Năm đào thải nhân sự địa ốc nhiều nhất thập kỷ
Năm qua, các công ty địa ốc chuyên nghiệp đào thải 40-50% nhân viên sale, có đơn vị quy mô nhỏ cắt 70%, nhiều chủ đầu tư cũng giảm 25% lao động để vượt khó.
Ghi nhận của VnExpress tại hơn 10 công ty bất động sản đang hoạt động trên địa bàn TP HCM và các tỉnh phía Nam cho thấy, tính đến tháng 12, tình trạng sa thải nhân sự ngành địa ốc diễn ra phổ biến và chưa có dấu hiệu dừng lại. Lượng nhân sự rời khỏi thị trường hai quý cuối năm (quý III và IV) ước tính lên đến hàng nghìn người, trong đó nhiều nhất thuộc bộ phận kinh doanh, sale bán hàng - hậu mãi, marketing và pháp chế (lo thủ tục pháp lý).
Các doanh nghiệp môi giới (phân phối) hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỷ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên bằng nhiều hình thức: dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên, nợ lương nhưng chưa xác định thời hạn chi trả...
Một số đơn vị quy mô dưới 50 nhân viên thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với 70% người lao động do không còn nguồn lực cầm cự. Trong khi đó, các chủ đầu tư có bộ máy tinh gọn hơn - chỉ nuôi đội ngũ phát triển dự án - ghi nhận tỷ lệ cắt giảm 20-25% song song với giảm lương theo cấp bậc.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản vừa là chủ đầu tư, vừa có bộ phận bán hàng, đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM, cho biết trung tuần tháng 12, công ty đã cắt giảm 50% nhân sự và có thể phải tiếp tục thu hẹp lượng nhân viên nếu khó khăn kéo dài sang quý II/2023. Do hiện nay nguồn lực tài chính hạn hẹp, các vị trí còn giữ lại cũng buộc phải giảm lương 25-40% đối với cấp quản lý, mức thu nhập cao và khá, còn nhân sự có thu nhập trung bình chỉ giảm ở tỷ lệ tượng trưng không quá 10%.
Ông xác nhận quan sát nhiều công ty cùng ngành địa ốc, làn sóng đào thải nhân sự năm 2022 mạnh nhất kể từ năm 2013 (tính từ đáy chu kỳ khủng hoảng gần nhất). Đây là hệ quả của ba quý liền thanh khoản bất động sản đi xuống, trong đó 6 tháng cuối năm lượng giao dịch nhà ở kém kỷ lục do thị trường thấm đòn kiểm soát tín dụng, lãi suất tăng, niềm tin của người mua nhà xuống thấp.
"Địa ốc thoát đáy khủng hoảng năm 2013-2014, lấy đà hồi phục năm 2015, giai đoạn 2016-2018 bùng nổ đã hút rất nhiều nhân sự ngành ngân hàng, tài chính, marketing, bảo hiểm dịch chuyển sang. Năm 2022, quá trình đào thải khốc liệt nhất 10 năm đã sàng lọc hơn một nửa nhân sự không phù hợp", ông nói.
Khảo sát của trang Batdongsan với khoảng 500 môi giới, vừa công bố tháng 12, cho thấy trong quý IV, quy mô nhân sự của sàn giao dịch bất động sản giảm 61% tại các doanh nghiệp ở tất cả phân khúc.
Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết TP HCM có khoảng hơn 100.000 môi giới bất động sản, trong đó 20.000-30.000 người làm việc cho các tổ chức chuyên nghiệp. Ông Lâm tính toán khoảng 50% số này hoạt động tại các tổ chức chuyên nghiệp đã mất việc (tính đến tháng 12). Nếu tính cả nhóm môi giới nhỏ lẻ, hoạt động tự phát, không chuyên nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp có thể cao hơn.
Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Ngọc Châu Á, nhìn nhận năm 2022, đào thải nhân sự địa ốc đã lên đỉnh điểm và cao nhất trong vòng 10 năm. Ở thời điểm cuối năm nay, hơn 50% các doanh nghiệp địa ốc tại TP HCM và các tỉnh phía Nam đều đã chủ động chạy nước rút tái cơ cấu nhân sự để tự vượt khó và phòng vệ rủi ro cho 12 tháng tới. Ông Hạnh nhìn nhận năm 2022 cũng là cột mốc đánh dấu kết thúc làn sóng ồ ạt đầu quân vào ngành địa ốc từng khởi phát từ năm 2016 kéo dài đến năm 2018.
Ông Hạnh đánh giá làn sóng đào thải nhân sự bất động sản cho thấy các doanh nghiệp địa ốc hiện nay hoạt động thiếu chiều sâu và thiếu chiến lược dài hạn, không đủ nguồn lực để chịu đựng khó khăn trong thời gian trên 24 tháng. Điều này dẫn đến sau đại dịch năm 2021, kế đến là cú sốc kiểm soát tín dụng và trái phiếu năm 2022, đa số bộ máy các công ty địa ốc rệu rã, dễ bị phá vỡ cấu trúc khi có biến cố xảy ra.
CEO Ngọc Châu Á dự báo năm 2023, các công ty bất động sản tiếp tục đối mặt nhiều thách thức trong 2-3 quý đầu năm. Vì vậy, các doanh nghiệp địa ốc cần chuẩn bị tinh thần sẽ có ít nhất 6 tháng liên tiếp lỗ và không có dòng tiền.
Để thích ứng kịp thời với sự biến động của thị trường bất động sản năm sau, các doanh nghiệp địa ốc buộc phải tiếp tục tinh gọn mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu suất về quản lý và bán hàng, thắt lưng, buộc bụng từng tháng để kiểm soát chi phí.
Riêng với lực lượng môi giới bất động sản cần chuẩn bị tâm lý giảm ít nhất 50% lương và thu nhập, thậm chí không có thu nhập trong nửa đầu năm 2023. Khó khăn chung của thị trường có thể phải chờ đến quý III năm sau mới có hy vọng tìm ra giải pháp và từng bước được tháo gỡ.
"Tốc độ hồi phục sẽ rất chậm vì thị trường như người bệnh đã mất quá nhiều sức lực lẫn niềm tin, cần rất nhiều thời gian để gượng dậy", ông Hạnh cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận