Nền kinh tế xanh (Kỳ I) Vì sao mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam không bền vững?
Các tài liệu kinh tế cho rằng sự giàu có của một quốc gia là sự kết hợp giữa vốn sản xuất, vốn nhân lực, vốn tự nhiên. Trong 25 năm qua, Việt Nam đã tăng giá trị của từng loại vốn này hiệu quả.
“Việt Nam nhìn đẹp từ xa nhưng còn xa mới đẹp”
Đánh giá khắc nghiệt này không có gì đáng ngạc nhiên ở một quốc gia nơi các thành phố lớn đang trở thành một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới và nơi mà mọi người có thể nhìn thấy thiệt hại do quản lý chất thải kém ở mọi nơi. Sau 25 năm tăng trưởng nhanh liên tục, người dân Việt Nam đã bắt đầu lo lắng về tương lai của mình. Một cuộc khảo sát gần đây tại Hà Nội cho thấy người dân quan tâm đến ô nhiễm hơn là đảm bảo việc làm. Theo một số ước tính, việc phá rừng, khai thác quá mức đất đai, quản lý nước sai cách và ô nhiễm cùng gây thiệt hại lên đến 6 - 8% GDP mỗi năm. Sự mất mát này không tính đến thiệt hại lâu dài không thể đảo ngược đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên và thiệt hại có thể sẽ trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chính phủ không vô cảm trước những quan ngại này. Ngày càng có nhiều chiến lược và kế hoạch được phê duyệt, giúp thúc đẩy đất nước đi theo con đường tăng trưởng xanh, bao gồm Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam. Có lẽ tín hiệu tốt nhất về cam kết của Chính phủ là việc đưa một trụ cột mới về môi trường vào thiết kế chiến lược phát triển quốc gia trong thập kỷ tới.
Việc tiến tới một nền kinh tế xanh sạch đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong hoạch định chính sách do sự thất bại của cả thị trường và chính phủ. Một loạt các khuyến nghị được đưa ra để thúc đẩy sự thay đổi cần thiết trong tư duy của các bên liên quan chính, bao gồm Chính phủ, khu vực tư nhân và hộ gia đình.
Mô hình tăng trưởng dần trở nên không bền vững
Các tài liệu kinh tế gần đây cho rằng sự giàu có của một quốc gia là sự kết hợp giữa vốn sản xuất, vốn nhân lực và vốn tự nhiên. Trong 25 năm qua, Việt Nam đã tăng giá trị của từng loại vốn này một cách hiệu quả. Vì hai loại vốn đầu tiên đã được phân tích trong các báo cáo trước, trọng tâm ở đây là vốn tự nhiên.
Giống như ở hầu hết các nước thu nhập thấp, Việt Nam đã phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nhiều tài nguyên nông nghiệp và khoáng sản để tăng cường phát triển kinh tế trong hai thập kỷ qua. Như mô tả trong hình trên (M.28), giá trị ước tính của vốn tự nhiên chiếm khoảng 1/3 tài sản của đất nước trong giai đoạn 1990 - 2014, so với 10% ở Đông Á và 17% ở các nước thu nhập trung bình cao. So sánh này chỉ ra rằng Việt Nam sẽ phải chuyển sang tăng trưởng thâm dụng vốn và nhân lực hơn trong tương lai. Động thái này sẽ còn hợp lý hơn nữa trong bối cảnh suy thoái nhanh chóng của nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước trong những năm gần đây.
Không có gì sai khi Việt Nam sử dụng các lợi thế tự nhiên của mình để đẩy mạnh sự phát triển nhanh chóng và toàn diện trong giai đoạn phát triển đầu tiên. Trên hết là đất nước được thiên nhiên ưu đãi về đất nông nghiệp, tài nguyên nước và trữ lượng khoáng sản dồi dào. Tuy nhiên, mô hình này đã dần trở nên không bền vững theo thời gian. Một trong các nguyên nhân là việc mở rộng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên này đã diễn ra vô cùng nhanh chóng.
Ví dụ như sản lượng lúa gạo, lĩnh vực sử dụng 2/3 diện tích đất nông nghiệp, đã tăng từ 19 tấn vào năm 1990 lên 40 tấn vào năm 2010 và 44 tấn vào năm 2017. Một nguyên nhân khác là việc mở rộng này, mặc dù rất ngoạn mục, đã sử dụng tài nguyên tương đối lãng phí vì các nhà sản xuất thường sử dụng đất, nước, gỗ và các đầu vào khác tại Việt Nam nhiều hơn so với các nước khác để sản xuất cùng một lượng đầu ra nhất định. Sản lượng thực phẩm gia tăng một phần lớn đạt được từ việc lạm dụng các yếu tố đầu vào như phân bón hoặc thuốc trừ sâu.
Kết quả là, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên một số ngành thâm dụng tài nguyên thiên nhiên đã dẫn đến việc khai thác quá mức đất và nước và làm môi trường suy thoái dần. Mặc dù Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thủy sản lớn thứ ba trên thế giới, nhưng ngày nay người ta nhận ra rằng hoạt động sản xuất trong nước không bền vững, thể hiện qua sản lượng giảm và sản lượng khai thác thấp hơn trong những năm gần đây. Tính dễ bị tổn thương của các vùng trước những rủi ro sinh thái, như ở khu vực sông Mê Kông (nơi sản xuất hơn một nửa sản lượng lúa gạo của đất nước), có thể thấy thông qua tình hình suy thoái đất và ô nhiễm tài nguyên nước. Trên toàn quốc, cạnh tranh về nước đã tăng lên khi nhu cầu của dân số đô thị ngày càng tăng và xung đột với nhu cầu của những người làm nông nghiệp. Cát và sỏi là nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn thứ hai được khai thác, nhưng với tốc độ hiện tại, nguồn cung cát tự nhiên trong nước sẽ sớm bị khai thác hết.
Đồng thời, các mối quan ngại về môi trường đã trở nên trầm trọng hơn do sự phát triển của các hoạt động công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và các nguồn gây ô nhiễm gia tăng. Ngày nay, các ngành công nghiệp chiếm 48% tổng lượng sử dụng năng lượng cuối cùng của đất nước. Thiếu quan tâm đúng mức và các công nghệ thường lỗi thời đã khiến Việt Nam trở thành một quốc gia sử dụng nhiều năng lượng. Hiện tại, nền kinh tế đòi hỏi gấp đôi năng lượng cho mỗi đơn vị GDP sản xuất so với mức trung bình ở Đông Á. Hơn nữa, năng lượng được sản xuất từ than chiếm khoảng 1/3 nguồn năng lượng chính cho thị trường nội địa, mặc dù đây là một trong những nguồn năng lượng gây ô nhiễm nhiều nhất. Mặc dù thủy điện (cung cấp 35% sản lượng năng lượng ở Việt Nam) về nguyên tắc là một nguồn năng lượng sạch, nhưng quy hoạch kém và thiếu sự phối hợp đã tạo ra những tác động lớn không ngờ đối với thủy văn của đồng bằng sông Cửu Long mà thậm chí còn chưa được hiểu rõ.
Các vấn đề môi trường của Việt Nam đang trở nên trầm trọng hơn bởi sự gia tăng tương đối nhanh chóng của dân số sống ở các thành phố, từ 15 triệu người vào đầu những năm 2000 lên 34 triệu người vào năm 2018 và có lẽ lên tới 50 triệu người vào năm 2035. Tổng lượng rác thải do các thành phố tạo ra ước tính đạt hơn 27 triệu tấn mỗi năm và dự kiến sẽ đạt 54 triệu tấn trên toàn quốc vào năm 2030.83 Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã thải ra 12 triệu tấn rác thải vào năm 2014, và ước tính chỉ riêng khu vực đô thị sẽ thải 22 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020. Do vậy, Việt Nam đang vất vả để thu gom rác thải. Chỉ có 40 – 60% rác thải được thu gom vào bãi rác, trong khi phần còn lại được thải ra kênh mương và sông ngòi rồi chảy ra biển. Các thành phố đang phát triển đã tăng mức phát thải CO2 và Hà Nội, cũng như Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là một trong những trung tâm đô thị trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí (hình M.29). Ô nhiễm nước đã dẫn đến những “dòng sông chết” trong và xung quanh các thành phố lớn.
Biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng tác động của xuống cấp tài sản thiên nhiên và môi trường ở Việt Nam. Việt Nam rất dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, bao gồm các tác động dài hạn như xâm nhập mặn ở vùng trũng thấp của đất nước (như đồng bằng sông Cửu Long), ảnh hưởng đến canh tác và nước ngầm. Với mực nước biển dâng cao dự kiến, hơn 50 triệu người phải đối mặt với rủi ro, đặc biệt là ở miền nam. Ước tính, Việt nam có thể mất 5,714 triệu ha đất nếu mực nước biển tăng 12 cm. Tổng thiệt hại có thể lên tới gần 20 triệu ha đất nếu mực nước biển tăng 17 cm. Nhiệt độ cao sẽ làm giảm độ phì nhiêu của đất, tăng tần suất cháy rừng và tạo ra nhiều nhu cầu năng lượng hơn để điều hòa không khí. Lượng mưa thay đổi và không thể đoán trước sẽ ảnh hưởng đến cả năng suất nông nghiệp và điều kiện sống ở các thành phố. Xét đến tất cả các yếu tố này, Việt Nam là quốc gia chịu rủi ro biến đổi khí hậu lớn thứ chín trên thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận