Ngân hàng Nhà nước đề xuất hướng đi mới cho gói hỗ trợ lãi suất 2%
Gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ trong 2 năm 2022 - 2023 được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covd-19, song kỳ vọng đã thành thất vọng.
Ảnh minh hoạ.
Phương án được tính đến là đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện theo quy định.
Nội dung trên được Ngân hàng Nhà nước đã đề cập trong một báo cáo mới được gửi đến Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, phục vụ phiên thẩm tra của Uỷ ban vào sáng 26/4.
Là một nội dung trong chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại với quy mô 40.000 tỷ trong 2 năm 2022 - 2023 được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covd-19. Tuy nhiên, kỳ vọng đã biến thành thất vọng.
Ngày 20/5/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện Nghị định này. Nhiều doanh nghiệp rất mong chờ gói hỗ trợ này để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất, vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
Theo thông tin từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để tìm hiểu thực tế doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% này, VCCI đã đề nghị các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết: Liệu doanh nghiệp có biết tới gói hỗ trợ lãi suất này không? Doanh nghiệp hiện đã có khoản vay nào theo gói hỗ trợ này chưa? Doanh nghiệp đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục vay và cho biết cụ thể các khó khăn là gì.
Kết quả điều tra cho thấy, 29,5% doanh nghiệp có biết tới chương trình này song chỉ khoảng 2% doanh nghiệp cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của VCCI cho thấy, có tới 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%. Trong đó, khó đáp ứng điều kiện cho vay là rào cản chính đối với các doanh nghiệp, do tiêu chí “có khả năng phục hồi” (quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP) chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Tờ trình số 151/TTr-NHNN ngày 20/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng phản ánh thực tế từ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cho thấy dù nhiều doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng họ cũng không chắc chắn doanh nghiệp mình đáp ứng tiêu chí “có khả năng phục hồi.” Lý do là để có thể đáp ứng tiêu chí này thì nhiều chỉ số kinh doanh như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, triển vọng thị trường đều phải tích cực.
Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và áp lực lạm phát lớn thì việc đo lường các chỉ tiêu này và chứng minh đáp ứng được yêu cầu đủ để nhận hỗ trợ là một thách thức lớn.
Nhiều doanh nghiệp cũng e ngại phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp nhận hỗ trợ. Khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của VCCI đã xác nhận thực tế đó, khi có tới 74,8% doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Bên cạnh đó, cũng có 12,3% doanh nghiệp phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục, 5,6% doanh nghiệp cho biết thời hạn cho vay ngắn và 7,5% doanh nghiệp gặp những khó khăn khác trong quá trình thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Ở báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước thông tin, sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan, cơ quan này đã có Tờ trình số 29/TTr-NHNN ngày 20/3/2023 báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Trong đó Ngân hàng Nhà nước đề xuất chấp thuận dừng việc tiếp tục sửa đổi Nghị định 31/2022/NĐ-CP (do theo ý kiến các cơ quan thì cần xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này, khi đó thời gian triển khai còn lại không nhiều, mặt khác, trường hợp sửa tiêu chí này thì kết quả hỗ trợ lãi suất thực tế có thể vẫn thấp do phụ thuộc rất lớn vào tâm lý e ngại thanh, kiểm tra hỗ trợ lãi suất của khách hàng).
Đề xuất tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước là giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan căn cứ tình hình triển khai các nhiệm vụ chi của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc điều chuyển nguồn lực cho các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện (nếu có) theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin về kết quả hỗ trợ lãi suất và dự kiến khả năng hấp thụ chính sách tới cuối chương trình để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thông tin làm cơ sở xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện theo quy định.
Về kết quả thực hiện, báo cáo cập nhật đến cuối tháng 2/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 84.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 44.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt gần 256 tỷ đồng cho 1.784 khách hàng.
Căn cứ thực tế triển khai, các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và đánh giá khả năng giải ngân hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng thương mại đã dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đến hết năm 2023 đạt khoảng 2.570 tỷ đồng.
Trong đó, số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2022 là khoảng 135 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2023 là khoảng 2.435 tỷ đồng. Như vậy, số dự kiến không sử dụng hết của Chương trình là 37.430 tỷ đồng (năm 2022 là 15.900 tỷ đồng, năm 2023 là 21.530 tỷ đồng).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận