Năm 2022, ngành bán lẻ phục hồi ấn tượng, xu hướng đa kênh "lên ngôi"
Theo Sapo, năm 2022, xu hướng bán lẻ đa kênh ngày càng được nhân rộng và sự quay trở lại ưu tiên hàng đầu của tiền mặt trong thanh toán.
Ngành bán lẻ tăng trưởng trở lại
Theo báo cáo Tình hình kinh tế xã hội năm 2022 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021 do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Trong đó, ngành bán lẻ tăng cao (10,15%), đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị toàn nền kinh tế; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ (40,61%). Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Sự phục hồi chung của nền kinh tế đã thúc đẩy ngành bán lẻ tăng trưởng trở lại. Khảo sát 15.000 nhà bán hàng của Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy, tuy 42% nhà bán hàng ghi nhận sự sụt giảm doanh thu so với năm 2021, tình hình chung năm 2022 là sự phục hồi về doanh thu. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30.7%). Số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%.
Trong số các nhà bán lẻ có sự tăng trưởng doanh thu năm 2022, phần lớn trong số họ đang kinh doanh trong lĩnh vực Thời trang - Phụ kiện, Mỹ phẩm, Tạp hóa - siêu thị mini và Đồ chơi. Các nhà bán lẻ ghi nhận doanh thu giảm sút trên 30% chủ yếu kinh doanh trong nhóm ngành Đồ gia dụng, sinh hoạt; Đồ mẹ và bé; Thuốc và thực phẩm chức năng.
Để đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng như năm 2022, các nhà bán hàng đã sử dụng phương thức kích thích sức mua, đẩy hàng tồn và khai thác lợi thế kinh doanh tốt hơn. Trong đó, 65,58% nhà bán hàng tạo các chương trình khuyến mại giảm giá, tặng quà, tặng thêm sản phẩm; 22,64% nhà bán hàng áp dụng chương trình tích điểm khi mua hàng, đổi quà dành cho khách hàng thân thiết; 10,69% nhà bán hàng sử dụng phương thức chăm sóc khách hàng sau bán như gửi tin nhắn chúc mừng sinh nhật, cập nhật thông tin khuyến mại. Chỉ 1,09% nhà bán không có phương án cụ thể để thúc đẩy doanh thu.
Các nhà bán hàng không sẵn sàng chi quá nhiều cho hoạt động marketing, phần lớn ngân sách marketing chiếm dưới 10% doanh thu (58,3%), tỷ lệ nhà bán hàng chi tiêu ngân sách cho marketing chiếm 10-20% doanh thu là 32,4%; tỷ lệ nhà bán hàng chi tiêu ngân sách cho marketing chiếm 10-20% doanh thu chỉ là 9,3%.
3 kênh marketing được ưa chuộng nhất trong ngành Bán lẻ và được đổ nhiều chi phí là: Quảng cáo trên mạng xã hội, Tiếp thị tại cửa hàng, Quảng cáo trên sàn thương mại điện tử.
Trong năm 2022 ghi nhận sự phát triển vượt bậc của kênh marketing qua Người nổi tiếng/ Người ảnh hưởng (KOL)/ Người tiêu dùng chủ chốt (KOC), hình thức đa dạng, sáng tạo; chất lượng được gia tăng. Tỷ lệ nhà bán hàng đang sử dụng kênh này chiếm 7,37%.
Đồng thời, kênh này cũng vượt qua kênh Quảng cáo trên sàn thương mại điện tử, lọt top 3 kênh marketing được đánh giá hiệu quả cao nhất (sau Tiếp thị tại cửa hàng và Quảng cáo trên Mạng xã hội). Dự đoán trong năm 2023, lĩnh vực sáng tạo nội dung số hay xu hướng thương mại giải trí sẽ tiếp tục lên ngôi. Mỏ vàng kinh doanh online sẽ tiếp tục được khai thác theo chiều hướng mang lại trải nghiệm ấn tượng và mới mẻ cho người tiêu dùng.
Bán hàng đa kênh tiếp tục thể hiện ưu thế
Xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh vẫn được thể hiện rõ rệt. 57,65% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh - tại cửa hàng và một số kênh online. Tỷ lệ người kinh doanh chỉ bán offline tại cửa hàng chiếm 23,71% và người kinh doanh chỉ bán online chiếm 17,35%.
Mặt khác, nhà bán hàng đa kênh thể hiện ưu thế về doanh thu so với các nhà bán hàng chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng hoặc chỉ bán online. Người bán hàng đa kênh ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu chiếm 68,01%, trong khi đó tỉ lệ này với người bán hàng online là 16,9% và người chỉ bán tại cửa hàng là 15,07%
Trong số các kênh bán hàng trực tuyến, sàn Thương mại điện tử được ưa chuộng nhất với tỷ trọng 49,69% nhà bán hàng sử dụng, tiếp đó là mạng xã hội Facebook (39,13%), website (9,94%). TikTok Shop - kênh bán hàng mới xuất hiện trong năm 2022 hiện chỉ chiếm 1,24% tỷ trọng nhưng đang là xu hướng khai thác và chuyển dịch của nhà bán hàng.
Trong số những nhà bán hàng chỉ kinh doanh trực tuyến hoàn toàn, tỷ lệ có sự tăng trưởng doanh thu so với 2021 nhiều nhất đến từ sàn thương mại điện tử (43,75%). Trong khi đó, phần lớn nhà bán hàng trên Facebook (mạng xã hội) cho biết họ ghi nhận sự sụt giảm doanh thu từ 10-30%
Tuy nhiên, khi đánh giá tổng quan mức độ hiệu quả của các kênh bán hàng, kênh bán tại cửa hàng vẫn được ưa chuộng nhất (đạt 7,2/ 10 điểm). Xếp thứ 2 là kênh mạng xã hội đạt 6,9 điểm, sàn thương mại điện tử đạt 6,67 điểm, website chiếm 5,76 điểm.
Trong ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống, kênh bán tại cửa hàng cũng được đánh giá cao nhất với 8,83/ 10 điểm, kênh mạng xã hội đạt 6,2 điểm, kênh ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến đạt 5,8 điểm, kênh website chỉ đạt 5,1 điểm. Tuy vậy, kênh bán hàng online được ưu tiên sử dụng nhất lại là ứng dụng đặt đồ ăn online (như Grabfood, Shopee Food, Baemin, Gojek, Loship...), chiếm tỷ trọng 55,6%.
Theo thống kê qua khảo sát của Sapo, mô hình cửa hàng có dưới 5 nhân viên chiếm tỉ trọng cao nhất trong ngành bán lẻ (62,07%), cửa hàng có 5-10 nhân viên chiếm 21,12%, cửa hàng trên 10 nhân viên chiếm 7,33%.
Có thể thấy, phổ biến trong ngành bán lẻ là cửa hàng quy mô vừa và nhỏ, chủ cửa hàng coi kinh doanh là công việc chính và trực tiếp tham gia vào quá trình bán hàng; nên nhóm này thường không thuê nhiều nhân viên. Đáng chú ý, tỉ lệ cửa hàng tự vận hành (không có nhân viên, chủ cửa hàng kiêm nhiệm nhiều vị trí) trong ngành Bán lẻ (11,9%) cao hơn ngành FnB (3%).
Chuyển dịch hình thức thanh toán
Quá trình phục hồi kinh tế sau dịch bệnh và giãn cách xã hội đã tác động và tạo ra nhiều thay đổi trong lĩnh vực thanh toán và vận chuyển.
Tiền mặt quay trở lại ngôi vị số 1 trong nhóm phương thức thanh toán được người mua hàng sử dụng nhiều nhất và nhà bán hàng chấp nhận (chiếm 29,46% tỷ trọng). Năm 2021, hình thức thanh toán không tiền mặt - Chuyển khoản lần đầu tiên vượt qua Tiền mặt và lên vị trí top 1. Tuy nhiên, năm 2022, Chuyển khoản đã lùi xuống thứ 2, chiếm 27,95% tỷ trọng. Sự bùng nổ của hình thức Quét mã QR ngân hàng trong năm 2022 đã đưa phương thức này lên Top 3 loại hình thanh toán được chấp nhận nhiều nhất (chiếm 16,69% tỷ trọng), vượt qua Ví điện tử (13,29%).
Có thể nói, phong trào Ngân hàng số - Chuyển đổi số toàn diện trong ngành ngân hàng năm 2022 cũng tác động trực tiếp đến ngành Bán lẻ.
Tuy nhiên, Chuyển khoản lại được các nhà bán hàng chấm điểm cao nhất về mức độ tiện lợi, dễ dàng sử dụng và đối soát (8,8/ 10 điểm). Xếp hạng tiếp theo là Tiền mặt (8,5 điểm), Ví điện tử (8,3 điểm), Quét mã QR ngân hàng (8,2 điểm).
Hình thức Mua trước trả sau (Fundinn, Shopee Pay Later) mới được ra mắt và tích hợp trên sàn Thương mại điện tử trong năm 2022 nên chưa được sử dụng nhiều và chỉ đạt 2,6 điểm tiện lợi. Các phương thức thanh toán mới cần thêm nhiều thời gian để chinh phục thị trường bán lẻ.
Dự báo xu hướng ngành bán lẻ năm 2023
Nhìn lại 2022, toàn nền kinh tế có sự khởi sắc nhưng còn không ít thách thức; bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 19,5% so với năm 2021. Triển vọng ngành bán lẻ năm 2023 phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố rủi ro đối với kinh tế cả nước: sự bất ổn địa chính trị thế giới, dấu hiệu tăng mạnh của lãi suất ngân hàng, lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến chi tiêu và sức mua của người dân,…
Kết thúc năm 2022, 74,5% nhà bán hàng kỳ vọng thị trường năm 2023 sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Trong đó, 12,18% nhà bán hàng tin tưởng ngành bán lẻ chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2023, 36,18% nhà bán hàng dự định mở rộng quy mô kinh doanh; 29,03% nhà bán hàng dự định đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh; chỉ 2,85% nhà bán hàng dự định duy trì và tối ưu chi phí. Kết quả đạt được là nhờ cộng đồng doanh nhân năng động, linh hoạt, chủ động vượt khó, không khoanh tay đứng nhìn.
Bước sang năm 2023, dự đoán xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ là mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến. Bán hàng đa kênh sẽ tiếp tục thể hiện ưu thế. Vì người tiêu dùng đang cởi mở trong lựa chọn, sẵn sàng thay đổi thương hiệu, thay đổi địa điểm khi mua hàng.
Thương mại điện tử sẽ tiếp tục trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam. Người mua hàng của ngành bán lẻ sẽ trở thành “người tiêu dùng kỹ thuật số”, tiếp tục duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến trong 12 tháng tới.
Ứng dụng công nghệ và phần mềm quản lý bán hàng sẽ giúp chủ cửa hàng ngành bán lẻ mở rộng kinh doanh và vận hành hiệu quả. Các nhà bán hàng có thể lựa chọn phần mềm quản lý và bán hàng không chỉ hỗ trợ vận hành cửa hàng offline truyền thống, mà thúc đẩy kênh bán hàng online và tăng trưởng đa kênh.
Tuy nhiên, 25,43% nhà bán hàng tỏ ra bi quan với tình hình kinh doanh năm 2023, dự đoán tình hình địa chính trị trên thế giới tiếp tục biến động, kinh tế suy thoái, tỷ lệ lạm phát tăng,... sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc kinh doanh trong ngành bán lẻ.
Bản thân các cửa hàng bán lẻ và dịch vụ ăn uống đã nỗ lực thích ứng thời gian qua sẽ cần tiếp tục phát huy các biện pháp sáng tạo thời gian tới. Trong đó, họ cần chú trọng đến nguồn nhân lực, dòng tiền và khách hàng; gia tăng sức đề kháng từ công tác phân tích, dự báo và quản trị rủi ro.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận