Nên giảm đồng loạt 2% thuế GTGT
Giới chuyên gia, doanh nghiệp đồng tình với đề xuất giảm 2% thuế GTGT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ, thay vì áp dụng đối với một số mặt hàng như hiện nay
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý về đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 6 tháng đầu năm 2024. Dự thảo về đề xuất chính sách giảm thuế này đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến từ các bộ, ngành.
Việc giảm thuế còn vướng mắc
Chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT hiện hành áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo VCCI, biện pháp giảm thuế GTGT đã được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, tác động tích cực đối với doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế. Tuy nhiên, các DN gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP và Nghị định 44/2023/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện nhưng trên thực tế, việc phân loại hàng hóa, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau vẫn còn nhiều lúng túng.
Cũng theo VCCI, nhiều trường hợp DN tra cứu phụ lục của Nghị định 15 và 44 nhưng không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Có DN hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan nhưng các cơ quan này cũng không thế "nói chắc" loại hàng hóa nào được giảm thuế 2% vì sợ sai. Cũng có DN phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng.
Từ thực tế trên, VCCI đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc phương án giảm thuế GTGT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.
Cần thiết áp dụng cho mọi hàng hóa
Theo Bộ Tài chính, qua 3 tháng thực hiện (tháng 7, 8, 9 năm 2023) chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, đã hỗ trợ cho DN và người dân tổng cộng khoảng 11.700 tỉ đồng. Việc giảm thuế đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, góp phần kích cầu tiêu dùng...
Đây cũng là cơ sở để Bộ Tài chính xây dựng phương án tiếp tục giảm thuế GTGT 2% cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2024. Hiện bộ này đang lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan trung ương trước khi hoàn tất dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Giảm 2% thuế giá trị gia tăng giúp người dân, doanh nghiệp hưởng lợi, tác động tích cực đến nền kinh tế. Ảnh: TẤN THẠNH
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đồng tình với đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, thay vì áp dụng một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, ông Long cho rằng chính sách giảm thuế nên áp dụng cho tất cả mặt hàng như đề xuất của VCCI. Bởi lẽ việc giảm thuế này sẽ tác động ngay tới người dân, kích thích tiêu dùng khi họ tiết kiệm được một phần chi phí phát sinh. DN sản xuất cũng được hưởng lợi gián tiếp khi tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ tăng lên và giảm chi phí mua nhiên liệu đầu vào.
Giới DN cũng cho rằng việc giảm thuế GTGT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ là cần thiết trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Đồng tình với lập luận của VCCI, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM - nêu thực tế thời gian qua, DN gặp rất nhiều lúng túng vì không xác định được mặt hàng nào chịu thuế GTGT 10%, mặt hàng nào được giảm còn 8%.
Ngay cả các nhà làm luật, cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, thuế cũng không thống nhất mặt hàng nào chịu mức thuế 10%, mặt hàng nào 8%. Điều này dẫn đến nhiều mặt hàng được DN tạm tính và nộp thuế 8% nhưng sau đó bị cơ quan hải quan, thuế thu bổ sung 2% và phạt chậm nộp theo mức 2% này.
Còn những DN đã lỡ nộp thuế 10% cho mặt hàng được áp thuế 8% thì không được khấu trừ 2%. Do vậy, ông Tống kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh phương án giảm 2% thuế GTGT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ để DN lẫn người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn.
- Giảm thuế GTGT mạnh hơn để kích cầu
- Vì sao người tiêu dùng thờ ơ với giảm thuế GTGT 2%?
Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM dẫn chứng có DN trong hội bị tính thuế GTGT 10% cho máy móc thiết bị nhập khẩu dùng trong sản xuất cơ khí vì cơ quan hải quan đưa máy móc này vào danh mục sản phẩm công nghệ thông tin (do có hàm lượng công nghệ cao).
Hội Cơ khí - Điện đã gửi văn bản kiến nghị đến nhiều bộ, ngành xin hướng dẫn cụ thể nhưng đã vài tháng trôi qua, kiến nghị vẫn chưa được hồi đáp. Vì thế, nếu được giảm thuế GTGT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ thì DN sẽ cất được mối lo rắc rối trong kê khai và tạm nộp thuế GTGT. DN cũng tiết kiệm được 2% thuế suất chênh lệch tạm nộp để đưa vào vốn lưu động.
Kiến nghị đưa ngân hàng vào nhóm giảm thuế
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, VCCI, việc góp ý kiến đối với dự thảo đề xuất chính sách giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, VNBA thống nhất với nội dung đề xuất về chính sách giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và việc bổ sung nội dung này vào Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 để trình Quốc hội ra nghị quyết chung (không ban hành nghị quyết riêng về giảm thuế GTGT để bảo đảm tiến độ thực hiện, sớm đưa giải pháp vào thực hiện trong thực tế).
Cũng tại văn bản này, VNBA kiến nghị mở rộng đối tượng giảm thuế, cụ thể là bổ sung ngân hàng vào nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế suất thuế GTGT, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ DN và đầu tư công nghệ chuyển đổi số, bảo đảm an ninh an toàn trong hoạt động.
T.Phương
Đã tính toán, cân nhắc thận trọng
Chính sách giảm thuế GTGT đã góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh người dân, DN, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với khó khăn, Bộ Tài chính đã đề xuất nối dài các chính sách hỗ trợ về thuế GTGT trong nửa đầu năm 2024 để thúc đẩy tổng cầu trong nước.
Bộ Tài chính đã tính toán, cân nhắc thận trọng, vừa bảo đảm mục tiêu hỗ trợ người dân, DN, vừa bảo đảm các nhiệm vụ tài chính - ngân sách đã đề ra. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đề xuất và triển khai các giải pháp tài khóa hỗ trợ người dân, DN.
Cần áp dụng đến hết năm 2024
Chính sách giảm thuế GTGT thực hiện trong năm 2022 và năm 2023 tác động tích cực đối với các DN và nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu quan niệm giảm 2% thuế suất thuế GTGT là giải pháp để kích cầu tiêu dùng thì mức giảm này chưa thật sự hấp dẫn người tiêu dùng, DN. Quan trọng hơn, chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT chưa đủ dài về mặt thời gian và chưa đủ sâu để mang lại hiệu ứng kích cầu mạnh mẽ.
Do đó, cần áp dụng chính sách giảm thuế GTGT đủ dài, ít nhất là đến hết năm 2024 để kích hoạt thị trường. Trong trường hợp cầu thị trường vẫn thấp, có thể cân nhắc giảm nhiều hơn 2% thuế suất thuế GTGT (có thể là 3% - 5%). Đặc biệt, nếu chính sách giảm thuế được áp dụng cho mọi loại hàng hóa, dịch vụ, bao gồm sắt thép, rượu bia, công nghệ thông tin, bất động sản… thì phạm vi và mức độ tác động sẽ lớn hơn nhiều so với hiện tại.
Nên giảm khoảng 5%
Vấn đề của nền kinh tế hiện tại đang nằm ở sức cầu nội địa thấp, nhu cầu tiêu dùng của người dân chưa cao do kinh tế khó khăn, thu nhập, việc làm giảm. Do đó, cần thiết phải thúc đẩy tiêu dùng cần kích cầu thông qua các chính sách miễn giảm thuế, phí các loại, trong đó thuế GTGT. Tuy nhiên, để tạo sức lan tỏa lớn, tác động tích cực hơn nữa cho nền kinh tế thì cần xem xét, giảm thuế GTGT cao hơn nữa. Theo đó, có thể không chỉ 2% mà mạnh dạn giảm khoảng 5% trong vòng 6 tháng để kích thích tiêu dùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận