Nga tịch thu gần 440 triệu USD của ngân hàng lớn nhất Mỹ
Tòa án yêu cầu tịch thu số tiền trên từ tài khoản cũng như “các tài sản cố định và không cố định” của JPMorgan Chase ở Nga...
Một tòa án của Nga vừa ra phán quyết tịch thu số tiền 439,5 triệu USD từ ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase. Đây là phán quyết đứng về phía ngân hàng quốc doanh Nga VTB, sau khi nhà băng này bị JPMorgan đóng băng tài khoản tại Mỹ để thực thi biện pháp trừng phạt của Chính phủ Mỹ đối với Moscow sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra năm 2022.
Theo tờ báo Financial Times dẫn phán quyết từ toà án Nga ngày 24/4 cho biết tòa yêu cầu tịch thu số tiền trên từ tài khoản cũng như “các tài sản cố định và không cố định” của JPMorgan ở Nga, bao gồm cổ phần tại chi nhánh Nga.
Tuần trước, VTB đâm đơn kiện lên tòa án trọng tài tại St. Petersburg nhằm lấy lại toàn bộ số tiền đã bị đóng băng trong tài khoản tại Mỹ. Động thái này diễn ra sau khi JPMorgan thông báo có kế hoạch rút khỏi thị trường Nga.
Phiên tòa phúc thẩm tiếp theo với vụ án này dự kiến diễn ra vào ngày 17/7 tới.
Phán quyết trên là trường hợp mới nhất mà các ngân hàng Mỹ bị mắc kẹt giữa lợi ích kinh doanh ở nước ngoài và các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga. JPMorgan là ngân hàng lớn nhất tại Mỹ tính theo giá trị tài sản.
Trong vòng hai năm sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt chưa có tiền lệ nhằm vào Nga, bao gồm cùng các nước đồng minh áp trần giá dầu Nga cũng như hạn chế thương mại nhằm làm suy giảm nguồn thu phục vụ quân sự của Moscow.
Ngày 24/4, ông Biden ký một đạo luật hỗ trợ nước ngoài quy mô lớn, trong đó trao quyền cho các quan chức Mỹ xác định và tịch thu tài sản của các cá nhân, tổ chức Nga ở Mỹ. Đạo luật này cũng giúp tăng cường nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục các đồng minh châu Âu sử dụng tài sản đã tịch thu của Nga để hỗ trợ Ukraine.
Trở lại vụ việc trên, tuần trước JPMorgan cũng khởi kiện VTB lên một tòa án ở New York nhằm ngăn chặn nỗ lực kiện tụng của ngân hàng Nga và cho biết luật pháp Mỹ không cho phép họ giải phóng số tiền 439,5 triệu USD đã đóng băng của VTB. JPMorgan nhấn mạnh đang đối mặt “sự tổn hại không thể bù đắp được” do hành động của VTB.
Trước đó, khi JPMorgan và một ngân hàng Mỹ khác là Goldman Sachs thông báo ý định đóng của hoạt động ở Nga, nhiều chuyên gia cảnh báo việc này có thể kéo hành hơn một năm. Một số ngân hàng phương Tây khác, bao gồm Citigroup của Mỹ, UniCredit của Italy và Raiffeisen của Áo, hiện vẫn hoạt động Nga.
Năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một sắc lệnh theo đó các doanh nghiệp quốc tế muốn rời khỏi Nga cần nhận được sự chấp thuận của Tổng thống. Đến nay, 7 ngân hàng quốc tế, trong số 45 ngân hàng đang hoạt động tại Nga, đã được ông Putin chấp thuận để rút khỏi nước này, bao gồm Mercedes-Benz Bank, Ikano, J&T và Intesa. Cũng trong năm 2022, Moscow cấm các cổ đông doanh nghiệp từ “các quốc gia không thân thiện”, bao gồm Mỹ, rút cổ phần mà họ đang nắm giữ ở Nga.
Trước vụ việc của JPMorgan, phía Nga cũng nhiều lần ra phán quyết tương tự. Mùa hè năm ngoái, một tòa án Nga ra phán quyết đóng băng số tài sản trị giá 36 triệu USD của ngân hàng Goldman Sachs trong vụ kiện do ngân hàng quốc doanh Nga Otkritie là nguyên đơn. Vài tháng sau đó, tòa án này yêu cầu ngân hàng Mỹ phải trả số tiền trên cho Otkritie.
Vào tháng 3/2023, một tòa án khác của Nga ra phát quyết tịch thu số tài sản trị giá 204 triệu USD của nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen tại Nga trong vụ kiện do Gaz Group – một đối tác cũ của Volkswagen – khởi kiện. Gaz Group là công ty thuộc sở hữu của doanh nhân Nga Oleg Deripaska, người nằm trong danh sách bị phương Tây trừng phạt. Số tài sản này sau đó được gỡ đóng băng khi Volkswagen được nhà chức trách Nga cho phép bán chi nhánh Nga cho Avilon – một trong những hãng ô tô lớn nhất tại Nga.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận