Ngân hàng kỳ vọng vào nguồn thu ngoài lãi
Sau khi sụt giảm trong 2 quý đầu năm vì dịch bệnh, nguồn thu ngoài lãi của nhiều ngân hàng đã tăng trở lại trong quý III và kỳ vọng sẽ bật mạnh ở quý IV/2020, đóng góp tích cực vào lợi nhuận.
Thu từ dịch vụ tăng trở lại
Nhìn vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 3 quý đầu năm nay của phần lớn ngân hàng đều thấy, tỷ trọng thu nhập lãi thuần đang có xu hướng giảm dần trong tổng nguồn thu, trong khi thu nhập từ các mảng hoạt động khác như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, đầu tư chứng khoán… tăng tốt trở lại.
Đơn cử, tại TPBank, thu nhập lãi thuần quý III/2020 đã tăng 18% so với cùng kỳ 2019, đạt hơn 1.708 tỷ đồng, trong đó lãi thuần từ dịch vụ tăng 81% lên hơn 493 tỷ đồng. Trong quý trước đó, TPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 25%, nhưng lãi thuần từ dịch vụ và mua bán chứng khoán đầu tư giảm lần lượt 41% và 7% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập từ dịch vụ của TPBank tăng 7% (ghi nhập trên 800 tỷ đồng), đóng góp vào tổng 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Tương tự, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 9 tháng đầu năm 2020 của HDBank tăng 71,9%. LienVietPostBank có lãi thuần từ mảng dịch vụ tăng 79% (đạt 357 tỷ đồng), lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 36,29% (đạt hơn 64 tỷ đồng) sau 9 tháng. Nam A Bank có thu thuần từ dịch vụ tăng 38% trong 9 tháng đầu năm (đạt 26,1 tỷ đồng), thu thuần kinh doanh ngoại hối tăng 93% (đạt 14,1 tỷ đồng)...
Tại Techcombank, thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm 2020 đạt 13.300 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 3.100 tỷ đồng, tăng 65,1% và chiếm 16,2% tổng doanh thu (cao hơn mức 13,1% của cùng kỳ) nhờ sự đóng góp mạnh mẽ của hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu. Kết quả, Techcombank đạt 19.300 tỷ đồng doanh thu và 10.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 3 quý đầu năm; tăng lần lượt 33,5% và 20,9%.
Tổng giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner nhìn nhận, tác động của Covid-19 đã qua đỉnh điểm, các động lực cho tăng trưởng dài hạn vẫn được duy trì ổn định và Ngân hàng tiếp tục tập trung thực hiện nhất quán chiến lược đầu tư vào số hóa để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng nguồn thu ngoài lãi.
Thực tế, không chỉ tại các ngân hàng tư nhân, nguồn thu ngoài lãi cũng tăng mạnh ở các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Cụ thể, tại VietinBank, nguồn thu ngoài lãi 9 tháng đầu năm nay tăng cao nhờ kinh doanh ngoại hối tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.514 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 5,6% lên 3.218 tỷ đồng… Tính chung, thu ngoài lãi của VietinBank chiếm tỷ trọng hơn 21% tổng thu nhập hoạt động, trong đó nguồn thu từ mảng dịch vụ đóng góp tích cực vào 10.364 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 9 tháng của VietinBank.
Tương tự, BIDV ghi nhận lãi thuần từ dịch vụ đạt gần 3.667 tỷ đồng, tăng 21%; hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 1.254 tỷ đồng, tăng 16,4%. Hay tại Vietcombank, trong khi nguồn thu nhập chính là thu nhập lãi thuần giảm nhẹ 0,4% với 25.835 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm, thì lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh chứng khoán lần lượt tăng 3,4% và 16,8% lên tương ứng 3.540 tỷ đồng và 2.963 tỷ đồng.
TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư Dragon Capital cho rằng, nhờ đại dịch được kiểm soát, hoạt động tín dụng đang dần cải thiện, kéo theo nguồn thu ngoài lãi tăng. Đồng thời, xu hướng dịch chuyển nguồn thu từ hoạt động tín dụng sang các hoạt động phi tín dụng ngày một rõ ràng hơn. Theo đó, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ khả quan trong năm nay cũng như năm tới.
Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm vì đại dịch Covid-19, tầm quan trọng của các mảng phi tín dụng càng rõ nét. Hơn nữa, tăng thu từ dịch vụ nằm trong chiến lược kinh doanh của các ngân hàng để giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng, giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi nhuận bền vững.
Chiến lược phát triển ngành ngân hàng tới năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ trọng thu nhập từ phí dịch vụ đạt khoảng 12-13% và đến cuối năm 2025 tăng lên 16-17% trong tổng doanh thu của các ngân hàng.
Tuy nhiên, để tăng dần tỷ lệ thu nhập từ phí dịch vụ, đòi hỏi các sản phẩm - dịch vụ ngân hàng phải cải tiến, nâng cấp. Đó cũng là lý do các ngân hàng đang tận dụng tối đa các thành tựu của công nghệ trong việc nghiên cứu phát triển và cung ứng dịch vụ cho khách hàng trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho rằng, chuyển đổi số nhanh sẽ mang lại những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn hơn với khách hàng, giúp các nhà băng đi trước có được lợi thế trong cạnh tranh. Chiến lược chuyển đổi số cũng góp phần giúp các ngân hàng hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng tiên phong về công nghệ, tạo ra làn sóng số hóa hoạt động tài chính, tăng nguồn thu ngoài lãi. Vì vậy, trong những năm tới, số hóa sẽ vẫn là chiến lược mũi nhọn của Nam A Bank.
Bên cạnh chuyển đổi số, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng - bancassurance cũng được kỳ vọng đem lại nguồn thu lớn cho các ngân hàng trong thời gian tới thông qua các hợp đồng độc quyền.
Ngày 18/11 vừa qua, ACB và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam chính thức ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm trong 15 năm. Đây là hợp tác độc quyền bán chéo bảo hiểm đầu tiên của ACB. Trước đó, ACB là đối tác toàn diện của 3 hãng bảo hiểm gồm AIA, Manulife và FWD.
Trong báo cáo cập nhật giữa tháng 11/2020, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, ACB đã leo lên vị trí thứ ba về thị phần phân phối bảo hiểm nhân thọ sau 9 tháng đầu năm nay. Cuối năm ngoái, ACB đứng thứ năm với 6,1% thị phần. Theo BVSC, việc cải thiện kết quả kinh doanh mảng bancassurance giúp ACB tăng năng lực thương thảo với đối tác. BVSC tính toán, ACB kiếm được khoảng 90 triệu USD từ thương vụ hợp tác độc quyền này và còn có thêm nguồn thu nhập ổn định sau này.
Còn SSI Research dự phóng, lợi nhuận sau thuế ACB năm 2020 và 2021 lần lượt đạt 8.200 tỷ đồng (cao hơn mục tiêu đưa ra năm nay là 7.636 tỷ đồng) và 9.500 tỷ đồng, tăng tương ứng 9,2% và 15,5% so với các năm liền trước (chưa bao gồm khoản phí trả trước của thỏa thuận độc quyền bancassurance).
Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, ACB đạt 6.411 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong đó, nguồn thu từ lãi thuần tăng 16%, nhưng thu từ dịch vụ giảm 9%.
Theo số liệu từ Bloomberg về 2 thương vụ bancassurance độc quyền giữa Vietcombank - FWD và TPBank - Sun Life, mức phí trả trước mà FWD công bố trả cho Vietcombank là khoảng 400 triệu USD cho 15 năm hợp tác. Còn TPBank nhận được khoảng 75,3 triệu USD từ thương vụ của mình.
Đánh giá được đưa ra từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Covid-19 khiến thu nhập dịch vụ ngân hàng nửa đầu năm tăng chậm, thậm chí còn thu hẹp. Tuy vậy, mảng dịch vụ của các ngân hàng vẫn có tiềm năng tăng trưởng lớn trong dài hạn. Trong đó, thu nhập phí thanh toán và phí thẻ được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng do xu hướng khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt và định hướng của các ngân hàng tập trung vào mảng bán lẻ, đầu tư vào chuyển đổi số. Còn phí bancassurance dự kiến sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng nhờ xu hướng gia tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm và tỷ trọng kênh bancassurance trong tổng thu nhập phí bảo hiểm tăng dần (đặc biệt là mảng nhân thọ).
Theo VDSC, các ngân hàng Techcombank, VIB, Sacombank, ACB, VPBank và MB sẽ dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trong ngành. Trong đó, Vietcombank và ACB được kỳ vọng sẽ mở rộng mạnh mẽ thị phần phân phối bancassurance nhờ các thỏa thuận hợp tác bảo hiểm mới ký kết, bên cạnh lợi thế từ tệp khách hàng lớn và trung thành. Cơ cấu thu phí dịch vụ cũng được kỳ vọng sẽ đa dạng hơn bởi các dịch vụ bảo lãnh, trái phiếu và môi giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận