Nga đối phó với tình trạng đồng rúp giảm mạnh
Tuần trước, khi phát biểu trước các quan chức kinh tế hàng đầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại và tiền lương tăng lên.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng đề cập đến một điểm yếu, đó là giá đồng rúp giảm mạnh.
“Số liệu khách quan cho thấy rủi ro lạm phát đang gia tăng và nhiệm vụ kiềm chế tăng trưởng giá cả hiện là ưu tiên số một. Tôi yêu cầu các đồng nghiệp trong chính phủ và Ngân hàng Trung ương kiểm soát tình hình”, ông Putin nói.
Giá cả tăng nhanh khi giá đồng rúp giảm 20% trong thời gian từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 8. Giới phân tích phương Tây cho rằng nguyên nhân là việc Nga đầu tư nhiều vào ngành công nghiệp quốc phòng và tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Ngân hàng Trung ương Nga dự báo lạm phát sẽ lên tới 6,5% vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng tình trạng mất giá nhanh chóng của đồng rúp có thể khiến giá cả tăng cao hơn nữa trong 3 đến 6 tháng tới và tỷ lệ lạm phát có thể đạt hai con số vào cuối năm nay, kể cả sau khi Ngân hàng Trung ương thực hiện đợt tăng lãi suất khẩn cấp trong tháng này, hiện ở mức 12%, để nỗ lực kiểm soát tình hình.
Với việc nhập khẩu vẫn chiếm tới 40% giỏ hàng tiêu dùng trung bình của Nga, hai cuộc khảo sát gần đây cho thấy người Nga đã bắt đầu giảm chi tiêu.
Một báo cáo được Romir, cơ quan nghiên cứu thị trường lớn nhất của Nga, công bố ngày 16/8 cho thấy, 19% số người được hỏi đã bắt đầu cắt giảm mua hàng hóa cơ bản như kem đánh răng, bột giặt và thực phẩm, tăng nhẹ so với 16% của tháng trước.
Đồng rúp mất hơn 1/3 giá trị kể từ tháng 11 năm ngoái phần lớn là do tác động của các lệnh trừng phạt áp vào hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga từ cuối năm 2022, khi Liên minh châu Âu và G7 cấm hầu hết nhập khẩu dầu của Nga. Một số quốc gia áp trần giá đối với dầu thô của Nga, ở mức không quá 60 USD/thùng.
Dù giới kinh doanh dầu mỏ của Nga tìm ra nhiều cách khác, nhưng các lệnh trừng phạt, kết với tình trạng giảm mạnh xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, làm ảnh hưởng đến nguồn thu chính của ngân sách Nga. Thu nhập từ xuất khẩu năng lượng của Nga trong nửa đầu năm 2023 giảm 47% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, việc Nga chuyển sang các kênh nhập khẩu đường vòng để tránh bị kiểm soát xuất khẩu, thông qua các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia Trung Á, đã đưa nhập khẩu tăng trở lại như mức trước chiến tranh, gây thêm áp lực lên đồng rúp.
Chính phủ Nga tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng năm 2023 lên hơn 100 tỷ USD, đầu tư hơn 60 tỷ USD ngân sách vào ngành công nghiệp quốc phòng trong nửa đầu năm nay, Reuters dẫn số liệu thống kê của chính phủ đưa tin.
Việc chi tiêu mạnh tay đã hỗ trợ nền kinh tế Nga chống lại tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngân hàng Trung ương Nga dự báo ở mức tăng trưởng GDP 1,5 - 2,5%, còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo mức 0,7%, sau mức giảm 2,1% năm ngoái.
Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra sự mất cân bằng trong nền kinh tế Nga, khiến lạm phát gia tăng.
Một cuộc khảo sát do Viện Gaidar ở Moscow thực hiện cho thấy 42% doanh nghiệp được khảo sát phàn nàn về việc thiếu lao động trong tháng 7. Tuần trước, Tổng thống Putin chỉ đạo dỡ bỏ hạn chế tuyển dụng thanh thiếu niên ở độ tuổi 14 để đối phó với tình trạng thiếu lao động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận