Ngân hàng lớn tăng lãi suất tiết kiệm: Nhiều dự báo "nóng"
Cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng vẫn chưa hết 'nóng' khi số lượng các ngân hàng gia nhập vẫn có chiều hướng tăng.
Vẫn "nóng" cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm, một ông lớn vừa nhập cuộc
Mới nhất, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo điều chỉnh biểu lãi suất huy động kể từ 15/4 tại nhiều kỳ hạn dành cho khách hàng cá nhân với mức tăng từ 0,2 điểm % đến 0,8 điểm %.
Sau khi điều chỉnh, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VPBank được niêm yết tại mức 6,9%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm online từ 50 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn 36 tháng.
Tại quầy, lãi suất tiết kiệm cao nhất được niêm yết thấp hơn 0,2 điểm % so với hình thức online. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy theo hình thức thông thường và lĩnh lãi cuối kỳ, lãi suất tiết kiệm cao nhất là 6,7% tại kỳ hạn 36 tháng. Tuy nhiên, điều kiện kèm theo đó là các khoản tiền gửi phải trên 50 tỷ đồng.
Trước đó, một ngân hàng lớn khác là Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cũng đã tăng lãi suất trong tháng 4/2022 với mức tăng phổ biến là 0,2 điểm % tại nhiều kỳ hạn.
Hiện, lãi suất tiết kiệm cao nhất của MB là 6,9%/năm được áp dụng cho tiền gửi ở kỳ hạn 24 tháng đối với hình thức trả lãi sau.
Trước đó, biểu lãi suất tiết kiệm tại NamABank được cộng thêm 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn kể từ 1/4. Tiêu biểu, tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của NamABank tăng 0,3 điểm % lên 6,5%/năm hay như tại kỳ hạn 9 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng 0,1 điểm %; 8 tháng tăng 0,2 điểm %.
Techcombank và VietCapitalBank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1 điểm % - 0,3 điểm %.
Đáng chú ý, sau điều chỉnh, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Techcombank hiện tại duy trì ở mức 7,8%/năm. Tuy nhiên, để áp dụng mức lãi suất này khách hàng phải gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và sử dụng thêm sản phẩm Bảo hiểm tại Techcombank.
Theo quan sát, trong tháng 3, hàng loạt ngân hàng như BacABank, MSB, OCB, VietBank, SHB, NCB,…cũng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi và đa số theo xu hướng tăng, mức điều chỉnh phổ biến là 0,1-0,3%/năm.
Dự báo "nóng" về lãi suất tiết kiệm và lãi suất liên ngân hàng
Trong báo cáo vĩ mô mới phát hành, các chuyên gia phân tích tại VnDirect cho biết lãi suất liên ngân hàng đã giảm trong tháng 3 sau khi tăng trong hai tháng đầu năm.
Nhóm phân tích dẫn số liệu của Bloomberg cho thấy, tính đến ngày 31/3, lãi suất qua đêm ở mức 1,9%/năm, giảm 0,43 điểm % so với mức cuối tháng 2, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần đến 1 năm giảm 0,05 - 0,34 điểm % so với cuối tháng 2/2022.
Về lãi suất tiết kiệm, VnDirect cho rằng lãi suất tiết kiệm khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử trong năm 2022.
Nguyên nhân, nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc trong bối cảnh áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay. Bên cạnh đó, kênh tiết kiệm ngân hàng cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.
Tính đến ngày 28/3/2022, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh không đổi so với mức cuối năm 2021; trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lần lượt tăng 0,07 và 0,08 điểm % so với mức cuối năm 2021.
VnDirect kỳ vọng lãi suất tiết kiệm sẽ tăng nhẹ 0,3 – 0,5 điểm % vào năm 2022. Trong đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 5,9- 6,1%/năm vào cuối năm 2022 (hiện là 5,6%/năm). Tuy nhiên, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.
Báo cáo từ Phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Everest (EVS) cũng cho thấy lãi suất huy động đã nhích lên đáng kể so với mặt bằng chung năm 2021 với mức trung bình từ 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng; từ 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 13-24 tháng.
Ở chiều ngược lại, lãi suất cho vay bằng VND đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ phổ biến từ 7,8-9,2%/năm; trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên là 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định là 4,5%/năm.
Dù vậy, EVS nhận định vẫn còn khoảng cách lớn giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động trong thời gian qua. Kết hợp với áp lực về thanh khoản do yếu tố mùa vụ Tết Nguyên đán đã khiến lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh lên mức 2,08% vào thời điểm cuối quý I/2022. Ngân hàng Nhà nước thực hiện hỗ trợ thanh khoản kịp thời với tổng lượng tiền bơm ra đỉnh điểm lên tới gần 16.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà Nước tiếp tục nối dài hoạt động chào mua ngoại tệ, dự kiến sẽ mua thêm 150 triệu USD từ các ngân hàng thương mại, tương đương với 3.400 tỷ đồng.
Tính đến hết quý I/2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tín dụng tăng trưởng ở mức 5,04%, mức tăng có thể nói là ấn tượng so với mấy năm vừa qua và gấp 4 lần mức tăng hồi quý I/2021.
Con số này phản ánh nhu cầu về vốn đang tăng mạnh trở lại để phục vụ sản xuất kinh doanh sau thời gian dài đình trệ vì dịch bệnh. Đồng thời cũng lý giải phần nào cho áp lực thanh khoản kể trên, đẩy lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động liên tiếp nhích tăng.
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng chỉ ra rằng, chỉ trong khoảng 10 ngày cuối tháng 3, dư nợ tín dụng đã tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm (từ mức 4,03% tính tới ngày 21/3/2022).
Mức tăng 5,04% tới cuối tháng 3 cũng là mức tăng mạnh nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.
"Sự mở cửa ổn định của nền kinh tế sau các tháng phong tỏa của năm 2021 nhờ tiêm phủ vaccine đã giúp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục trở lại. Sự hồi phục này cũng kéo theo nhu cầu về vốn cao hơn, làm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng trong thời gian qua, qua đó khiến cho mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn giai đoạn 2 năm 2020-2021", BVSC nhấn mạnh.
Thực tế trong tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần có chung diễn biến tăng, lần lượt ở mức 0,01%; 0,03% và 0,07% lên mức 2,12%; 2,27% và 2,52%/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận