Nên hay không đầu tư cổ phiếu có tính chu kỳ?
Không chỉ 2 năm đại dịch mà trong lịch sử thị trường chứng khoán, không hiếm các cổ phiếu chu kỳ đem lại lợi nhuận “khủng” cho nhà đầu tư. Nhận ra cơ hội lớn, không ít nhà đầu tư chuyên “săn lùng” cổ phiếu chu kỳ.
1. Cổ phiếu chu kỳ là gì?
Cổ phiếu chu kỳ là cổ phiếu có giá chịu ảnh hưởng bởi nền kinh tế vĩ mô hoặc thay đổi hệ thống trong toàn bộ nền kinh tế. Cổ phiếu chu kỳ sẽ biến động theo chu kỳ kinh tế chung gồm bốn giai đoạn: mở rộng, đỉnh cao, thu hẹp và phục hồi.
2. Đặc điểm cổ phiếu chu kỳ
Hầu hết ác cổ phiếu có tính chu kỳ thuộc về các doanh nghiệp bán các mặt hàng không thiết yếu mà người tiêu dùng có khả năng mua nhiều hơn trong thời kỳ kinh tế bùng nổ. Những cổ phiếu này cũng đến từ các doanh nghiệp có sản phẩm mà người tiêu dùng chọn chi tiêu ít hơn và cắt giảm trong thời kỳ suy thoái. Nếu suy thoái đủ nghiêm trọng, cổ phiếu có tính chu kỳ có thể trở nên hoàn toàn vô giá trị và các doanh nghiệp có thể sẽ phá sản.
3. Ưu điểm và nhược điểm của cổ phiếu chu kỳ:
- Ưu điểm: Cổ phiếu mang tính chu kỳ sẽ đem lại mức lợi nhuận cao hơn nhiều lần cho nhà đầu tư.
- Nhược điểm:
+ Khó xác định được thời điểm mua vào và bán ra phù hợp do dự đoán chu kỳ nền kinh tế không phải điều mà ai cũng làm được.
+ Rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ do tham gia áp dụng sai chiến lược Market Timing (chọn đúng thời điểm thị trường)
+ Nhà đầu tư dễ mất bình tĩnh khi tính toán thị trường từ đó dẫn đến việc bán thấp, mua cao thay vì duy trì ổn định theo xu hướng.
4. Một số ngành có tính chu kỳ.
- Ngành săm lốp. Nguyên liệu sản xuất đầu vào là cao su nhân tạo, nếu giá nguyên liệu tăng thì nhóm ngành này gặp bất lợi và ngược lại sẽ hưởng lợi khi giá cao su giảm.
- Ngành thép: Từ khi dịch Covid-19 diễn ra, giá thép trên thị trường Việt Nam cũng như thế giới liên tục tăng mạnh, là yếu tố “thiên thời” giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép nói chung tăng phi mã.
- Ngành vận tải thủy: việc giá cước vận chuyển tăng vọt trên toàn thế giới là yếu tố “thiên thời” đưa cổ phiếu ngành này “lên mây”.
5. Ứng dụng cổ phiếu chu kỳ vào đầu tư
- Xác định thời điểm mua
+ Cách đầu tiên, mua cổ phiếu ở thời kỳ Khủng hoảng. Với phương pháp này, nhà đầu tư có thể ăn trọn sóng cổ phiếu. Không quá khó để nhận ra một ngành đang rơi vào khủng hoảng, nhưng bao giờ ngành đó mới phục hồi lại là câu hỏi không dễ có lời giải. Phải rất am hiểu ngành hoặc/và kiên định với chiến lược đầu tư dài hạn thì nhà đầu tư mới nên bắt dao rơi, mua cổ phiếu trong thời kỳ Khủng hoảng khi thị trường rơi vào sợ hãi.
+ Cách thứ hai, mua ở pha đầu của thời kỳ Phục hồi. Thông thường, trong thời kỳ Khủng hoảng vẫn có một số thời điểm giá đầu vào, đầu ra phục hồi trở lại nhưng rất có thể sự phục hồi này chỉ mang tính tạm thời, khiến nhà đầu tư lầm tưởng và đưa ra quyết định đầu tư vội vàng, không hiệu quả. Nhưng khi một số doanh nghiệp trong ngành bắt đầu đồng loạt hưởng lợi nhất định từ sự phục hồi của giá đầu vào, đầu ra trong một vài tháng và sự hưởng lợi này thể hiện qua kết quả kinh doanh khả quan cuối quý, thì rất có thể ngành đó đã bước vào thời kỳ Phục hồi và điều này thường diễn ra trong nhiều quý tiếp theo, có thể càng ngày càng được hưởng lợi mạnh mẽ hơn, kéo theo đó lợi nhuận ngày càng tăng cao và giá cổ phiếu cũng tăng phi mã theo.
Với cách này, nhà đầu tư có thể lỡ một/một vài nhịp tăng đáng kể nhưng đổi lại, rủi ro ít hơn và thành quả đầu tư nhiều khi cũng rất đáng mơ ước, thậm chí vẫn có thể “ăn bằng lần”.
Hiện nay, các công cụ đầu tư giúp ích rất nhiều cho phương pháp đầu tư này. Nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm ra những doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận theo quý ở mức cao (so với cùng kỳ năm trước) sau một thời gian khá dài lợi nhuận suy giảm hoặc đi ngang theo quý.
Một số nhà đầu tư kết hợp thêm với các phương pháp phân tích kỹ thuật để tự tin hơn vào thời điểm đầu tư. Hoặc phân kỳ đầu tư từ khi mới chớm xuất hiện tín hiệu đảo chiều cho đến khi doanh nghiệp thực sự ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan thể hiện qua báo cáo tài chính.
- Xác định thời điểm bán
+ Bán ra ở thời điểm thị trường “hưng phấn”, nhờ đó có thể chốt lời ở đỉnh nhưng cũng có thể bán quá sớm;
+ Bán ra khi doanh nghiệp không còn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận đáng kể theo quý (tăng trưởng một chữ số hoặc thụt lùi), nhờ đó không bị bán quá sớm nhưng phải chấp nhận mức giá suy giảm nhất định từ đỉnh;
+ Bán từng phần theo các tín hiệu về kết quả kinh doanh và phân tích kỹ thuật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận