MWG gặp áp lực bán cổ phiếu từ ETF nếu bị loại khỏi rổ VN Diamond
Báo cáo mới đây của SSI Research, trong ngắn hạn, cổ phiếu của Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) vẫn có nguy cơ bị loại khỏi VNDiamond Index (với P/E dự phóng 2023 là 147x có thể vượt gấp 3 lần P/E của nhóm đủ tiêu chuẩn), điều này có thể gây ra áp lực bán lớn từ DCVFM Diamond ETF (nắm giữ khoảng 60 triệu cổ phiếu MWG).
“Bất kỳ tin tức nào liên quan đến những thay đổi về quy định trong thời gian tới đều sẽ làm cho giá cổ phiếu biến động.”, báo cáo của SSI Research nêu.
Hiện có 3 ETF tham chiếu theo VNDiamond Index gồm DCVFM VNDiamond ETF, MAFM VNDiamond ETF và BVF VNDiamond ETF. Trong đó, quỹ có quy mô lớn nhất là DCVFM VNDiamond ETF (giá trị tài sản ròng trên 17.700 tỷ đồng tại 20/11) ước tính đang nắm giữ khoảng 60 triệu cổ phiếu MWG. Theo nguyên tắc, khi chỉ số tham chiếu loại bỏ một cổ phiếu khỏi danh mục, các ETF sẽ bán toàn bộ lượng cổ phiếu mã đó đang nắm giữ.
Trên sàn HOSE, cổ phiếu MWG kết phiên 20/11 tại 40.550 đồng/cp, giảm 17% qua 3 tháng gần nhất, khối lượng giao dịch bình quân phiên gần 9 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, việc công ty chưa đạt được điểm hòa vốn vào cuối năm 2023 về mặt lợi nhuận ròng cũng có thể khiến các nhà đầu tư đã chờ đợi nhiều năm thất vọng. Lợi nhuận ròng quý IV/2023 theo nhóm phân tích của SSI ước đạt 334 tỷ đồng (giảm 46% so với cùng kỳ năm trước). Mặc dù công ty có thể công bố sự phục hồi so với quý trước, điều này phản ánh hiệu ứng thời vụ hơn là sự phục hồi nhu cầu thực tế.
Tại cuộc họp với chuyên viên phân tích mới đây, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động bày tỏ quan điểm về lợi nhuận mảng công nghệ thông tin & điện máy (ICT&CE) đã chạm đáy trong quý II/2023, nhưng nhấn mạnh quá trình phục hồi sẽ chậm vì công ty có thể vẫn phải duy trì chính sách giá cạnh tranh trong bối cảnh lượng hàng tồn kho của các đối thủ cao và nhu cầu yếu.
Về dài hạn, trong khi mảng ICT dường như phải đối mặt với nhu cầu bão hòa, động lực tăng trưởng của MWG sẽ phụ thuộc vào mảng bách hóa. Đối với mảng bách hóa, doanh thu/tháng/cửa hàng của Bách Hóa Xanh đạt 1,7 tỷ đồng trong tháng 10, trong khi biên lợi nhuận trước thuế quý III cải thiện đáng kể, nếu loại chi phí bất thường 90 tỷ đồng liên quan đến hoạt động tái cơ cấu trong năm 2022.
Kể từ đầu năm 2023, ông lớn ngành bán lẻ đã chuẩn hóa quy trình vận hành tại các cửa hàng giúp loại bỏ các công việc không cần thiết, tiết kiệm thời gian và chi phí nhân công. Bên cạnh đó, việc tăng lợi nhuận gộp trong khi vẫn duy trì được chi phí logistics ở mức ổn định theo giá trị tuyệt đối cũng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó nâng cao biên lợi nhuận. Xét về tỷ lệ phần trăm, tỷ lệ chi phí logistics trên doanh thu giảm từ 6% trong quý IV/2022 xuống còn 5% trong quý III/2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận