Ngân hàng chia khó với doanh nghiệp giữa vòng xoáy COVID-19
Nhiều ngân hàng (NH) thương mại vừa đồng loạt giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) và người dân bị thiệt hại nặng do virus corona, trong đó lĩnh vực nông nghiệp được nhiều NH hỗ trợ mạnh mẽ nhất.
Hơn 1,3 tấn dưa hấu được công đoàn phòng đối ngoại và quản lý khoa học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM mua và tặng cán bộ giảng viên để chia sẻ khó khăn cùng nông dân tỉnh Gia Lai vì dịch COVID-19 - Ảnh: N.THỊNH
Tuy nhiên, theo các NH, để có giải pháp hỗ trợ tổng thể và bài bản từ địa phương cũng như Chính phủ, cần có đánh giá mức thiệt hại và đề xuất giải pháp tháo gỡ cho từng ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Hạ lãi suất, không tính phạt
Ông Nguyễn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc Vietcombank - cho biết ngay từ khi phát sinh dịch bệnh này, NH này đã có phân tích, rà soát, đánh giá dòng tiền đối với các khách hàng bị ảnh hưởng để có giải pháp hỗ trợ, gồm các DN, cá nhân sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực vận tải kho bãi, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; thực phẩm và đồ uống có cồn; xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày...
Theo đó, từ nay đến hết ngày 30-4, NH này giảm lãi suất VND 1-1,5%/năm và ngoại tệ 0,5-0,75%/năm, tùy theo kỳ hạn. Với các khoản vay mới, NH cũng giảm 1%/năm lãi suất với VND và 0,5%/năm với USD. Vietcombank ước tính quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỉ đồng, dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn, số tiền giảm lãi suất mà Vietcombank chia sẻ với DN ước 300 - 450 tỉ đồng.
Nếu tính cả số tiền lãi được giảm mà khách hàng cá nhân đang vay, tổng số tiền hỗ trợ sẽ lớn hơn. "Tuy nhiên, Vietcombank không tính toán phần thiệt hại, giảm lãi là bao nhiêu mà điều quan trọng là NH có giải pháp, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng vượt qua khó khăn" - ông Tùng nói. Đồng thời cho biết NH này sẽ cơ cấu lại nợ, giãn nợ và không tính lãi phạt khi khách hàng chưa có nguồn trả nợ do ảnh hưởng của Covid-19.
Một loạt NH khác như Eximbank, Agribank, VPBank... cũng đã có giải pháp hỗ trợ khách hàng đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Eximbank dành 4.000 tỉ đồng cho các DN vừa và nhỏ vay ưu đãi với lãi suất từ 6,99%/năm (cố định trong suốt thời hạn vay đối với một số kỳ hạn vay ngắn hạn). Thời gian tới, NH này sẽ triển khai gói lãi suất cho vay ưu đãi khoảng 3.000 tỉ đồng với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm các DN lớn.
Ngoài việc giãn nợ, không tính lãi phạt..., NH Bản Việt cho biết sẽ giảm lãi suất vay ngắn hạn 1%/năm, khoản vay trung dài hạn giảm 1,5%/năm cho khách hàng đang vay vốn bị thiệt hại do dịch bệnh. VPBank cũng giảm lãi suất 1-1,5%/năm với các khoản vay. NH Nam Á triển khai chương trình "Chung sức khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch corona". NH SCB miễn phí thường niên dịch vụ eBanking cho cá nhân nhằm khuyến khích khách hàng thực hiện giao dịch online khi dịch còn diễn biến phức tạp...
Phải tính được thiệt hại cụ thể
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Hùng - vụ trưởng Vụ tín dụng ngành kinh tế, NH Nhà nước - cho rằng với ngành nông nghiệp, nông dân bị thiệt hại là rất rõ khi thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc tạm thời dừng nhập hàng do phải phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Giá dưa hấu, thanh long... bị sụt giảm, chưa tìm được đầu ra dù đang mùa thu hoạch. Nhưng mức thiệt hại cụ thể đến nay các địa phương và ngành nông nghiệp phải đánh giá để đề xuất Chính phủ có mức hỗ trợ, giải pháp cụ thể.
"Nghị định 55 và 116 quy định rất rõ về chính sách hỗ trợ vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh xảy ra, khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ được xem xét cơ cấu nợ, giảm lãi, khoanh nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Nguồn hỗ trợ trước hết là phải dùng vốn ngân sách của địa phương, trong trường hợp địa phương khó khăn, hết nguồn thì sẽ dùng nguồn vốn của Chính phủ để hỗ trợ khách vay" - ông Hùng nói.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, mức thiệt hại của bà con, của DN khu vực nông thôn phải có đánh giá cụ thể. Trên cơ sở đó, NH Nhà nước sẽ có đề xuất Chính phủ để dùng vốn ngân sách khoanh nợ.
Khẳng định không chỉ lĩnh vực nông nghiệp mà nhiều lĩnh vực khác như du lịch, vận tải... cũng bị "vạ lây" từ dịch bệnh thời gian qua, ông Hùng cho rằng cũng cần có giải pháp hỗ trợ. Dù vậy, không thể chỉ mình ngành NH với hỗ trợ về vốn mà cần có sự chung tay của các ngành với giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân vay vốn bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Cần giãn nợ, giảm thuế...
Khảo sát nhanh của hiệp hội với các DN cho thấy sức mua tại thị trường nội địa đã giảm đến 50% so với cùng kỳ năm trước. Còn đơn hàng xuất khẩu "mắc kẹt" do một số nguyên liệu sản xuất trong ngành nhựa cũng phụ thuộc Trung Quốc, đặc biệt là một số loại phụ gia, màu, màng lót, hạt nhựa, nhựa bán thành phẩm. Tác động của việc suy giảm tiêu thụ đang gây khó khăn và tạo áp lực rất lớn lên hầu hết các DN vì đơn đặt hàng mới rất ít, kéo theo doanh thu sụt giảm không dưới 20-30%.
Do đó, chúng tôi rất mong Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ các DN bằng cách giãn nợ cho các khoản vay cho đến khi dịch bệnh được công bố chấm dứt, thị trường hồi phục. Các NH xem xét giảm lãi suất cho các khoản vay, đặc biệt là các khoản vay đầu tư xây dựng máy móc nhà xưởng, phát triển sản phẩm mới... Các sắc thuế như thuế TNDN, thuế VAT cũng cần được xem xét, cân nhắc theo hướng giảm so với mức áp dụng hiện nay.
Giảm 3% lãi suất cho vay trồng dưa hấu, thanh long...
Thông tin từ Kienlongbank cho biết NH này sẽ giảm lãi suất 3%/năm đối với các khách hàng đang vay vốn với mục đích trồng thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối..., áp dụng từ nay đến hết ngày 30-4.
Theo NH này, việc áp dụng giảm mạnh lãi suất này nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, NH này còn miễn tiền phạt quá hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận