24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hùng Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Năng lượng tái tạo trước nguy cơ thoái trào

Đã có 20 dự án năng lượng tái tạo dở dang gửi hồ sơ tới bên mua điện để đàm phán, trong đó 4 dự án được xem là cơ bản đủ hồ sơ, có thể bước tới giai đoạn đàm phán hợp đồng mua bán điện.

Năng lượng tái tạo trước nguy cơ thoái trào

Nhà máy Điện mặt trời Hòa Hội tại Phú Yên. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều quan tâm

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn hỏa tốc gửi Bộ trưởng Bộ Công thương liên quan tới các kiến nghị khắc phục những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện gió và điện mặt trời chuyển tiếp, với yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 15/4/2023.

Còn nhớ, ngày 20/3/2023, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã ký văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp thoả thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023, để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh lãng phí tái nguyên.

Trước đó, ngày 9/1/2023, Bộ Công thương đề nghị EVN và các chủ đầu tư liên quan khẩn trương phối hợp thoả thuận, thống nhất giá phát điện, đảm bảo không vượt qua khung giá phát điện do Bộ ban hành.

Tính tới ngày 14/4/2023, đã có 20 dự án dở dang gửi hồ sơ tới bên mua điện. Trong đó, 4 dự án đã cơ bản đủ hồ sơ để có thể tiến tới bước đàm phán hợp đồng mua bán điện; 16 dự án khác đã được đề nghị bổ sung các hồ sơ còn thiếu. Đây là tín hiệu tích cực hơn so với việc chỉ có 4-5 hồ sơ được gửi tới ở thời điểm ngày 31/3/2023.

Dẫu vậy, việc hoàn tất đàm phán hợp đồng mua bán điện để bước tới lúc được trả tiền điện cũng dự báo không nhanh như mong đợi. Tới ngày 14/4, Bộ Công thương chưa có bất cứ trả lời nào về các đề xuất của EVN trong việc thực hiện đàm phán với chủ đầu tư các dự án dở dang khi có những văn bản pháp quy đã không còn hiệu lực, hay chưa có hướng dẫn cụ thể về thời hạn hợp đồng, đời sống kinh tế của dự án thuộc nhóm dở dang này.

Cụ thể, do Thông tư 01/2023/TT-BCT đã bãi bỏ thời hạn 20 năm trong hợp đồng mua bán điện mẫu của nhà máy điện mặt trời, trong khi giữ nguyên thời hạn 20 năm trong hợp đồng mẫu của nhà máy điện gió, nên EVN và các chủ đầu tư rất khó có thể thống nhất thời hạn hợp đồng với nhà máy điện mặt trời.

Ngoài ra, Bộ Công thương chưa hướng dẫn cụ thể về đời sống kinh tế cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, chi phí vận hành và bảo dưỡng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, lãi vay, hay tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, nên các chủ đầu tư và EVN cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán.

Trong đề xuất của mình, EVN đã đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành phương pháp xác định giá đàm phán và chấp thuận đề xuất của EVN trong yêu cầu về hồ sơ giấy tờ mà chủ đầu tư phải có theo các giai đoạn đàm phán như trên.

Nhà đầu tư buông tay?

Cách đây ít ngày, Công ty cổ phần Điện gió Nam Bình - chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Nam Bình 1, đã có công văn gửi Bộ Công thương, EVN, Công ty Mua bán điện (EPTC) đề nghị cho phép Nhà máy Điện gió Nam Bình 1 (Đắk Nông) được đưa vào vận hành thương mại tạm thời, ghi nhận sản lượng điện và thanh toán theo mức giá bằng 50% khung giá cho nhà máy điện gió trong đất liền (ban hành theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 19/1/2023 của Bộ Công thương), trong thời gian thỏa thuận, đàm phán giá phát điện với EVN.

"doanh nghiệp đang phải đối diện với nguy cơ phá vỡ phương án kinh doanh, thua lỗ, dẫn tới khả năng phá sản".

- Thư kiến nghị của Công ty cổ phần Điện gió Nam Bình

Nghĩa là, với mức giá khung cho nhà máy điện gió trong đất liền tại Quyết định 21/QĐ-BCT là hơn 1.587 đồng/kWh, mức giá đề nghị được thanh toán của Nhà máy Điện gió Nam Bình 1 chưa tới 800 đồng/kWh. Nhà đầu tư dự án này cũng cam kết không khiếu nại, không hồi tố giá trị với sản lượng điện được huy động tạm thời trong thời gian đàm phán giá điện.

Được biết, đây là doanh nghiệp đầu tiên nộp hồ sơ xin thỏa thuận/đàm phán giá phát điện. Tuy nhiên, nhà đầu tư thừa nhận, quá trình làm việc còn nhiều vướng mắc, như phương pháp xác định giá đàm phán, phương pháp định giá đàm phán bao gồm các thông số đầu vào tính toán, đời sống kinh tế của dự án, sản lượng điện dùng để tính toán giá điện, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, lãi vay, tỷ suất lợi nhuận trên vốn..., dẫn đến việc thời gian đàm phán giá điện sẽ bị kéo dài và việc ký kết hợp đồng mua bán điện sửa đổi chưa thể xác định được ngày kết thúc.

Có giá trị đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay của ngân hàng thương mại chiếm khoảng 80%, từ ngày 1/11/2021 đến nay, chủ đầu tư đang phải duy trì hoạt động quản lý vận hành Nhà máy Điện gió Nam Bình như một dự án đã phát điện chính thức. Đặc biệt, chủ đầu tư phải trả nợ gốc và lãi vay với số tiền vượt khả năng chi trả do Dự án không có nguồn thu.

Cũng không còn hào hứng với năng lượng tái tạo tại thời điểm này, ông T.L, một nhà đầu tư khác thậm chí rất chán nản với dự án điện gió dở dang của mình. Ông này cho hay, dự án đã đầu tư xong và giờ chỉ đợi vận hành thương mại, nhưng nhìn thấy trước làm ra không đủ tiền trả ngân hàng, nên có thể sẽ buông tay cho ngân hàng phát mãi.

“Đầu tư xong nhưng với khung giá này, thì không có cửa gì để trả được nợ ngân hàng, nói chi đến chi phí vận hành. Vì thế, giải pháp buông tay, chịu mất vốn đối ứng để ngân hàng ôm vào vận hành tiếp hoặc bán phát mãi sau đó xem ra là lối thoát khả dĩ cho nhà đầu tư”, ông T.L nói, thậm chí cho rằng, “sau này có thể tính tới chuyện mua lại chính dự án này (bằng pháp nhân khác) có khi rẻ hơn nhận nợ ở thời điểm này”.

Được biết, dự án dở dang trên có giá trị hợp đồng EPC tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng, với mức vay là 80%. Hơn 2 năm trôi qua, dù không vận hành, Dự án cũng đã phải gánh thêm lãi suất cỡ 12%/năm. Trong khi đó, nếu đi vào vận hành và tính kịch khung giá mới, thì doanh thu bán điện thu về mới cỡ 300 tỷ đồng/năm, trong khi trả lãi vay ngân hàng cỡ 360 tỷ đồng/năm. “Sớm muốn cũng bị thu phát mãi”, ông T.L thừa nhận.

Dẫu vậy, các chuyên gia đàm phán giá điện cho rằng, các tính toán trên mới chỉ nói tới chi phí, doanh thu, lợi nhuận thuần túy và chưa quan tâm tới các vấn đề khác theo quy định.

Thực trạng của một số nhà đầu tư năng lượng tái tạo hay những điểm nghẽn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết rốt ráo là những tín hiệu cảnh báo sự thoái trào trong đầu tư vào năng lượng tái tạo ở giai đoạn này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả