Ngân hàng ngừng "rót" vốn BĐS: Tác động đến tâm lý người dân, DN là rất lớn
Sáng nay (11/5), tại Tọa đàm "Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản – Chính sách và tác động" diễn ra tại Bộ Xây dựng, các chuyên gia, nhà quản lý đã phân tích chỉ ra những hạn chế cho vay bất động sản và tác động đến tâm lý của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Tránh đổ vỡ cả hệ thống
Bộ Xây dựng nhận định, các chính sách liên quan tới bất động sản có tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản. Hiện, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tốt; xuất hiện nhiều chủ đầu tư, dự án bất động sản mở bán hoặc lên kế hoạch mở bán trong thời gian ngắn; sự quan tâm và lượng giao dịch bất động sản tăng dần theo tháng và ở hầu hết các phân khúc của thị trường.
Hiện nay, Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.
Gần đây, một số ngân hàng cũng có động thái thông báo dừng cho vay bất động sản. Mặt khác, các kênh huy động vốn khác cho bất động sản như kênh trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã bộc lộ nhiều lỗ hổng bất cập cần điều chỉnh và hoàn thiện.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc kiểm soát là cần thiết, tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia lại có phản hồi về chính sách có thể có "tác động ngược". Dự báo, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục lâm vào tình trạng khó khăn nếu không tiếp cận được nguồn vốn để hoạt động.
Giá nhà đất có thể leo thang và cơ hội tiếp cận với nhà ở của người dân sẽ giảm. Vì vậy, một số doanh nghiệp đề xuất kiến nghị việc kiểm soát nguồn vốn nên có lộ trình, có rà soát đối với dự án đủ điều kiện pháp lý, đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm: "Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tránh nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống".
Theo ông Kiên, một vấn đề đặt ra hiện nay, đó là thu nhập của công nhân, đại đa số người lao động có đủ mua nhà ở không?
Như vậy, chính sách của Chính phủ phải phổ cập tới số đông. Khi nói chính quyền, tức là nói đến Nhà nước, bao gồm cả Quốc hội và Chính phủ phải có một hệ thống nhà ở cho thuê thuộc sở hữu Nhà nước và đây là các công ty cung ứng dịch vụ công 100% vốn Nhà nước.
"Giá cho thuê nhà phải tương ứng với thu nhập của người lao động. Thị trường bất động sản phải liên kết với thị trường lao động thì mới có thể đáp ứng được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", ông Kiên nêu rõ.
Đối với thị trường bất động sản hiện nay, ông Kiên cho hay: "Ở góc độ vĩ mô, chúng tôi nhận thấy việc bơm tín dụng ra thị trường trong 4 tháng đầu năm 2022 cao hơn cùng kỳ các năm 2020 và 2021, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước".
"Cộng thêm với áp lực lạm phát do nhập khẩu và một số lĩnh vực trong nước, dự báo sẽ tác động gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong thị trường bất động sản về khả năng thanh khoản và mua, bán", ông Kiên nói về lạm phát.
Về phát triển đô thị các khu đô thị và bất động sản, ông Kiên cho rằng: "Cần đáp ứng được một số yêu cầu. Đầu tiên là phải bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa của các khu phố cũ, bên cạnh là việc hình thành 4 loại hình trong bất động sản".
Cụ thể, là khu đô thị cũ, các chung cư, các khu đô thị được xây dựng từ thời đổi mới kinh tế và các khu đô thị mới để phục vụ công nghiệp hóa; thứ ba là hình thành các khu đô thị từ nguốn vốn FDI và các nhà đầu tư mới; thứ tư là các đô thị ven đô bị xâm lấn, đây là một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong quá trình phát triển đô thị hiện nay ở Việt Nam.
Muốn được nghe các doanh nghiệp
Ông Kiên bày tỏ mong muốn nếu có thể được, các doanh nghiệp cho biết cụ thể hơn về các hợp đồng tín dụng ký với các tổ chức tín dụng và đến bây giờ thì họ dừng cấp tín dụng để hoàn thành các khu nhà ở.
Muốn tư vấn được thì các doanh nghiệp phải có thông tin chính xác, đa chiều. Nếu chỉ có thông tin một chiều cho rằng, hợp đồng ký rồi, tôi làm 2 năm rồi, nhưng bây giờ Ngân hàng lại dừng cấp vốn theo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo về hạn chế cấp vốn trong bất động sản, như vậy thì các doanh nghiệp rất khó khăn.
"Chúng tôi cũng muốn được nghe các doanh nghiệp trao đổi thêm để tháo gỡ khó khăn, từ đó có căn cứ báo cáo Thủ tướng làm việc với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống Ngân hàng thương mại gỡ rối", ông Kiên bày tỏ.
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: "Có thể thấy, thị trường bất động sản có những đóng góp hết sức quan trọng trong nền kinh tế, liên quan mật thiết đến các ngành nghề kinh tế lớn như du lịch, tài chính, xây dựng…, có sức lan tỏa đến trên 30 ngành nghề".
Thị trường bất động sản liên quan mật thiết và có ảnh hưởng qua lại đến các thị trường vốn như thị trường tín dụng, chứng khoán, trái phiếu, thu hồi vốn đầu tư nước ngoài…
Cùng với đó là sự phát triển của thị trường vốn sẽ góp phần phát triển thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh sẽ đảm bảo sự ổn định, an toàn cho thị trường vốn. Do đó, việc kiểm soát nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản là giải pháp vô cùng quan trọng trong số những giải pháp giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Để tháo gỡ khó khăn về dòng vốn "rót" vào thị trường bất động sản, ông Dũng mong muốn được lắng nghe các chuyên gia, Viện nghiên cứu, đại diện cơ quan Ban ngành, doanh nghiệp đề xuất ý kiến, giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn đinh, bền vững. Từ đó, Bộ Xây dựng có báo cáo để tham vấn, báo cáo, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận