Ngân hàng số, cơ hội để các ngân hàng đột phá
(ĐTCK) Ngân hàng số đang thể hiện vai trò không nhỏ trong việc đóng góp vào sự tăng trưởng doanh thu của các ngân hàng, là cơ hội để các ngân hàng đột phá.
Ngân hàng số đang thể hiện vai trò không nhỏ trong việc đóng góp vào sự tăng trưởng doanh thu của các ngân hàng, là cơ hội để các ngân hàng đột phá.
Tại tọa đàm “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù” vừa diễn ra, ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng số TPBank chia sẻ, một trong những lợi ích mà ngân hàng số mang lại cho TPBank đó là thu hút được nhóm khách hàng trẻ - là nguồn khách hàng tiềm năng bởi luôn có nhu cầu chi tiêu cao.
Ðối với tăng trưởng, TPBank đã mở rộng mạng lưới, thị phần nhanh chóng nhờ nhờ chi phí đầu tư hiệu quả. Cụ thể, ông Nam cho biết, mỗi năm, 1 ngân hàng truyền thống trung bình chỉ mở được khoảng 5 - 6 phòng giao dịch, trong khi mô hình ATM hay LiveBank (hoạt động gần như 1 phòng giao dịch tự động) lại không bị giới hạn về tốc độ mở và thời gian phục vụ (24/7). Hay như đối với ứng dụng tiết kiệm TPBank Savy, tốc độ tăng trưởng khách hàng so với 1 chi nhánh truyền thống là 100 lần (khoảng 70.000 - 80.000 khách hàng mới/tháng), năng suất huy động cũng tăng đáng kể, khoảng 150 tỷ đồng/tháng...
"Trong 4 năm (2017-2020), tốc độ mở rộng mạng lưới của LiveBank so với phòng giao dịch truyền thống sẽ tăng khoảng 50 lần và dự kiến TPBank sẽ có khoảng 400 điểm LiveBank vào năm 2020", ông Nam thông tin.
Cũng theo ông Nam, ngân hàng số còn giúp kiểm soát chi phí giao dịch và vận hành ở mức thấp. Cụ thể, chi phí bình quân cho 1 giao dịch tại 1 chi nhánh truyền thống là khoảng 23.000 đồng, nhưng với LiveBank, chi phí này chỉ còn hơn 11.000 đồng/giao dịch, tương ứng giảm 50% và đối với eBank chỉ mất 2%/giao dịch, tức là chưa đến 500 đồng/giao dịch.
"Tương tự, chi phí vận hành (bao gồm đầu tư và duy trì) của LiveBank chỉ bằng 20% so với một chi nhánh truyền thống. Ứng dụng công nghệ giúp gia tăng năng suất của AI Chatbot, dẫn đến giảm tải 30% cho lực lượng tổng đài trung tâm (Call Center), hay như công nghệ sinh trắc học nhận diện giọng nói (Voice Biometrics) đã giúp giảm 15% thời gian xử lý cuộc gọi...", ông Nam nói.
Ðối với an ninh bảo mật, theo đại diện TPBank, việc sử dụng xác thực đa phương thức đã giảm thiểu rủi ro lỗi sai sót từ con người nhờ công nghệ OCR, nhận dạng sinh trắc học, cùng với đó, cơ chế phát hiện và cảnh báo gian lận được tăng cường hơn.
Cùng đề cập đến lợi ích của công nghệ mang lại không chỉ cho ngân hàng, mà cả doanh nghiệp, bà Lê Thị Diễm Phương, Giám đốc Phát triển thẻ doanh nghiệp và phát triển đại lý, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa VPBank chia sẻ, hiện nay, thời gian thu hồi công nợ của doanh doanh nghiệp kéo dài 30 ngày, quá hạn tới 26 ngày; 92% doanh nghiệp xử lý đơn hàng theo phương thức thủ công, chi phí xử lý tiền mặt từ 4,7-15% tùy ngành nghề...
“Thực tế này đặt ra yêu cầu các ngân hàng phải đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp thanh toán nhanh chóng, thuận tiện hơn. Bởi vậy, sản phẩm BizPAY - B2B Payment được VPBank triển khai để giải quyết vấn đề này. Ðây là nền tảng thanh toán hiện đại lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, cho phép các khách hàng sử dụng có thể chủ động việc thanh toán và thu hộ, quản lý các dòng tiền ngay trên ứng dụng...”, bà Phương nói.
Trong xu thế phát triển công nghệ thông tin rất mạnh mẽ thời gian qua, theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, mỗi ngân hàng cần xác định ngân hàng số là một chiến lược, một mô hình kinh doanh, chứ không phải một dự án công nghệ đơn thuần. Ðể có thể tạo đột phá, ông Lực cho rằng, các ngân hàng cần xây dựng chiến lược ngân hàng số trong cả ngắn và dài hạn, với kế hoạch hành động chi tiết và thực thi nhất quán.
"Trong quá trình thực hiện, các ngân hàng cần lưu ý tới cam kết của ban lãnh đạo đối với chiến lược đã đặt ra; lấy khách hàng làm trung tâm, chú trọng hệ sinh thái - trải nghiệm cho khách hàng; xây dựng nhân sự số, gồm cả đội nhóm dự án và nhân sự phân tích dữ liệu; đầu tư phù hợp cho công nghệ thông tin song song với tăng cường kiểm soát rủi ro, an ninh mạng; phát triển văn hóa kinh doanh số (đổi mới, sáng tạo); xây dựng cơ sở dữ liệu lớn; có chiến lược hợp tác, chia sẻ phù hợp (kể cả thông tin, dữ liệu) với các đối tác công nghệ, công ty FinTech;) chủ động, tích cực hướng dẫn, tập huấn khách hàng; kiến nghị chính sách, khung pháp lý với cơ quan quản lý...", ông Lực nói.
Hồng Dung
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường