Ngân hàng siết nợ nhà máy điện gió nghìn tỷ
Agribank đang tìm tổ chức đấu giá khoản nợ 1.200 tỷ của chủ dự án điện gió Phong Điện 1 - Bình Thuận.
Tính đến 30/11, Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) phát sinh dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 730 tỷ và tiền lãi, lãi quá hạn, chậm nộp 460 tỷ đồng. Doanh nghiệp này còn phí bảo lãnh chưa trả ngân hàng gần 14 tỷ đồng.
Agribank đấu giá khoản nợ với giá khởi điểm 1.205 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là toàn bộ công trình xây dựng tại Nhà máy Phong điện 1 - Bình Thuận đặt tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Phong điện 1 - Bình Thuận là nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam, do REVN đầu tư với tổng vốn 2.000 tỷ đồng, gồm hai giai đoạn (80 tuabin). Dự án này đã hoàn thành ở giai đoạn 1, gồm 20 tuabin gió tổng công suất 30 MW, phát điện từ năm 2009. Tuy nhiên, dự án giai đoạn 2 không kịp hoàn thành phát điện trước hạn tháng 11/2021 để hưởng cơ chế giá ưu đãi (FIT).
Chủ tịch của REVN là ông Phạm Văn Minh, cũng là đại diện tại một số doanh nghiệp khác, gồm Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng - Kinh doanh đô thị.
Giữa tháng 6 năm nay, Agribank cũng đấu giá khoản nợ 1.650 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng - Kinh doanh đô thị, do ông Minh làm tổng giám đốc.
Giá trị ghi sổ đến tháng 4 của khoản nợ khoảng 1.410 tỷ đồng và hơn 10 triệu USD. Trong đó, nợ gốc hơn 500 tỷ đồng và 5,8 triệu USD, còn lại gần 900 tỷ và 4,3 triệu USD tiền lãi.
Toàn bộ tài sản thế chấp của khoản nợ này là toàn bộ tài sản gắn liền với đất đã và đang hình thành trong tương lai gồm công trình nhà máy, các tòa nhà, công trình xây dựng và mọi công trình khác tại hai thửa đất thuê đến 2058, tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Đây là thửa đất được dùng để xây dựng công trình turbine gió. Ngoài ra, khoản nợ này cũng được đảm bảo bằng toàn bộ dây chuyền máy móc thiết bị và các tài sản bảo đảm Nhà máy sản xuất turbine Việt Nam – Giai đoạn 1...
Điện gió từng là lĩnh vực tiềm năng "hút" vốn, nhưng những thay đổi chính sách với dự án không kịp vận hành thương mại trước hạn 11/2021 để hưởng giá ưu đãi trong 20 năm, khiến kết quả kinh doanh nhiều đơn vị ảm đạm.
REVN cũng là một trong nhiều doanh nghiệp không kịp hoàn thành dự án điện tái tạo trước hạn để hưởng giá ưu đãi.
Gần nhất, 23 nhà đầu tư có các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa kịp vận hành thương mại, từng kiến nghị Thủ tướng những bất cập trong cơ chế đàm phán giá với EVN theo khung giá của Bộ Công Thương. Họ cho rằng giá mua điện tạm thời thấp, không quá 50% giá trần khung giá mới sẽ khiến doanh nghiệp "chết lâm sàng".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận