Nga, Ukraine công bố đề xuất thay thế thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen
Cả Nga và Ukraine hôm qua (22/7) đều đưa ra giải pháp để cứu vãn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen, sau khi Nga rút không tham gia thỏa thuân. Tuy nhiên, đề xuất của cả hai bên đều chưa nhận được sự đồng thuận của nhau và của các bên liên quan.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 22/7 đưa ra kế hoạch riêng về việc triển khai thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc mà không cần Nga tham gia. Theo đó, ông Zelensky đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia hộ tống các tàu chở ngũ cốc tại Biển Đen. Ông cũng yêu cầu Hội đồng Ukraine - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp thảo luận về an ninh ở khu vực Biển Đen và sự tham gia của NATO trong việc mở hành lang cho việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.
"Chúng tôi đã thảo luận với ông Stoltenberg về các bước đi của chúng tôi nhằm giải tỏa và đảm bảo hoạt động hành lang ngũ cốc bền vững. Trong sự hợp tác của chúng tôi, chúng tôi đã chuyển sang một cấp độ mới, tiên tiến hơn, Hội đồng NATO-Ukraine. Và cơ chế này có thể hoạt động. Tôi đã gửi đề xuất triệu tập ngay một cuộc họp hội đồng như vậy để tham vấn về khủng hoảng có liên quan. Cuộc họp sẽ diễn ra trong những ngày tới. Chúng ta có thể vượt qua cuộc khủng hoảng an ninh ở Biển Đen."
Tuy nhiên, yêu cầu này của phía Ukraine đã vấp phải phản ứng của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nhấn mạnh: "Ukraine đang cố gắng đưa ra một giải pháp thay thế nhưng với tư cách là một quốc gia trung gian, chúng tôi nghĩ rằng Nga phải được đưa trở lại bàn đàm phán. Bất kỳ giải pháp nào khác ngoài giải pháp này đều có khả năng mang lại rủi ro về mặt an ninh. Và trong các cuộc thảo luận của chúng tôi với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres, chúng tôi đã nhất trí về ý tưởng này."
Về phía Nga, bình luận về kế hoạch của Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin đã nói rằng để Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống tàu chở ngũ cốc qua Biển Đen không phải là phương án khả thi mà là lựa chọn nguy hiểm. Ông nhấn mạnh việc Nga có quay lại thỏa thuận ngũ cốc hay không là tùy thuộc vào các đối tác nước ngoài. Cùng ngày, để giải quyết những quan ngại của cộng đồng về việc Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm qua cho biết nước này sẽ tìm những phương án thay thế để tiếp tục xuất khẩu nông sản và phân bón, hỗ trợ những nước có nhu cầu. Tờ Financial Times dẫn nguồn tin tiết lộ Nga đã đề xuất bán ngũ cốc cho Qatar để nước này vận chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi phân phối lại cho các nước châu Phi. Tuy nhiên, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đều không đồng ý với kế hoạch này vì một số lý do.
Dưới sự trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine đã đạt thỏa thuận hồi tháng 7/2022 trong việc xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine ở Biển Đen, giúp hạ nhiệt cơn sốt giá lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, thỏa thuận hết hiệu lực vào đầu tuần này sau khi Nga thông báo không gia hạn. Một trong những lý do khiến Nga quyết định không gia hạn thỏa thuận là vì những rào cản đối với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của chính nước này. Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức Nga tuyên bố chỉ tái gia hạn thỏa thuận nếu như những điều kiện của Nga được đáp ứng.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, trong vòng 1 năm qua, sáng kiến Biển Đen đã giúp xuất khẩu gần 33 triệu tấn ngũ cốc từ các cảng của Ukraine đến nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Phi. Trong cuộc họp hôm qua, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề nhân đạo Martin Griffiths đã cảnh báo hàng triệu người có nguy cơ bị đói nếu thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga và Ukraine, không được gia hạn, qua đó đẩy giá lương thực toàn cầu tăng mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường