Ngân hàng lãi đậm mảng chứng khoán đầu tư
Trong bối cảnh vốn đầu ra cho vay trì trệ, các ngân hàng đẩy mạnh nguồn vốn qua các kênh đầu tư khác nhằm tối ưu hóa lượng vốn dư thừa; trong đó, chứng khoán đầu tư là một cấu phần quan trọng.
3/4 quãng đường năm 2021 đã đi qua, các ngân hàng lần lượt công bố kết quả kinh doanh, ít nhiều bị ảnh hưởng bởi “cơn bão” COVID-19.
Trong khi mảng tín dụng của nhiều nhà băng có dấu hiệu bị co hẹp lại nhất định do ảnh hưởng của đại dịch thì lợi nhuận của nhiều thành viên lại được bù đắp bởi các hoạt động kinh doanh phi tín dụng, trong đó nổi bật là mảng chứng khoán đầu tư.
TPBank là một ví dụ. Chỉ tính riêng quý 3, mảng mua bán chứng khoán đầu tư mang về cho ngân hàng khoản lãi 913 tỷ đồng, gấp tới 11,1 lần so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 24,9% tổng thu nhập hoạt động của nhà băng, trong khi cùng kỳ năm trước, tỷ trọng này chỉ là 3,7%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận mảng này đạt 1.462 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ, đóng góp 14,8% vào tổng thu nhập hoạt động.
Đến cuối tháng 9/2021, tổng giá trị chứng khoán đầu tư của TPBank ở mức 53.854 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm, trong đó, trái phiếu do các TCTD khác phát hành chiếm tỷ trọng tới 41%, trái phiếu Chính phủ chiếm 33,8%, còn lại là trái phiếu doanh nghiệp.
BacABank cũng là ngân hàng ghi nhận sự bùng nổ lợi nhuận từ chứng khoán đầu tư trong quý qua khi đạt 94 tỷ đồng, tăng tới gần 12 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận mảng này đạt 124 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Dù tỷ trọng của mảng chứng khoán đầu tư trong tổng thu nhập của ngân hàng còn khá khiêm tốn (7,2%) nhưng cũng cho thấy những tín hiệu khả quan.
Tương tự, ngân hàng OCB cũng ghi nhận tăng trưởng lãi từ chứng khoán đầu tư tới gần 6 lần trong quý 3 vừa qua, từ 78 tỷ đồng lên 463 tỷ đồng, chiếm 23,2% tổng thu nhập hoạt động của nhà băng. Lũy kế 9 tháng, mảng chứng khoán đầu tư mang về cho OCB khoản lãi 1.222 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ.
Hiện, OCB có 43.784 tỷ đồng chứng khoán đầu tư, tăng 30,3% so với đầu năm, trong đó, trái phiếu Chính phủ chiếm tới 62,7%, trái phiếu do các TCTD khác phát hành chiếm tỷ trọng 34%, còn lại là trái phiếu doanh nghiệp.
LienVietPostBank cũng là ngân hàng ghi nhận sự khởi sắc trong mảng chứng khoán đầu tư khi đảo ngược từ vị thế lỗ 62 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2020 thành mức lãi 6 tỷ đồng trong năm nay.
VietABank cũng ghi nhận tăng trưởng lãi từ chứng khoán đầu tư tới 2,3 lần, đạt 54 tỷ đồng; Techcombank tăng 50%, đạt 306 tỷ đồng,…
Như trên, dưới tác động kéo dài của đại dịch, hoạt động cho vay của các ngân hàng trong những tháng đầu năm nay khá chậm, với tăng trưởng tín dụng của toàn ngành cập nhật gần nhất đến 7/10 chỉ đạt 7,42%.
Trong bối cảnh vốn đầu ra cho vay trì trệ, các ngân hàng đẩy mạnh chuyển nguồn vốn qua các kênh đầu tư khác nhằm tối ưu hóa lượng vốn dư thừa, trong đó, chứng khoán đầu tư là một cấu phần quan trọng.
Cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng bao gồm các loại giấy tờ có giá, trong đó chủ yếu là chứng khoán nợ bao gồm trái phiếu, tín phiếu, và các công cụ phái sinh có rủi ro thấp.
Trái phiếu thường là loại giấy tờ có giá trị lớn trong danh mục chứng khoán đầu tư của các ngân hàng, được phát hành bởi Chính phủ, doanh nghiệp hay các tổ chức tín dụng.
Trong đó trái phiếu doanh nghiệp thường có lãi suất cao hơn, độ rủi ro cũng lớn hơn trong khi trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các TCTD lãi suất thấp, nhưng ngược lại, độ rủi ro cũng thấp hơn nhiều.
Và ở một khía cạnh khác, từ ngày 01/10/2021, quy định của Ngân hàng Nhà nước về hạ giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 40% xuống 37% có hiệu lực, nhiều NHTM dồn dập phát hành trái phiếu để cân đối yêu cầu này. Trong đó, hoạt động đan vốn, "bật tường vốn" giữa các thành viên cũng là một dòng chảy đáng chú ý.
Ngoài ra, việc đẩy vốn vào mua trái phiếu lẫn nhau còn có điểm thuận lợi khi trái phiếu của các TCTD không phải trích lập dự phòng như ở hoạt động tín dụng cho vay thông thường mà ảnh hưởng nhất định đến yếu tố chi phí vốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận