menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Triệu Thùy Dương

Nga "Ngư ông đắc lợi" trong cuộc khủng hoảng Mỹ Iran

Ngoài Nga vẫn còn một nước nữa chứ nhỉ? Trung Quốc bỏ đi đâu?

Việc Mỹ tiêu diệt tướng hàng đầu của Iran Qassem Soleimanim, chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, trong một cuộc không kích trên đất Iraq hồi tuần trước đã mang lại cho Nga điều may mắn bất ngờ.

Sự việc không chỉ làm tăng uy thế và ảnh hưởng của Moscow ở Trung Đông mà quan trọng hơn, còn làm suy yếu thêm các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga.

May mắn bất ngờ

Các cuộc tấn công trả đũa bằng tên lửa của Iran nhằm vào ít nhất hai căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq đã khiến căng thẳng leo thang và giá dầu ngay lập tức tăng do hậu quả của cuộc xung đột. Như vậy, về mặt kinh tế, giá dầu, giúp ngân quỹ quốc gia của Nga đầy thêm.

Về mặt địa chính trị, nếu Mỹ chuyển hướng sự chú ý sang Iran, điều đó đồng nghĩa với việc Washington sẽ giảm sự tập trung vào Ukraine, các nước Baltic, Đông và Trung Âu cũng như những khác biệt giữa hai cường quốc Nga - Mỹ. Do đó, Nga có thể "dễ thở hơn".

Hơn nữa, nếu cuộc khủng hoảng Mỹ - Iran xấu đi, biến thành sự thù địch công khai, Nga sẽ ở vị trí tốt nhất để đóng vai trò trung gian hòa giải. Áp lực kinh tế và chính trị của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga chắc chắn sẽ phải giảm bớt hoặc dần bị loại bỏ. Thực tế, việc Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Nga ngày 11/1/2020 để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin theo lời mời của ông về cuộc khủng hoảng Mỹ - Iran đã phản ánh rõ điều này.

Về mặt chính trị, uy tín và ảnh hưởng của Tổng thống Putin tại Trung Đông sẽ tăng lên ngay cả khi Nga không đóng vai trò trung gian hòa giải. Nga là cường quốc duy nhất trên thế giới có mối quan hệ tốt với Iran và các quốc gia khác trong khu vực. Mặc dù mối quan hệ của Nga với Mỹ và EU không thân thiết, nhưng họ cũng không thù địch. Phương Tây cần Nga để giảm căng thẳng với Iran, cho dù Nga không đóng vai trò trung gian hòa giải. Đổi lại, phương Tây phải giảm dần và cuối cùng là loại bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế, chính trị đối với Nga.

Và có lẽ, Nga là nước thích hợp nhất để đóng vai trò trung gian hòa giải, hoặc ít nhất có ảnh hưởng để kiềm chế Iran.

Thứ nhất, không quốc gia phương Tây nào có mối quan hệ tốt với Iran như Nga. Moscow và Tehran đã hợp tác cùng nhau tại Syria để hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Bashir al-Assad đánh đuổi hoặc tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các lực lượng chống chính phủ Syria.

Thứ hai, Iran là nước hưởng lợi từ việc bán vũ khí của Nga. Cuối năm 2016, Nga đã hoàn thành việc chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran, ký thỏa thuận trị giá 800 triệu USD giữa hai nước vào năm 2007. Nga đã đình chỉ thỏa thuận này vào tháng 9/2010 để tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí nghiêm ngặt hơn của Liên hợp quốc được thông qua vào tháng 6 năm đó.

Sau khi nhóm 6 quốc gia - được gọi là P5+1 - ký kết Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) để đẩy lùi chương trình hạt nhân của Iran hồi tháng 7/2015, Tổng thống Putin đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Iran và ký một thỏa thuận mới với Tehran. Lô hàng các bộ phận hệ thống tên lửa đầu tiên có thể sẽ được phía Nga chuyển giao cho Iran vào tháng 4/2020.

Tuy nhiên, tháng 5/2019, Tổng thống Putin được cho là đã từ chối yêu cầu của Iran về việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tiên tiến của Nga. Rõ ràng, Tổng thống Putin từ chối vì lo lắng căng thẳng gia tăng trong khu vực Vịnh Persia, nơi một số nhà lãnh đạo Arập cũng lo ngại về khả năng quân sự của Iran. Hơn nữa, bản thân Nga không muốn “trang bị vũ khí cho Iran đến tận chân răng”.

Tuy nhiên, cuộc tập trận hải quân Nga – Iran - Trung Quốc lần đầu tiên hồi tháng 12/2019 ở Vịnh Oman và Bắc Ấn Độ Dương đã phản ánh sự hợp tác ngày càng tăng với Iran. Bản thân Tehran cũng nhận thức được rằng, họ không thể xa lánh cả Nga và Trung Quốc nếu phải đối phó với các lệnh trừng phạt cũng như các áp lực khác của Mỹ. Do những căng thẳng hiện tại với Washington, Tehran cần sự hỗ trợ của hai cường quốc thế giới này để kiềm chế mọi hành động quân sự của Mỹ.

Nga   "Ngư ông đắc lợi" trong cuộc khủng hoảng Mỹ   Iran

Không quốc gia phương Tây nào có mối quan hệ tốt với Iran như Nga. (Nguồn: Kremlin.ru)

Thứ ba, kể từ khi can thiệp quân sự thành công vào Syria, uy tín và ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông đã tăng lên đáng kể. Các mối quan hệ tốt đẹp của Nga với Iran cũng không thể ngăn được Nga tăng cường quan hệ với Israel cũng như Saudi Arabia - cả hai nước này đều nghi ngờ Iran và cần Nga dùng ảnh hưởng để kiềm chế Tehran.

Tính toán khác của Tổng thống Putin

Mặc dù Nga có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn từ cuộc xung đột Mỹ - Iran, nhưng họ không muốn bất kỳ cuộc chiến tranh hay hành động leo thang quân sự nào ở quá gần biên giới của mình bởi, thứ nhất, điều đó sẽ ảnh hưởng đến lợi ích an ninh dài hạn của Nga, nếu Iran và Mỹ tham chiến. Biên giới phía nam của Nga, nơi phần lớn người Hồi giáo sinh sống, có thể trở nên bất ổn nếu người Hồi giáo Iran dòng Shi'ite kêu gọi toàn bộ thế giới Hồi giáo dòng Sunni ở Trung Đông và các nơi khác nổi dậy chống Mỹ.

Thứ hai, nếu giá dầu tăng quá nhanh và quá cao do hậu quả của sự thù địch công khai giữa Mỹ và Iran, điều đó có thể dẫn đến nhiều khó khăn kinh tế hơn ở EU hoặc thậm chí là Trung Quốc, Nhật Bản và các cường quốc khác mà Nga có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ. Một EU hoặc Trung Quốc suy yếu có khả năng sẽ làm giảm các mối quan hệ kinh tế với Nga.

Cuối cùng, trọng tâm của Tổng thống Putin là năm 2024, khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc. Ông nhận thức sâu sắc rằng, ông phải kích thích tăng trưởng kinh tế vượt mức 1% hiện tại để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu của người dân, từ đó mới đảm bảo được sự ủng hộ của họ đối với ông sau năm 2024. Một cuộc chiến tranh hoặc căng thẳng leo thang ở Trung Đông giữa Mỹ và Iran sẽ chỉ làm mất sự chú ý và tập trung của ông vào các vấn đề trong nước, không giúp ông khẳng định tương lai chính trị của mình sau năm 2024.

Tóm lại, cuộc xung đột kéo dài giữa Mỹ và Iran sẽ mang đến cho Nga cơ hội cải thiện quan hệ với phương Tây và cuối cùng dẫn đến bình thường hóa quan hệ với phương Tây. Đây là mục tiêu của Tổng thống Putin từ năm 2014. Ông dường như sắp đạt được điều đó.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại