Mỹ “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến Trung Quốc “thất vọng”
Trung Quốc cho rằng sắc lệnh hạn chế đầu tư mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa thông qua có mục đích “chính trị hóa và vũ khí hóa thương mại”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/8 đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc và yêu cầu chính phủ nước này tài trợ vào các lĩnh vực công nghệ khác.
Sắc lệnh mới, được ký kết sau gần 2 năm cân nhắc, cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các thực thể Trung Quốc trong 3 lĩnh vực chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Biden cho biết trong một bức thư gửi Quốc hội Mỹ, rằng ông đang tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với mối đe dọa về sự tiến bộ của các quốc gia như Trung Quốc về các công nghệ và sản phẩm nhạy cảm quan trọng đối với quân đội, tình báo, giám sát hoặc khả năng hỗ trợ mạng.
Đề xuất nhắm mục tiêu đầu tư vào các công ty Trung Quốc phát triển phần mềm để thiết kế chip và công cụ sản xuất chúng.
Động thái này có thể gây căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù các quan chức Mỹ khẳng định các lệnh cấm nhằm giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia “nguy hiểm nhất” và không chia cắt nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau của 2 nước.
Sắc lệnh này nhằm ngăn chặn nguồn vốn và chuyên môn của Mỹ giúp phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ. Nó tập trung vào vốn cổ phần tư nhân, vốn mạo hiểm, liên doanh và đầu tư vào lĩnh vực xanh.
Các công ty sẽ phải thông báo với chính phủ trước khi đầu tư vào các lĩnh vực này. Theo đó, một số giao dịch sẽ bị cấm hoàn toàn.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, họ sẽ miễn trừ một số giao dịch nhất định, bao gồm cả những giao dịch có khả năng xảy ra trong các công cụ được giao dịch công khai và chuyển khoản nội bộ từ công ty mẹ ở Mỹ sang các công ty con.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul ca ngợi động thái hạn chế các khoản đầu tư mới ra nước ngoài vào Trung Quốc nhưng cho biết, việc không tính đến các khoản đầu tư công nghệ hiện có cũng như các lĩnh vực như công nghệ sinh học và năng lượng là điều đáng lo ngại.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio cho biết, đề xuất được điều chỉnh trong phạm vi hẹp và còn nhiều kẽ hở, trong đó bỏ qua công dụng kép của các công nghệ quan trọng và không bao gồm các ngành mà chính phủ Trung Quốc cho là quan trọng.
Theo một quan chức Mỹ, các quy định sẽ chỉ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư trong tương lai, không ảnh hưởng đến các khoản đầu tư hiện tại.
Chính quyền Mỹ cho biết, họ đã hợp tác với các đồng minh và đối tác của Mỹ để đưa ra các hạn chế, và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với họ để thúc đẩy các mục tiêu này.
Sắc lệnh mới dự kiến sẽ được thực hiện vào năm tới, sau nhiều vòng lấy ý kiến công chúng, bao gồm cả thời gian lấy ý kiến ban đầu là 45 ngày.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) cho biết trong một tuyên bố, Trung Quốc “rất thất vọng” về việc Mỹ tiếp tục thực hiện các hạn chế và sẽ “bảo vệ lợi ích của chính mình”.
“Trung Quốc phản đối việc Mỹ lạm dụng an ninh quốc gia để chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề thương mại, khoa học và công nghệ, đồng thời cố tình gây trở ngại cho trao đổi kinh tế và thương mại bình thường cũng như hợp tác công nghệ,” ông Liu nói.
Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong cũng khẳng định Trung Quốc chắc chắn sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả các biện pháp an ninh quốc gia của Mỹ nhắm vào nước này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận