Nâng hạng chứng khoán
Tháng trước, Giám đốc một quỹ đầu tư hỏi tôi về khả năng phân bổ 3% giá trị danh mục của họ (tương đương 6,6 tỷ USD) vào một số thị trường mới nổi, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam trước cơ hội được nâng hạng từ Cận biên lên Mới nổi.
Đó chỉ là một quỹ hưu trí riêng cho ngành giáo dục tại một bang miền Tây nước Mỹ với quy mô 220 tỷ USD, tức hơn một nửa GDP Việt Nam. Là Chủ tịch điều hành một đơn vị chuyên cung cấp thông tin phân tích và xếp hạng tín nhiệm độc lập tại Việt Nam, tôi có cơ hội tiếp đón nhiều quỹ đầu tư tương tự.
Giới đầu tư trong nước và quốc tế gần đây rất hồ hởi sau khi nhận được sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan trong Hội nghị Phát triển Thị trường chứng khoán năm 2024 vào ngày cuối tháng 2 vừa qua.
Hiện nay các thảo luận về giải pháp nâng hạng thị trường đang tập trung vào việc đáp ứng tiêu chí kỹ thuật mà các tổ chức xếp hạng đưa ra. Điều này là thực sự cần thiết và là chủ trương đúng đắn nhằm không chỉ thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài mà còn hướng tới phục vụ tốt hơn 7,3 triệu tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, tôi cho rằng cần giải những bài toán lớn hơn, vì mục tiêu tối thượng của việc nâng hạng thị trường không chỉ "mang tiền về cho đất nước một cách bền vững" mà còn góp phần phát huy hơn nữa vai trò huy động vốn cho doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng phải xem xét đẩy mạnh nới room ngoại nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy về cơ bản, ngành nghề nào nới được thì cũng đã nới rồi và những ngành chưa nới là để bảo hộ sản xuất trong nước và an ninh tài chính, ví dụ như room ngành ngân hàng.
Với ngành ngân hàng, hiện nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu ở mức 19,2% và với trần sở hữu 30% áp dụng cho khối ngoại thì dư địa còn lại chưa đến 11% - tương đương giá trị 4,7 tỷ USD. Đây là con số quá nhỏ để các quỹ đầu tư trăm tỷ đô có thể "chia nhau". Trong khi cổ phiếu ngành ngân hàng hiện đã chiếm 32% vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nới room có thể mang lại những hiệu ứng tích cực tạm thời cho thị trường, tạo cơ hội kiếm lời cho nhà đầu tư. Nhưng phương án này không tạo nhiều khác biệt trong việc thu hút vốn.
Nhìn lại năm 2023, mặc dù thanh khoản thị trường bình quân ở mức 17,6 nghìn tỷ đồng mỗi ngày giao dịch, giá trị thu được từ phát hành vốn cổ phần cho cả năm 2023 của các doanh nghiệp niêm yết còn khá khiêm tốn, ở mức 74,6 nghìn tỷ đồng. Năm đỉnh cao 2021 cũng chỉ đạt 105 nghìn tỷ. Đây là mức rất nhỏ so với nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp.
Vì vậy cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa chất lượng công bố thông tin, tăng cường tính minh bạch và liêm chính của thị trường, khai thông hoạt động phát hành cổ phiếu và trái phiếu của doanh nghiệp.
Việc nâng hạng sẽ thu hút đối tượng chính là các quỹ đầu tư quản trị theo danh mục lớn, có phạm vi hoạt động toàn cầu và họ coi Việt Nam sẽ là một trong các khoản mục trong danh mục của họ. Các hoạt động đầu tư và rút vốn sẽ diễn ra thường xuyên tùy theo diễn biến của thị trường thế giới chứ không chỉ của Việt Nam.
Những kịch bản và khung chính sách cho vấn đề ảnh hưởng đến sự biến động tỷ giá và công tác quản lý ngoại hối của Việt Nam sẽ là một trong những khía cạnh mà cơ quan quản lý không nên đánh giá thấp ảnh hưởng từ sự vận động của dòng vốn này.
Triển khai đồng bộ các giải pháp này sẽ góp phần tối đa hóa lợi ích phục vụ hấp thụ nguồn vốn quốc tế cho việc thực hiện kinh tế xanh và phát triển bền vững. Hiện khung chính sách cho việc đầu tư ESG chưa hình thành đầy đủ, trên thị trường trái phiếu thì khung phân loại xanh vẫn đang trong quá trình dự thảo.
Sẽ rất tuyệt vời cho Việt Nam nếu như các biện pháp này được triển khai đồng bộ và tạo cơ sở cho việc hấp thụ nguồn vốn quốc tế một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Nói một cách dễ hiểu, nếu xếp hạng tín nhiệm quốc gia tốt hơn, Việt Nam có thể thu hút nguồn vốn nước ngoài với giá rẻ hơn, bởi xếp hạng tín nhiệm quốc gia là chỉ số đo rủi ro làm cơ sở cho Chính phủ, các doanh nghiệp trong quốc gia đó vay vốn. Việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia cũng sẽ giúp việc huy động vốn cổ phần rẻ hơn.
Thực tế, xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đang ở mức khá thấp (BB+ theo S&P) so với các nước tương đồng trong khu vực như Thái Lan (BBB), Indonesia (BBB), Philippines (BBB+), Malaysia (A-) và Singapore (AAA). Mặc dù Chính phủ đã đặt mục tiêu sẽ nâng mức xếp hạng quốc gia của Việt Nam lên mức Đầu tư (tối thiểu BBB-) đến năm 2030 nhưng việc chậm thực hiện mục tiêu sẽ làm cho các doanh nghiệp Việt Nam kém lợi thế hơn khi tham gia vào thị trường vốn quốc tế và trong đó có dòng vốn từ việc nâng hạng này.
Theo nghiên cứu của FiinRatings, Việt Nam có thể rút ngắn thời gian nâng hạng lên mức Đầu tư sớm hơn nếu như nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn từ các cơ quan quản lý Việt Nam. Việt Nam còn một số điểm hạn chế nhưng các tiêu chí cơ bản trong so sánh tương quan cũng không kém cạnh với các nước trong khu vực vốn đã có mức xếp hạng cao hơn. Đó là còn chưa kể đến việc Việt Nam có tăng trưởng kinh tế cộng với sự ổn định chính trị cao hơn.
Tóm lại, chúng ta cần có sự chuẩn bị mang tính tổng thể hơn nhằm tận dụng tối đa sự kiện này cũng như phòng tránh những rủi ro có thể phát sinh, thì việc nâng hạng sẽ được thực hiện một cách bền vững và kết quả sẽ thực sự ngọt ngào trên phạm vi quốc gia, thay vì chỉ có thị trường chứng khoán.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận