“Nếu được nâng hạng, 3-4 tỷ USD sẽ chảy vào chứng khoán Việt Nam”
Đây là dự báo của BSC Research khi đánh giá về tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trường hợp được MSCI và FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi (emerging market).
Theo báo cáo của BSC Research, trong trường hợp Việt Nam được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung có thể được hưởng lợi ở một số khía cạnh như: (1) Tăng cường tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm TTCK Việt Nam và vị thế quốc gia, (2) doanh nghiệp trong nước có nhiều cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng, (3) tăng cường tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam đối với các nhà đầu tư và (4) đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới.
Nếu được nâng hạng, dòng vốn nước ngoài từ các quỹ ETF – tham chiếu theo các bộ chỉ số của MSCI và FTSE – sẽ chảy vào TTCK Việt Nam với quy mô lớn.
Theo dữ liệu tính đến hết ngày 30/11/2023 từ Bloomberg, hiện đang có 491 quỹ với tổng quy mô 956 tỷ USD bao gồm 180 quỹ ETF (quy mô 421 tỷ USD) và 311 quỹ mở có thông tin (quy mô 533 tỷ USD) đang đầu tư vào TTCK mới nổi theo xếp hạng của MSCI và FTSE, trong đó tỷ trọng số lượng các quỹ tham chiếu theo MSCI (87%) nhiều hơn so với FTSE (13%).
BSC Research cũng lưu ý rằng số liệu về quỹ mở của Bloomberg chưa bao quát hết toàn bộ thị trường/quy mô của các quỹ đang hoạt động đầu tư vào các khu vực, do đó giá trị thực tế sẽ lớn hơn số liệu tổng hợp.
Xét riêng khu vực ASEAN5 đối với 4 thị trường Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines có tổng cộng 240 quỹ với tổng giá trị tài sản 859 tỷ USD, trong đó bao gồm 135 quỹ mở (quy mô 490 tỷ USD – với tổng giá trị đầu tư 13.12 tỷ USD) và 105 quỹ ETF (quy mô 369 tỷ USD – với tổng giá trị đầu tư 19.04 tỷ USD) đang phân bổ tài sản vào 4 thị trường này.
Cụ thể Philippines tham chiếu theo bộ tiêu chí của FTSE hiện đang có 30 quỹ đầu tư với tổng quy mô 1.38 tỷ USD, theo MSCI là 150 quỹ với tổng quy mô 1.8 tỷ USD. Trong đó, quỹ ETF dựa trên bộ chỉ số FTSE có 19 quỹ với tổng giá trị đầu tư là 687 triệu USD.
Malaysia có tổng quy mô đầu tư các quỹ hiện tại là 8.1 tỷ USD, trong đó theo tiêu chí FTSE là 42 quỹ với tổng quy mô 3.6 tỷ USD và MSCI là 154 quỹ với quy mô 4.5 tỷ USD.
Đối với Indonesia và Thái Lan, đây là 2 thị trường có quy mô vốn hoá lớn hơn. Mặc dù thị trường chứng khoán Indonesia hiện đang được FTSE xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp nhưng với tiềm năng tăng trưởng lớn của nền kinh tế các quỹ đầu tư nước ngoài đã rót 10.7 tỷ USD – tương đương với quy mô của thị trường Thái Lan (đã được FTSE xếp hạng TTCK mới nổi tiên tiến).
Theo ước tính của BSC Research, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên TTCK mới nổi sẽ có khoảng 3.5 - 4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam.
Ước tính dựa trên giả định tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam được mua mới ở mức bình quân khoảng 0.7% - tương đương với tỷ trọng của các cổ phiếu trên TTCK Philippines (được FTSE xếp hạng TTCK mới nổi sơ cấp) trong các danh mục đầu tư các quỹ hiện tại.
Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư sẽ xem xét về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của quốc gia để phân bổ danh mục đầu tư phù hợp, do đó con số này có thể sẽ thấp hơn thực tế khi Việt Nam đang là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, đang tham gia nhiều hiệp định thương mại lớn, là đối tác chiến lược toàn diện của các nền kinh tế lớn trên thế giới và được nhiều tổ chức uy tín đánh giá cao.
Do Việt Nam hiện vẫn chưa có trong danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI và đã trong danh sách theo dõi của FTSE, BSC Research cho rằng TTCK Việt Nam sẽ được FTSE chính thức nâng hạng lên TTCK mới nổi sơ cấp trong tương lai gần.
Khi FTSE Russell chính thức nâng hạng, dự kiến thị trường sẽ đón nhận khoảng 1.3 -1.5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mở/ETF tham chiếu theo bộ chỉ tiêu của FTSE, trong đó các quỹ ETF sẽ dự kiến mua tối thiểu khoảng 700 - 800 triệu USD (tương đương với quy mô TTCK Philippines hiện tại).
Việt Nam còn thiếu điều kiện gì để lên thị trường mới nổi?
Nhìn chung Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí của FTSE (7/9 tiêu chí) đối với xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging), tuy nhiên đối với tiêu chí nâng hạng của MSCI mới đáp ứng 9/18 tiêu chí – tiêu chuẩn xếp hạng của MSCI khắt khe và không linh hoạt bằng việc phân loại của FTSE Russell.
- Đối với FTSE: Việt Nam tiếp tục được FTSE Russell duy trì trong danh sách chờ để xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong 2024, FTSE Russell cũng nêu rõ Việt Nam đã được đưa vào danh sách theo dõi kể từ tháng 9/2018 tuy nhiên sự tiến triển chậm hơn so với dự kiến – một phần do đại dịch COVID-19.
Một điểm đáng ghi nhận trong báo cáo đánh giá tháng 9/2023 khi FTSE nêu rõ nhận định tích cực về tính cam kết của các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đối với các công việc cần phải thực hiện và UBCKNN cũng đã có nhiều động thái tìm kiếm giải pháp khả thi để gỡ bỏ yêu cầu cần ký quỹ trước giao dịch (pre-funding). FTSE đang đánh giá 2 tiêu chí còn hạn chế là “Chu kỳ thanh toán (DvP)” và “Thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại”.
Hiện nay, việc kiểm tra có sẵn tiền trước khi thực hiện giao dịch để đảm bảo an toàn là thông lệ tại Việt Nam do đó thị trường sẽ không có các giao dịch thất bại (failed trades), vì vậy tiêu chí “Thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại” không được đánh giá. Tuy nhiên, hiện nay UBCKNN đang tìm kiếm giải pháp để gỡ bỏ yêu cầu cần ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding) bên cạnh sớm đưa vào vận hành hệ thống giao dịch KRX - các động thái này được FTSE Russell đánh giá cao.
- Đối với MSCI: Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng, các tiêu chí của MSCI khắt khe, cứng rắn hơn so với FTSE Russell. Trong 3 năm gần nhất từ 2021-2023, 9 tiêu chí Việt Nam chưa đáp ứng vẫn không có sự cải thiện, do đó trước khi được chính thức MSCI nâng hạng, Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều để được xem xét đưa vào danh sách theo dõi của MSCI – điều tương tự FTSE Russell đã thực hiện kể từ T09/2018
MSCI cũng chỉ ra nhiều yếu tố Việt Nam cần thay đổi, trong đó 2 điểm có thể sớm được cải thiện là: (1) quy trình đăng ký mở tài khoản cho NĐTNN – do hiện nay NĐTNN bắt buộc phải đăng ký giao dịch và thiết lập tài khoản cần có sự chấp thuận của VSD, và (2) việc công bố thông tin về quy định pháp luật, doanh nghiệp bằng ngôn ngữ tiếng Anh để NĐTNN có thể tiếp cận và nắm bắt kịp thời – công bằng như NĐT trong nước.
Nhìn sang TTCK Philippines trong khu vực, mặc dù còn nhiều tiêu chí chưa được MSCI đánh giá hoàn thiện nhưng Philippines đang được MSCI xếp hạng thị trường mới nổi, so sánh một cách tương quan với Philippines ở các chỉ tiêu được bôi đỏ trong Bảng 3 – Việt Nam có thể khắc phục được những yếu tố này.
Theo BSC Research, nếu cải thiện được những điểm này bên cạnh cơ hội được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp trong tương lai gần, Việt Nam có thể sẽ được MSCI đưa vào danh sách theo dõi – một dấu mốc quan trọng đối với TTCK Việt Nam kể từ khi đi vào hoạt động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận