng tốc của hàng loạt công nghệ thanh toán, các công ty công nghệ fintech... hệ thống ngân hàng thương mại đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.
Theo nghiên cứu chuyên sâu của nhóm chuyên gia Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Nha Trang (TS Vương Thị Hương Giang, TS Nguyễn Hữu Mạnh, TS Nguyễn Thành Cường), chỉ số áp dụng công nghệ thông tin (ICT) ngày càng tác động lớn tới lợi nhuận cũng như hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại.
Xu hướng phát triển gần đây của ICT, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép ngân hàng phát triển nhanh chóng các dịch vụ, chiếm lĩnh thị phần với chi phí giảm đáng kể so với cách làm truyền thống.
Việc đầu tư vào công nghệ hiện đại trong đó có công nghệ thông tin và truyền thông của ngân hàng có thể giúp thay đổi nhanh chóng việc tiếp cận với khách hàng, giảm chi phí quản lý nhân viên cũng như doanh nghiệp, gia tăng hiệu suất hoạt động, chiếm lĩnh thị phần và cuối cùng là gia tăng lợi nhuận.
Với xu thế phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, đổi mới sáng tạo và hội nhập, ngành tài chính - ngân hàng đang trải qua một sự thay đổi nhanh chóng cùng với sự thay đổi về mặt công nghệ của quá trình số hóa nền kinh tế.
Báo cáo Global Findex Database của Ngân hàng Thế giới cho thấy sức mạnh của công nghệ đã đóng góp đáng kể vào việc tăng cường và mở rộng khả năng tiếp cận tài chính ở các nền kinh tế mới nổi.
ICT cũng đang thay đổi bối cảnh thanh toán trên toàn cầu, các gã khổng lồ công nghệ đã chuyển sang lĩnh vực tài chính, tận dụng kiến thức sâu rộng của khách hàng để cung cấp một loạt các dịch vụ tài chính.
Việc áp dụng ICT trong công nghệ ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi chấp nhận rủi ro của ngân hàng, qua đó thu hút và duy trì khách hàng bằng cách cung cấp dịch vụ chất lượng và kịp thời, cũng như giảm chi phí khách hàng và tăng lợi nhuận của ngân hàng.
Tuy nhiên, các ngân hàng ở Việt Nam đang phải chịu áp lực rất lớn do sự cạnh tranh phát sinh khi nền kinh tế hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Mặt khác, các mô hình kinh doanh với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại đang tạo ra sự thay đổi mô hình hoạt động của các tổ chức tài chính trong đó có ngân hàng.
“Sự phát triển tăng tốc của hàng loạt công nghệ thanh toán, các công ty công nghệ fintech... các ngân hàng đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho khách hàng”, nhóm nghiên cứu khẳng định.
Theo đó, các ngân hàng ngày nay hoạt động trong một môi trường mang tính cạnh tranh cao, các rào cản về địa lý, quy mô dường như bị thu hẹp đáng kể bởi công nghệ.
Để có thể tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh gay gắt, các ngân hàng cần đầu tư nhiều hơn vào ICT và các công nghệ mới nhất, nhằm đáp ứng nhanh chóng với tốc độ thay đổi của thị trường tài chính và nền kinh tế số.
Việc đầu tư chuyên sâu vào ICT, các sản phẩm fintech đòi hỏi chi phí về đào tạo nhân viên, chi phí bảo trì, nâng cấp cũng như có thể gặp rủi ro vì không thành công.
“Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng có ý nghĩa thống kê của việc áp dụng ICT có tác động đến biên lãi ròng của ngân hàng. Ngoài ra, chỉ số ICT thể hiện việc gia tăng đầu tư vào các công nghệ lõi hiện đại đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu cao ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE). Phát hiện này cho thấy việc đầu tư vào công nghệ cũng có thể hàm chứa một số rủi ro nhất định, thể hiện rõ nhất là trong ngắn hạn có thể làm giảm lợi nhuận của ngân hàng”, nhóm chuyên gia Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Nha Trang nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận